Trong ngày 10-11, nguyên mẫu X-47B thực hiện một loạt chuyến bay trên hàng không mẫu hạm CVN-71 Theodore Roosevelt. Các chuyến bay thử nghiệm trên là để kiểm tra khả năng tương tác giữa UCAS-D và tàu sân bay mang chúng.
Cụ thể, nguyên mẫu X-47B đã thực hiện một loạt thao tác chạm boong tàu sân bay để thu thập dữ liệu của UCAS-D khi hoạt động gần tàu sân bay. Ngoài ra, kíp bảo dưỡng cũng được thực tập duy trì hoạt động của X-47B trên boong và khả năng kết nối giữa UCAS-D với trung tâm chỉ huy bay trên tàu sân bay Theodore Roosevelt.
Các chuyến bay thử trên kéo dài 45 phút. Trong lần bay thử này, X-47B cũng được thử khả năng hoạt động trên boong hoàn toàn tự chủ với điều kiện phối hợp cùng với các máy bay có người lái khác trên boong.
Hải quân Mỹ bắt tay vào phát triển dự án thực nghiệm công nghệ X-47B từ giữa những năm 2000. Hãng Northrop Grumman giành được hợp đồng phát triển dòng UAV này trị giá 636 triệu USD vào tháng 4-2007. Theo hợp đồng, Northrop Grumman đã phải tạo 2 nguyên mẫu công nghệ X-47B. Dòng UCAS-D dài 11,63m, cao 3,1m và sải cánh đạt 18,93m. X-47B có thiết kế cánh gấp lại được và khoang trong thân mang được 2 tấn vũ khí, trang bị. Tổng chi phí của dự án tới khi đóng cửa là 1,4 tỷ USD.
Trong quá trình thử nghiệm, X-47B cất cánh trên hạm thành công lần đầu tiên vào ngày 14-5-2013. Hải quân Mỹ muốn kéo dài thời gian thực nghiệm X-47B để kíp điều khiển, hậu cần có thêm kinh nghiệm duy trì hoạt động UCAS-D trên boong. Cùng với đó, hải quân Mỹ cũng muốn thử nghiệm thêm hệ thống và thuật toán điều khiển của X-47B để nó hoạt động chính xác hơn, nhất là trong quá trình tiếp liệu với máy bay Learjet.
Kế thừa các công nghệ thử nghiệm trên X-47B, bắt đầu từ năm 2014, hải quân Mỹ sẽ phát triển dự án UACV hải quân mới với tên gọi UCLASS. Tham gia vào dự án này sẽ là Northrop Grumman, General Atomics Aeronautical Systems, Boeing và Lockheed Martin. Các hãng chế tạo sẽ được ký hợp đồng phát triển và chế tạo các nguyên mẫu đầu tiên cho UCLASS. Dự kiến, các nguyên mẫu trên sẽ ra mắt năm 2018.