Tạp chí The Diplomat dẫn nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này là Manohar Parrikar vừa xác nhận, Ấn Độ chỉ mua 36 chiếc phi cơ chiến đấu Rafale của Pháp.
Bộ trưởng Parrikar cho biết, việc mua về 126 máy bay Rafale là “quá đắt đỏ” và “không thực hiện được và không cần thiết”. Ông nói thêm, toàn bộ số phi cơ đó “sẽ là một gánh nặng lớn về tài chính, do đó chúng tôi sẽ không mua tất cả mà sẽ chỉ mua về 36 chiếc”.
Tuy nhiên, các hãng thông tấn Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ vẫn có thể mua thêm 20 chiếc trong tương lai.
Nguyên nhân là bởi ông Parrikar đã tuyên bố rằng ông không loại trừ khả năng mua thêm máy bay: “Tôi không nói rằng chúng tôi có kế hoạch mua thêm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không có ý định mua thêm”.
Rõ ràng, với thông tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ giúp Nga tiếp tục nuôi hy vọng bán tiêm kích Su-30MKI cho nước này. Bởi ngay từ cuối năm 2014 đầu 2015, Ấn Độ đã tính đến phương án tiếp tục mua Su-30MKI thay vì Rafale vì những bất đồng trong hợp đồng giữa Ấn Độ và Pháp.
Việc Ấn Độ mua chiến đấu cơ Nga là hoàn toàn có cơ sở bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về giá thành.
Trong khi Nga mời chào Su-30MKI tới Ấn Độ, Đức cũng “gạ gẫm” nước này mua sắm máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của tập đoàn Eurofighter GmbH, còn Thụy Điển cũng đang đánh tiếng với Ấn Độ về máy bay chiến đấu Jas-39 Gripen.
Điểm đáng chú ý là Berlin mời chào New Dehli với mức giá rất hấp dẫn là chưa tới 10 tỷ USD cho 126 chiếc Typhoon. Giá của Jas-39 Gripen cũng rẻ hơn rất nhiều so với Rafale.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng còn lựa chọn hấp dẫn là có thể mua cả Su-35 của Nga trong khi chờ đợi FGFA (phiên bản Ấn Độ của Sukhoi T-50) phát triển hoàn tất.
Trước đây, vào ngày 4/9/2014, các phương tiện truyền thông nước này cũng đưa tin:
Tư lệnh không quân Ấn Độ cho biết, do vấn đề tài chính, nước này có thể không thực hiện được đơn đặt hàng mua 126 máy bay chiến đấu Rafale với hãng hàng không Dassault của Pháp, do đến nay giá trị của chúng đã lên đến hơn 20 tỷ USD.
Giá cả của Su-30MKI (65 triệu USD) cũng rẻ bằng khoảng một nửa so với Rafale (khoảng trên 130 triệu USD) và cũng thấp hơn Typhoon (trên 80 triệu USD), tiêm kích số 1 của Nga hiện nay là Su-35 cũng có giá dễ chịu hơn Rafale (90 triệu USD so với 124 triệu USD).
Trong khi đó, tính năng của loại máy bay chiến đấu Nga được cho là vượt trội loại máy bay của Pháp.
Nguyên nhân tiếp theo khiến việc Ấn Độ quay lại với Su-30MKI là nước này đã quen sử dụng các chiến đấu cơ Nga, ví dụ như MiG-21/27/29 và tương lai sẽ mua sắm thêm chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 là FGFA (phiên bản xuất khẩu của Sukhoi T-50 PAK FA của Nga).
Ngoài ra, không quân nước này còn đang biên chế và mua sắm thêm hàng loạt loại máy bay Nga như máy bay tiếp dầu Il-78, máy bay vận tải hạng nặng Il-76 hay máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không A-50 hoặc máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38N…
Việc sử dụng đồng bộ các loại máy bay cùng một tiêu chuẩn sẽ có những thuận lợi nhất định trong chỉ huy tác chiến hay hiệp đồng, bảo đảm.
Đồng thời, công tác bảo dưỡng sửa chữa cũng có nhiều thuận lợi do việc có sẵn các cơ sở kỹ thuật và đội ngũ nhân viên có thể phục vụ được nhiều loại máy bay cùng một tiêu chuẩn.
Nếu mua sắm các loại máy bay khác, Ấn Độ sẽ phải xây dựng các cơ sở kỹ thuật bảo đảm khác cùng một đội ngũ nhân viên kỹ thuật mới hoàn toàn.
Điều này sẽ khiến Ấn Độ mất một khoảng thời gian rất dài để xây dựng và đào tạo được đội ngũ kỹ thuật phục vụ, bảo đảm lành nghề, trong bối cảnh trình độ công nghệ hàng không của Ấn Độ được coi là không tốt.
Ngoài ra, một điểm rất quan trọng là nếu tiếp tục mua Su-30MKI, Ấn Độ sẽ không phải mua máy bay huấn luyện mới và mất thời gian đào tạo đội ngũ phi công mới, trong bối cảnh nước này đang thiếu phi công trầm trọng.
Việc đào tạo được một phi công máy bay chiến đấu thành thạo một loại máy bay mới cũng mất không dưới 5 năm.