F-35 có thể biến thành "vịt quay" khi đối đầu Su-30/35?

Bình Nguyên |

Chuyên gia phân tích quân sự Rakesh Krishnan Simha đã đưa ra nhận xét đầy "ví von" này khi giả định tình huống F-35 đối mặt với dòng máy bay tiêm kích đa năng Su-30/35.

F-35 hội tụ những "thảm họa" về thiết kế

Nhiều chuyên gia quân sự uy tín trên thế giới có chung nhận định: Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 mới nhất của Mỹ là F-35 hội tụ đầy đủ các yếu tố để xứng đáng giành ngôi vị quán quân vô tiền khoáng hậu "thảm họa thiết kế đắt giá nhất hành tinh".

Ông John Marshall, chuyên gia thuộc Nhóm Nghiên cứu chiến lược quốc phòng và quốc gia (Vương quốc Anh) nhận xét: "F-35 là sai lầm đắt giá nhất thế giới bởi nó có quá nhiều lỗi kỹ thuật trong khi chi phí tăng lên một cách không tưởng".

Trước đó, một trong những công trình sư cha đẻ của 2 dòng máy bay thành công nhất của Không quân Mỹ là tiêm kích F-16 và máy bay săn diệt tăng A-10, ông Pierre Sprey đã chê F-35 thậm tệ bởi nó "kết tinh" quá nhiều lỗi thiết kế chết người. Cụ thể:

Hầu hết máy bay chiến đấu thế hệ mới đều thuôn, gọn để tối ưu về khí động học, nhưng do chú trọng nâng cao khả năng tàng hình bằng cách đưa vũ khí vào trong thân, các kỹ sư "đẻ" ra F-35 với hình dáng tròn trịa, nặng nề như máy bay ném bom chuyên nhiệm.

Trong một cáo cáo mới đây, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Hoa Kỳ (GAO) đã thẳng thắn thừa nhận rằng động cơ của F-35 do Pratt & Whitney phát triển rất kém tin cậy, thời gian giữa 2 lần phát sinh sự cố không bằng một nửa so với kỳ vọng.

Mỹ không công bố cụ thể ngưỡng nhiệt độ nhiên liệu của F-35 là bao nhiêu, nhưng có tài liệu cho thấy con số này là 43oC và bị coi là khá thấp, nhất là trong điều kiện đường băng và sàn đỗ máy bay bằng bê tông thường phản xạ lại ánh mặt trời và làm tăng nhiệt độ.

Động cơ của F-35 cũng có thể tự động ngắt khi hoạt động một vài giờ dưới ánh nắng mặt trời, do nhiên liệu lúc đó trở nên quá ấm so với quy định. Điểm yếu mới bị phát hiện này của F-35 là nghiêm trọng nếu trong điều kiện chiến tranh.

Một giải pháp khắc phục nhược điểm trên của F-35 do không quân Mỹ đưa ra đã bị mỉa mai trên báo chí, đó là xây dựng các bãi đỗ cho máy bay trong bóng râm dành cho xe chở nhiên liệu.

Chưa hết, Hải quân Hoàng gia Anh cũng "khóc dở mếu dở" với F-35, bởi nó thậm chí còn không thể mang và điều khiển được loại bom thông minh thế hệ mới là SDB II do khoang chứa quá bé và phần mềm điều khiển không tương thích.

Tờ Daily Mail khẳng định, F-35B có thể trở thành kẻ vô dụng trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, theo các nhà phân tích, việc giảm không gian chứa vũ khí cũng đồng nghĩa với việc các nhà thiết kế của hãng Lockheed Martin (Mỹ) ký "giấy báo tử" cho F-35.

Tiêm kích thế hệ 5 F-35 bốc cháy tại căn cứ không quân Eglin tháng 6/2014.

Tiêm kích thế hệ 5 F-35 bốc cháy tại căn cứ không quân Eglin tháng 6/2014

Dễ làm mồi ngon cho Su-30/35?

Ông Pierre Sprey cho rằng cánh của F-35 có thiết kế không tốt, ảnh hưởng tới khả năng thao diễn, trong khi tốc độ chậm và động cơ siêu nóng, dễ khiến radar đối phương phát hiện từ xa để dẫn các biên đội tiêm kích tiếp cận ở góc có lợi và tiêu diệt F-35.

Đây là điểm yếu chết người có thể khiến máy bay thế hệ 5 biến thành miếng mồi ngon cho các máy bay tiêm kích hiện đại như Su-30/35 của Nga hay các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4+ của Phương Tây.

Bên cạnh đó, việc lệ thuộc vào radar và tên lửa không đối không tầm xa là tự sát, bởi cho dù F-35 có khả năng phát hiện và bắn trước Su-30 nhưng trên thực tế, xác suất trúng đích trên một phát bắn của loại tên lửa này thường khá thấp.

Trong Chiến tranh Việt Nam, Không quân Mỹ yêu thích ý tưởng không chiến bằng tên lửa tầm xa đến nỗi, khi gặp chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh” của Không quân Việt Nam non trẻ, F-4 đã liên tiếp bị bắn rơi do nó vốn chỉ được trang bị tên lửa.

Sau này người Mỹ phải trang bị thêm pháo cho F-4 để đánh quần vòng. Với F-35, kể cả khi phóng hết cả 4 quả tên lửa tầm xa mang theo trong khoang cũng chưa chắc đã thực sự hạ được đối phương, khi đó nó sẽ gặp bất lợi nếu bị tiêm kích đối phương "bám thắt lưng".

Do vậy, các nhà thiết kế cũng cố nhét lên F-35 khẩu pháo 25 mm để "tự vệ" sau khi đã bắn hết tên lửa. Những thật hài hước ở chỗ, phần mềm điều khiển khẩu pháo này phải tới năm 2019 mới tích hợp xong nên F-35 phải "lủi" càng nhanh càng tốt khi "trắng bệ".

Một số chuyên gia am hiểu về không quân đã cho rằng cả hai loại máy bay tiêm kích thế hệ 5 tàng hình của Mỹ là F-22 và F-35 được thiết kế để áp dụng chiến thuật kiểu "Ninja đánh đêm" hay "thấy trước - bắn trước - lủi trước".

Chúng không chường mặt giữa ban ngày 1 chọi 1 trước các máy bay tiêm kích đối thủ, mà lượn lờ từ xa, lợi dụng màn đêm cùng khả năng bộc lộ vô tuyến, hồng ngoại thấp và nghi binh, gây nhiễu của biên đội hiệp đồng ở hướng khác để rình rập chờ cơ hội.

Chỉ cần đối thủ sơ hở thì lén lút vào chiếm vị trí phóng tên lửa rồi nhanh chóng lủi ra chỗ khác trước khi bị phát hiện và phản đòn. Nếu để rơi vào tình huống cận chiến kiểu "đấu dao" thì F-35 dễ trở thành miếng mồi ngon cho những đối thủ cứng cựa như Su-30/35.

So sánh về khả năng phát hiện và vũ khí đi kèm giữa F-22 đàn anh của F-35 với Su-30MK/MKI

So sánh về khả năng phát hiện và vũ khí đi kèm giữa F-22 đàn anh của F-35 với Su-30MK/MKI

Theo một số chuyên gia phân tích, dù là máy bay tàng hình thế hệ 5 nhưng F-35 không thể hoàn toàn tàng hình trước radar trên máy bay tiêm kích đối phương, nhất là với radar Irbis-E của Su-35.

Báo cáo ngày 1/12/2012 của Bộ Quốc phòng Canada đã hé lộ rằng F-35 có diện tích phản xạ radar (RCS) giảm tới 95% so với các máy bay thế hệ 4.

Từ đó suy ra, F-35 sẽ có RCS là 0,25 m2 so với máy bay thế hệ 4 thông thường có RCS là 5 m2. Còn nếu so với RCS cỡ 3 m2 của máy bay chiến đấu CF-18 trong biên chế Không quân Canada thì F-35 sẽ có RCS cỡ khoảng 0,15 m2.

Theo chuyên gia hàng đầu về không quân Australia, Tiến sĩ Carlo Kopp, radar Irbis-E của Su-35 có thể phát hiện mục tiêu bay có RCS cỡ 0,1 m2 từ khoảng cách 50 dặm (90 km), với RCS của F-35 như trên thì chắc chắn nó sẽ bị Su-35 phát hiện từ cự ly còn xa hơn.

Thậm chí, một số nguồn tin khác còn cho rằng radar Irbis-E của Su-35 còn có thể phát hiện F-35 từ cự ly trên 180 km và dễ dàng điều khiển các loại tên lửa tầm xa R-77M, R-37M để tiêu diệt nó ở phạm vi 120 - 200 km.

Bên cạnh đó, F-35 không có khả năng tàng hình trước hệ thống dò và bám hồng ngoại (IRST) trên Su-30/35 vốn có cự ly trinh sát tới ngoài 40 km và sẽ còn xa hơn trong tương lai gần. Nếu bị hệ thống này bám được, F-35 khó có khả năng chạy thoát.

Tóm lại, “F-35 quá nặng và chậm chạp để có thể trở thành một máy bay chiến đấu thành công. Nước nào sử dụng nó sẽ gặp phải ác mộng vì nó chỉ thích hợp để làm cảnh và thực sự vô dụng”.

Đây là nhận xét có phần "phũ phàng" nhưng xem ra hết sức có lý của chuyên gia Winslow T. Wheeler Giám đốc Dự án Tái cơ cấu Quân đội Strauss (Hoa Kỳ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại