Chiến đấu như đặc công, lính tăng Việt Nam lập kỳ tích

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

“Xe chưa đi được thì đưa người vào trước, vừa chuẩn bị chiến trường vừa lấy xe địch đánh địch”. Thực tế đã chứng tỏ là chủ trương chiến lược vô cùng sáng suốt của Bộ Tổng tư lệnh.

Xe chưa ra trận thì người đi trước

Ngày 5 tháng 10 năm 1959, Trung đoàn xe tăng 202 - đơn vị đầu tiên của Lực lượng Tăng - Thiết giáp (TTG) Việt Nam được thành lập.

Ngay sau đó, toàn Trung đoàn bước vào huấn luyện và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước....

 
ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...

Song do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan nên ta chưa thể đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam tham chiến ngay được nên cán bộ, chiến sĩ rất tâm tư. Trong Binh chủng TTG lúc đó lưu truyền mấy câu ca dao sau nói lên tâm trạng đó:

Tiếng súng Đông Xuân đã nổ rồi

Mà lính xe tăng vẫn ngồi chơi

Ngày ngày vác búa đi gõ mối*

Thế thì tủi lắm, thủ trưởng ơi!

(* Xe tăng trong lán sơ tán ở chân đồi, bị mối đùn lên băng xích nên thường xuyên phải dùng búa gõ cho sạch)

Tuy vậy, với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, Bộ Tổng tư lệnh xác định trước sau gì cũng phải đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam tham chiến.

Hiện tại đường chưa thông chưa đưa xe vào được thì có thể đưa người vào trước, một mặt tiến hành công tác chuẩn bị chiến trường để khi đưa xe vào có thể sử dụng hiệu quả nhất, một mặt tham gia chiến đấu để “lấy xe địch đánh địch” khi điều kiện cho phép.

Thực hiện chủ trương chiến lược của trên- tháng 2.1964, đoàn CB- CS TTG đầu tiên do đồng chí Mai Văn Phúc (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7) chỉ huy lên đường vào miền Đông Nam Bộ sau khi được huấn luyện bổ sung cách đánh của đặc công.

Sau đó, vào tháng 4 năm 1964 và tháng 3 năm 1965 hai đoàn nữa tiếp tục lên đường. Tổng cộng có gần 300 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn xe tăng 202 đã vào B2 như vậy.

Sau khi vào chiến trường, ba đoàn được tập hợp lại thành Đoàn cơ giới Miền với phiên hiệu là J16 (sau này gọi là Đoàn đặc công cơ giới J16).

Nhiệm vụ của đơn vị là sử dụng cách đánh đặc công tập kích tiêu diệt các phương tiện cơ giới của địch, trước mắt là góp phần đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch và khi có thời cơ sẽ lấy xe địch trang bị cho mình.


Lữ đoàn xe tăng 202 thực hành huấn luyện chiến đấu.

Lữ đoàn xe tăng 202 thực hành huấn luyện chiến đấu.

Ước mơ đã thành hiện thực

Tuy mang danh là Đoàn Cơ giới miền song trong tay cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) hoàn toàn không có trang bị cơ giới gì cả mà vẫn chỉ là vũ khí cá nhân như súng AK, lựu đạn và thêm một số khẩu B40 mà thôi.

Trước tình hình đó, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên giao, CB-CS lãnh đạo Ban Cơ giới Miền cũng như chỉ huy của Đoàn xác định:

"Phải vận dụng cách đánh của đặc công, đồng thời phải nghiên cứu nắm vững cấu tạo, những điểm mạnh, điểm yếu các loại xe tăng, xe thiết giáp của địch để nếu đã đánh là trúng, nhanh chóng loại chúng ra khỏi vòng chiến và nếu có thể thì cướp xe địch".

Và thế là các trưởng xe, lái xe, pháo thủ xe tăng lại miệt mài luyện tập để trở thành những chiến sĩ đặc công thực thụ, họ nhanh chóng sử dụng thành thục thủ pháo, súng B40... như ngày nào sử dụng thành thục con chiến mã thép của mình.

Bên cạnh đó, một số tranh vẽ về cấu tạo xe địch được sưu tầm, phóng to, một số tài liệu cũng được anh em dịch ra tiếng Việt... cũng đã cung cấp được cho CB-CS những hiểu biết nhất định về TTG của địch.

Trận đánh đầu tiên mà J16 tham gia là trận tiến công chi khu Đồng Xoài tháng 5.1965. Từ đó đến năm 1968, Đoàn J16 đã tham gia 5 trận tập kích, 8 trận chống càn, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, phá hủy 30 TTG địch...

Trong đó có những trận đánh nổi tiếng, đạt hiệu suất cao như trận tập kích Trường Võ bị Thủ Đức, trận tập kích cụm cơ giới địch tại Ngã ba Bà Chiêm (Tây Ninh).

Đặc biệt trận tập kích căn cứ Thiết đoàn 1 tại Gò Đậu (Phú Cường, Bình Dương) ta đã diệt gần 200 tên địch, thu và phá hủy hơn 30 xe tăng, xe thiết giáp trong đó có chiếc M41 số 247 được đưa về Chiến khu Long Nguyên.


Xe tăng M-41 thu được của địch. Ảnh: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Xe tăng M-41 thu được của địch. Ảnh: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Tiếp đó, ngày 3.3.1971, BTL Miền ra quyết định thành lập Đội 33 chuyên làm nhiệm vụ thu giữ xe TTG địch. Trong vòng chưa đày 1 năm đội đã thu giữ và khôi phục được 7 xe TTG của địch thuộc 5 chủng loại khác nhau.

Mặc dù vậy, ngày 01.4.1972, những chiếc xe tăng, xe thiết giáp “năm cha, ba mẹ” đó đã tham gia trận đánh mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ tại Sa Mát - Thiện Ngôn và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Vậy là ước mơ “lấy xe địch đánh địch” đã thành hiện thực.

Cũng vào thời điểm này, những đơn vị xe tăng đầu tiên từ miền Bắc đã vào tới B2. Từ đó, lực lượng TTG Miền không ngừng lớn mạnh và đã lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại