Nga đang hành động
Không cần đợi đến lúc Mỹ thực sự đưa F-22 tới châu Âu, Nga mới đưa ra phản ứng. Thực tế, người Nga đã dự liệu trường hợp này từ lâu.
Theo các chuyên gia Nga, Mỹ đã chuyển giao cho các nước Đông Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần 2.000 thiết bị quân sự hạng nặng. Theo đánh giá, số vũ khí này đủ cho cuộc tàn sát bằng xe bọc thép như trận Prokhorovka.
Mỹ cho biết đã triển khai 4 chiếc F-22 tới Đức
Báo Độc lập của Nga ngay từ đầu tháng Tám dẫn lời giới chuyên gia quân sự nước này nhận định đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo một số nguồn tin, các phương tiện đường không và đường biển của Mỹ đang ngày đêm vận hành theo thời gian biểu nhất định giữa nước này và bờ biển châu Âu. Và chỉ có Lầu Năm Góc biết rõ có gì trong các khoang chứa hàng của các phương tiện vận tải đó.
Như vậy, việc Mỹ đưa thêm vũ khí, kể cả vũ khí tối tân như F-22 hay vũ khí hạt nhân tới châu Âu, cũng đã đều nằm trong kế hoạch của Nga từ trước đó.
Về mặt pháp lý, người Nga đã có phản ứng rõ ràng rằng Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu đã bị vi phạm cùng với các thiết bị quân sự và vũ khí đang tiến vào các quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây, và nay đã trở thành thành viên của NATO.
Xe bọc thép Mỹ tại khu vực biên giới Estonia, nằm sát nách Nga
Mối đe dọa quân sự đang dần hiện rõ từ các sự kiện rắc rối ở phía Đông Nam Ukraine. Cuộc xung đột này từ lâu đã vượt ra khỏi tính chất địa phương mà trở thành một cuộc xung đột mang tầm quốc tế.
Mỹ đã không cần che giấu việc họ đang can thiệp, hỗ trợ quân sự cho Kiev. Diễn biến thực tế cho người ta thấy rõ Washington đang ráo riết xây dựng và củng cố một liên minh chống Moskva ngay sát biên giới Nga.
Về mặt quân sự, người Nga tiếp tục phát triển các loại vũ khí nhằm khắc chế vũ khí Mỹ và đồng minh như UAV săn máy bay tàng hình, các hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa, máy bay MiG 1.44 thế hệ 5, máy bay tàng hình T-50, các loại xe bọc thép thế hệ mới…
Nga đang phát triển UAV săn lùng các loại máy bay Mỹ
Báo Độc lập của Nga nói rằng Moskva không có ý định tiếp tục thờ ơ với quá trình "hội nhập" quân sự cực kỳ nguy hiểm của Mỹ, và cũng đang tìm kiếm đồng minh.
Đây là lý do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức cuộc thi quân sự quốc tế "Army 2015" trong các ngày từ 1-15/8.
Cuộc thi "Army 2015" diễn ra tại nhiều địa phương của Nga và thu hút sự tham gia của 57 đội thi tới từ 17 quốc gia, như Angola, Venezuela, Trung Quốc, Armenia, Kazakhstan, Pakistan, Belarus, Ai Cập...
Dù đây là một “cuộc thi” song trên thực tế giống như các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đáp lại những hành động củng cố liên minh quân sự của phương Tây. Đây chính là một trong những cách Nga tìm kiếm liên minh quân sự-chính trị cho mình.
Ngoài ra, người Nga cũng không ngần ngại đáp trả việc Mỹ âm thầm tăng cường kho vũ khí hạt nhân.
Theo báo chí Nga, kể từ khi ưu thế quân sự đối với các loại vũ khí thông thường thuộc về phương Tây, giới lãnh đạo Nga đã cho thấy Moskva sẽ không "khách khí" trong việc lựa chọn biện pháp tự vệ.
Moskva sẽ không thể hạn chế việc sử dụng các kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và bởi vậy, chỉ có thể hy vọng rằng nếu các bên cư xử như "những quý ông" thì cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế ở cấp độ chiến thuật sẽ không xảy ra.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Nga được Interfax dẫn lời nói khó có thể tin rằng một cuộc chiến, nếu xảy ra, sẽ chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, khi phương Tây đang tập hợp một lực lượng lớn ở biên giới phía Tây của nước Nga.
Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh lớn (có thể sử dụng cả tên lửa hạt nhân) trong ngắn hạn là không thể xảy ra, song các cuộc xung đột vũ trang địa phương nhỏ lẻ là điều không thể loại trừ.
Mỹ bối rối
Vấn đề "mối đe dọa từ phía Nga" đã gây ra sự tranh cãi giữa chính quyền và Bộ Quốc phòng Mỹ về những thách thức chính đang đe dọa an ninh quốc gia cũng như về các phương án để đáp trả mối đe dọa này.
Trong khi Nhà Trắng tập trung vào thỏa thuận hạt nhân với Iran - đã đạt được với sự tham gia trực tiếp của Nga - thì giới quân sự Mỹ lại đang ngày càng lo ngại về sự trở lại của "gấu Nga".
Giới quân sự cố gắng thuyết phục chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama về "mối đe dọa hiện thực từ phía Nga".
Chính báo chí Mỹ đã thừa nhận họ làm như vậy vì lý do chính trị bởi vì bằng cách này, họ có thể bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước, gia tăng nhân lực và củng cố cơ sở vật chất để "kiềm chế" Nga.
Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng quan điểm coi Nga là "mối đe dọa lớn nhất" sẽ mở đường cho các đợt cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine.
Tuy nhiên, Nhà Trắng không đồng ý với quan điểm coi Nga là một nguy cơ đe dọa sự tồn tại của Mỹ và nói chung không ủng hộ đường lối đối đầu nhằm gây áp lực với Moskva mà một số quan chức quân sự cấp cao đã lựa chọn.
Báo chí Mỹ tiết lộ rằng Lầu Năm Góc đang thực hiện một quá trình rất khác thường, đó là họ thực hiện thay đổi luân phiên các nhà chỉ huy quân sự với quy mô lớn.
Mỗi ứng viên cho chức vụ cao trong Bộ Quốc phòng phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất: Ai là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Nhiều vị tướng, ví dụ như Tướng Joseph Dunford - nhân vật được Tổng thống Obama đề cử vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, hay ứng cử viên cho vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Paul Selva;
Bên cạnh đó là Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu là Tướng Philip Breedlove, và ứng cử viên cho chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ là Tướng Mark Milly... đều gọi Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ. Theo họ, đây là quốc gia duy nhất có thể "tiêu diệt" Mỹ.
Tướng Joseph Dunford - người đã công khai quan điểm coi Nga là mối đe dọa - ngay sau đó bị Nhà Trắng khiển trách.
Theo lời phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Ernest, quan điểm cá nhân của vị tướng này có thể không trùng khớp với quan điểm của nhóm cố vấn của tổng thống về an ninh quốc gia.
Ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015 đã chi khoảng 1.000 tỷ USD cho mục đích "đáp ứng kịp thời các nhu cầu ngày càng tăng của các đồng minh và các đối tác của Mỹ ở Trung và Đông Âu".
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã nói "không" với các nỗ lực nhằm cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Tạp chí "The Daily Beast" của Mỹ nhận định trong nội bộ nước Mỹ đang có những chia rẽ về vấn đề này.
Lý do là vì tất cả những người quả quyết về "mối đe dọa từ phía Nga" đều đại diện cho khối công nghiệp - quân sự Mỹ, mà theo truyền thống khối này định hướng vào việc chuẩn bị cho cuộc chiến với Nga.
Họ không thể và không muốn xem xét lại mô hình thông thường. Ngoài ra, các tướng lĩnh Mỹ thích đối đầu với Nga trên tư cách "kẻ thù cũ" quen thuộc hơn là đối mặt với các mối đe dọa mới, ví dụ như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) cực đoan.
Cuộc thăm dò dư luận do CNN thực hiện mới đây cho thấy đối với người dân Mỹ, "mối đe dọa lớn nhất" đối với an ninh quốc gia của Mỹ là các phiến quân IS, Iran và Triều Tiên, sau đó mới đến "mối đe dọa từ phía Nga".