Mỹ sắp hạ thủy siêu tàu sân bay, Trung Quốc lạnh gáy

TQ lo, bởi không chỉ một chiếc Gerald R. Ford sắp hạ thủy ngày 9.11 tới, mà Mỹ sẽ hạ thủy thêm 2 siêu tàu sân bay loại này vào năm 2025 và 2027, mỗi tàu hoạt động tới 50 năm.

USS Gerald R. Ford (CVN-78) chuẩn bị hạ thủy ngày 9.11.2013, là siêu tàu sân bay lớn nhất của Mỹ - Đồ họa: Hải quân Mỹ

Siêu tàu sân bay, siêu giá

Truyền thông Trung Quốc đã có những tin bài bày tỏ sự lo lắng khi tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald R. Ford (CVN-78) đã được xả nước vào ụ đóng tàu ngày 11.10 qua, và chuẩn bị rời ụ để thử nghiệm trên biển vào ngày 9.11 tới, theo BBC.

Con tàu khổng lồ (dài 337 m) và tốn kém nhất này (12,8 tỉ USD) được khởi công từ tháng 8.2005, sẽ thay thế tàu sân bay nguyên tử USS Enterprise đã nghỉ hưu. Khi hoàn tất, tàu có khả năng chở 90 máy bay, thực hiện 220 phi vụ/ngày. Tàu còn mang theo các máy bay chiến đấu không người lái.

Dự kiến tàu sẽ đưa vào trực chiến từ năm 2016.

Hải quân Mỹ có kế hoạch đóng mới 3 tàu sân bay lớp Ford thay thế lớp tàu sân bay nguyên tử Nimitz (dự định ban đầu là 10 chiếc, nhưng do ngân sách bị cắt giảm nên trước mắt chỉ đóng 3 chiếc). Tàu được trang bị công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa cao độ nên giảm nhiều nhân lực trên tàu.

Tại xưởng đóng tàu Huntington Ingalls, công việc chuẩn bị đóng con tàu sân bay lớp Ford thứ hai, chiếc USS John F. Kennedy đã bắt đầu.

USS Gerald R. Ford được khởi công từ tháng 8.2005 - Ảnh: Hải quân Mỹ
USS Gerald R. Ford (CVN 78) đã được xả nước vào ụ nổi tại xưởng đóng tàu Newport News (bang Virginia) ngày 12.10 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Việc trang bị máy bay chiến đấu không người lái cho tàu sân bay Gerald Ford được đô đốc Thomas J. Moore, phụ trách chương trình tàu sân bay nói với trang tin military.com rằng "Máy bay không người lái là một phần của chiến lược sắp tới của chúng ta. Dù nó không thể thay thế máy bay có phi công, nhưng chúng vẫn có vai trò quan trọng".

Nhiều người phàn nàn chi phí đóng tàu sân bay quá tốn kém, tuy nhiên theo tính toán của tạp chí Breaking Defense, chi phí 12,8 tỉ USD cho con tàu Gerald Ford 100.000 tấn này tính ra một pound (khoảng gần 500 g) tốn 48 USD. Mức giá này rẻ chán so với 98 USD cho 1 pound của tàu khu trục lớp Arleigh BurkeFlight IIA đang đóng, và còn rẻ hơn so mức 195 USD/pound của tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia.

Còn nếu so với không quân, mức giá tính trên trọng lượng của tàu Ford còn "bèo" hơn nhiều, khi biết rằng 1 pound của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor có giá 3.300 USD.

Trung Quốc lo

Tin tức về việc sắp hoàn tất siêu tàu sân bay này khiến dư luận Trung Quốc lo lắng. Theo BBC, ông Chen Hu, tổng biên tập một tạp chí quân sự Trung Quốc nói với tờ Wen Wei Po (Hồng Kông) rằng: "Tàu sân bay Ford sẽ tác động lớn đến hải quân Trung Quốc". Ông này cũng thừa nhận rằng công nghệ tàu sân bay của Trung Quốc tụt hậu 30 năm so với Mỹ.

Đồ họa máy bay F-35 cất cánh từ USS Gerald Ford. Con tàu này mang cả máy bay có phi công lẫn UAV chiến đấu - Đồ họa: Hải quân Mỹ

Còn Yi Zhuo, một chuyên gia về hải quân Trung Quốc, nói với tờ báo Hồng Kông: "Ford là một bước nhảy vọt trong năng lực tác chiến trên biển của Mỹ".

USS Gerald Ford được thiết kế để hoạt động đến 50 năm. Và hai tàu sân bay lớp Ford khác là USS John F. Kennedy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025, và chiếc thứ ba USS Enterprise hoạt động từ năm 2027.

Tuy truyền thông Trung Quốc cũng như một số báo nước ngoài khác nói nhiều về việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo DF-21 chống tàu sân bay, nhưng một bình luận trên tạp chí Breaking Defense số tháng 10.2013 nhận định: việc tấn công tàu sân bay trên biển là khó hơn tấn công sân bay trên đất liền.

Theo đó, xung quanh con tàu sân bay luôn có lực lượng tàu hộ tống trang bị các radar cực mạnh kết hợp vệ tinh trên cao có thể phát hiện tên lửa địch từ lúc mới rời bệ phóng, và các vũ khí chống tên lửa trên các tàu này đã được thiết kế để chống lại mối đe dọa tương lai đó.

Ngoài ra, do tàu sân bay thường xuyên di chuyển, khó biết được chính xác vị trí của nó, thì mức độ an toàn của tàu sân bay trước các cuộc tấn công là cao hơn nhiều so với sân bay hay các căn cứ trên đất liền vốn cố định.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng việc tấn công tàu sân bay là khó hơn tấn công căn cứ trên đất liền
Sau USS Gerald R. Ford, Hải quân Mỹ tiếp tục đóng thêm 2 chiếc nữa. Đồ họa chiếc thứ hai, USS John F. Kennedy (CVN 79) - Nguồn: Hải quân Mỹ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại