Cửa vào Biển Đông đã "mở toang" cho Mỹ?

Malaysia đề nghị Mỹ giám sát Biển Đông, Philippines mở các căn cứ hải quân cho Mỹ... cánh cửa vào Biển Đông đã rộng mở với Mỹ?

Hồi tuần trước, Đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy tác chiến của Hải quân Mỹ tiết lộ tại một diễn đàn ở Washington rằng Malaysia đề nghị để máy bay trinh sát chống ngầm P-8 Poseidon của Mỹ bay từ phía Đông nước này để tiếp cận Biển Đông nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, thông tin này chưa được phía Malaysia xác nhận.

Ông Greenert cho biết căn cứ của Malaysia rất gần với Biển Đông. Cơ sở được nhắc đến có thể là căn cứ không quân hoàng gia Malaysia đặt trên đảo Labuan mà lính Mỹ từng nhiều lần tham gia tập trận trước đây, theo một quan chức hải quân giấu tên của Mỹ.

Một nhà ngoại giao cấp cao châu Á cũng tiết lộ thời gian qua, Kuala Lumpur và Washington đã thảo luận về việc cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở bang Sabah, Đông Bắc Malaysia.

Khi được phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho hay thông tin "máy bay chiến đấu Mỹ" được trao quyền hoạt động ở Đông Malaysia là không đúng. Tuy nhiên, ông không đề cập đến máy bay do thám Mỹ.

Dù cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng quan hệ giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh khá tốt. Bằng chứng là tập đoàn năng lượng nhà nước Petronas của Malaysia đang thăm dò dầu khí bên trong “đường chín đoạn” do Trung Quốc tự lập nên nhưng không vấp phải trở ngại nào.

Dù vậy, theo nhà ngoại giao châu Á kể trên, bên dưới mối quan hệ tốt đẹp đó, Malaysia cảm nhận được Trung Quốc ngày một gia tăng sức mạnh quân sự nên đang tiếp cận Mỹ để tìm thế đối trọng.

Ernie Bower, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết đề nghị của Malaysia diễn ra một phần vì “Trung Quốc làm Malaysia ngạc nhiên bằng hành động đưa tàu hải quân vào vùng biển của họ và đe dọa hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia”.

Theo ông Bower, Malaysia cũng bị áp lực từ Trung Quốc sau vụ máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích bí ẩn hồi tháng 3 với 153 người Trung Quốc trong số hành khách.

Nói về động thái này của Malaysia, ngày 14/9, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, hiện nay máy bay của Mỹ tham gia vào hoạt động trinh sát tại Biển Đông chủ yếu đến từ Okinawa của Nhật Bản. Tại các nước Đông Nam Á chỉ có Philippines và Singapore cho phép máy bay tuần tra của Mỹ đóng trong thời gian ngắn trên lãnh thổ của mình, không được phép ở trong thời gian dài.

"Máy bay P-8 trang bị các hệ thống định vị thủy âm, radar trinh sát đặc biệt tối tân, có khả năng hoạt động trong thời gian lớn, do đó có thể trinh sát mạnh. Không chỉ vậy, P-8 ngoài khả năng mang vũ khí chống ngầm như ngư lôi thì có thể mang cả tên lửa diệt hạm. Việc Mỹ triển khai máy bay trinh sát mạnh như vậy tại Biển Đông sẽ tạo lên mối đe dọa lớn với Trung Quốc", ông Lý Kiệt nói.

Nếu thông tin trên được xác nhận, Malaysia là nước tiếp theo ở Đông Nam Á muốn mở cửa mời Mỹ sau Philippines. Trước đó, Philippines cũng đã mở toang các căn cứ quân sự cho Mỹ vào đối phó Trung Quốc.

Máy bay chống ngầm P-8A Poseidon

Theo đó, hồi cuối tháng 6/2014, một quan chức hải quân cấp cao của Philippines tiết lộ, quân đội Philippines đang khôi phục lại kế hoạch xây dựng các căn cứ không quân và hải quân mới ở Vịnh Subic mà lực lượng Mỹ có thể sử dụng để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tiếp đó, Chính phủ Philippines đã tiến hành nâng cấp căn cứ hải quân tại vịnh Ulugan, thuộc bờ biển phía Tây đảo Palawan, miền Nam Philippines. Sau khi nâng cấp xong, nơi đây sẽ trở thành quân cảng cho tàu chiến của quân đội Mỹ, biến căn cứ này thành tiền tuyến phòng ngự chống Trung Quốc.

Theo thỏa thuận quốc phòng kéo dài 10 năm ký kết hồi tháng 4/2014 giữa Philippines và Mỹ, quân đội Mỹ có quyền “tạm thời” được ra vào các căn cứ quân sự được cho phép của Philippines cũng như triển khai các máy bay chiến đấu và tàu chiến. Theo hiệp ước, lực lượng Mỹ được phép sử dụng 5 căn cứ quân sự của nước này, được xây dựng các căn cứ quân sự mới và luân chuyển hàng ngàn binh sĩ.

Tuy thỏa thuận quy định Mỹ không được thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực hoặc xây dựng căn cứ lâu dài tại Philippines, cũng như không được đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Philippines nhưng nó cho phép binh lính Mỹ được “luân phiên hiện diện” ở đây. Về bản chất, đây chính là sự “lách luật” của Philippines cho quân đội Mỹ được đồn trú trong các căn cứ của mình.

Bản thân Trung Quốc cũng đã "dại dột" tạo cớ cho Mỹ vào Biển Đông do chính thái độ hung hăng của nước này ở trên Biển Đông cũng như Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Myanmar hồi đầu tháng 8/2014. Khi đó, Mỹ đã tuyên bố giám sát các hoạt động tại Biển Đông để xem các nước có thực hiện những bước giảm căng thẳng hay không ngay sau khi Trung Quốc cự tuyệt những áp lực từ phía Washington nhằm kiềm chế các hành động của Trung Quốc ở vùng biển tồn tại nhiều tranh chấp này.

Tiếp đó, Trung Quốc lại cho máy bay áp sát tới mức nguy hiểm một máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8 Poseidon của Mỹ đang hoạt động ở lãnh hải quốc tế, phía đông nam đảo Hải Nam, Trung Quốc hôm 19/8.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, quan chức ngoại giao cấp cao phụ trách khu vực Đông Á, khẳng định hôm 12/9: “Chúng tôi có quyền tiến hành các sứ mệnh giám sát hợp pháp bên ngoài không phận Trung Quốc và có lý do thuyết phục để làm điều đó”.

Ông Russel giải thích các chuyến bay của Mỹ là vì sự tăng cường quân sự quy mô lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây và những bí mật xung quanh đó.

“Rõ ràng là sự thiếu minh bạch trong hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng. Và chúng tôi tin rằng tất cả các khu vực, bao gồm Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi từ khi tăng cường tính minh bạch” - ông tuyên bố.

Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A Poseidon

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại