Di chuyển khó lường của 3 hạm đội Hải quân TQ trên Biển Đông

Trong khi COC đang mắc kẹt giữa ngã tư đường thì 3 hạm đội Hải quân Trung Quốc đang di chuyển những bước khó lường trên các vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp, trong đó có Biển Đông.

Di chuyển khó lường của 3 hạm đội Hải quân TQ trên Biển Đông
Trung Quốc vẫn thường xuyên triển khai các cuộc tập trận uy hiếp trên Biển Đông

Theo Tân Hoa xã ngày 29/9, biên đội tàu chiến 113 gồm tàu khu trục tên lửa Thanh Đảo, tàu hộ vệ tên lửa Lâm Nghi và tàu tiếp tế tổng hợp Hồ Hồng Trạch thuộc Hạm đội Bắc Hải đã di chuyển xuống Vịnh Jarvis (Úc) để tham gia diễn tập thực binh với tàu chiến của tổng cộng 11 nước, trong đó có các nước ASEAN.

Trước bước di chuyển khó lường của Hạm đội Bắc Hải, Chinamil đưa tin: quân đội Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện quân sự tại phía Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Do đó, giới phân tích không loại trừ khả năng Hạm đội Bắc Hải xuất hiện trong khu vực tranh chấp.

Trong khi đó, Hạm đội Đông Hải vừa có đợt diễn tập liên hợp săn ngầm uy hiếp tại Biển Đông. Thậm chí, trên Tân Hoa xã, Phó Tư lệnh Hạm đội Đông Hải Cố Tường Binh còn lớn tiếng khẳng định: đây là “thái độ cơ bản có trách nhiệm đối với chiến tranh”. Tuyên bố này đưa ra khi Bắc Kinh vẫn đang tìm mọi cách để trì hoãn COC có tính ràng buộc và được cho là có thể kiềm chế cách hành xử hung hăng của nước này trong các tuyên bố chủ quyền phi lý đối với khu vực.

Cùng lúc đó, Hạm đội Nam Hải – một trong những “quân bài” chính mà Trung Quốc sử dụng trong lối ‘ngoại giao pháo hạm’ trên Biển Đông – cũng đang ráo riết củng cố sức mạnh. Hiện tại, đơn vị này đang được trang bị rất nhiều loại tàu chiến mới nhất của ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc như tàu khu trục phòng không Type 052C, tàu khu trục nhỏ Type 054A, Type 056, tàu đổ bộ Type 071 lớp Ngọc Chiêu, và đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới Type 094. Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy căn cứ Ngọc Lâm đang được gấp rút biến đổi thành một căn cứ chiến lược của Hải quân Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm khu vực.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cả 3 Hạm đội chính trong Hải quân Trung Quốc xuất hiện cùng lúc quanh và trong khu vực Biển Đông. Trước đó, 3 hạm đội này đã triển khai cuộc tập trận chung rầm rộ trên khu vực hồi tháng 5/2012. Nhưng điều đáng lưu ý, thời điểm xuất hiện của các lực lượng hải quân trùng khớp với thời điểm các quan chức Trung Quốc “quây rào” tranh chấp Biển Đông trước cộng đồng quốc tế và tìm mọi cách trì hoãn tiến trình ký kết COC, tạo nên thứ vũ lực vô hình, ép các quốc gia nhỏ hơn ngồi vào bàn đàm phán song phương và chấp nhận các thỏa thuận có lợi cho Bắc Kinh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại