7.000 tên lửa trong một đòn tấn công, Mỹ sẽ khiến Nga… “lạnh sống lưng”?

Đức Dũng |

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Mỹ có thể sử dụng đồng thời 7.000 quả tên lửa hành trình trong một đòn tấn công nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Nga.

Kênh truyền hình quốc phòng STAR dẫn nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Mỹ có thể sử dụng đồng thời 7.000 quả tên lửa hành trình trong một đòn tấn công nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Nga.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra trong bối cảnh NATO liên tục gia tăng các hoạt động quân sự gần biên giới Nga.

Đồng thời, Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh ưu tiên chính sẽ dành cho xây dựng quốc phòng nhằm áp đảo ưu thế quân sự của Mỹ.

Trong cuộc họp với Ủy ban công nghiệp quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Nước Nga không định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, Nga không đe dọa bất cứ ai và sẽ giải quyết mọi tranh chấp trên bàn đàm phán.

Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ tuân thủ các chính sách này. Song, nước Nga cần phải nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng vũ trang và sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ sự xâm lược nào".

Ảo tưởng về sức mạnh quân sự?

Trước tiên liên quan đến chương trình “ tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (Prompt Global Strike (PGS) của Mỹ. Nhiệm vụ của PGS là cho phép quân đội Mỹ tiến hành các cuộc tấn công chuẩn xác vào bất kỳ khu vực nào trên thế giới chỉ trong vòng 1 giờ.

Và để đạt được khả năng này, Mỹ dự định vươn lên một cấp độ công nghệ mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là chế tạo ra loại vũ khí tấn công siêu thanh.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc phòng STAR, ông Vladimir Dvorkin – Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết:

“Hiện nay, để phát hiện mục tiêu tấn công và thực hiện biện pháp đáp trả bằng tên lửa đòi hỏi nhanh và chỉ mất một vài chục phút. Bởi tên lửa đạn đạo “Trident” của Hải quân Mỹ có thể tấn công chúng ta chỉ mất 15-20 phút, còn tên lửa “Minuteman-3” của Lục quân Mỹ mất khoảng 25-35 phút”.

Theo chuyên gia Vladimir Dvorkin, thời gian này hoàn toàn đủ để hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Nga đáp trả lại.

Trước tiên một tàu không gian sẽ trực tiếp ghi nhận nơi tên lửa xuất phát từ các giếng phóng và tàu ngầm. Sau đó các trạm radar “Voronezh-DM” sẽ xác định hướng tên lửa tấn công.

Đồng thời các binh chủng tên lửa tác chiến, các hạm đội  hải quân cùng hệ thống vũ khí hàng không vũ trụ hiện đại luôn sẵn sàng chiến đấu.

Việc Nga sẵn sàng “đáp trả” và “đáp trả” tới cùng là nhân tố chính cân bằng chiến lược giữa Nga và Mỹ, đảm bảo khả năng “tháo kíp” một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa các nước.

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở miền Đông Nam Ukraine, quan hệ Nga – phương Tây, Mỹ và NATO đã giảm nhiệt, thì khả năng cuộc đối đầu gữa các bên từ “lạnh” sang “nóng” là không thể.

Việc chuyển đổi sang một trình độ công nghệ mới - tạo ra tên lửa siêu thanh vượt quá khoảng cách từ Washington tới Moscow với thời gian nhanh gấp 2 -3 lần – đang mang lại ảo tưởng cho Mỹ về cuộc chiến tranh hạt nhân thắng lợi.

Tại Mỹ, lập luận này là khá phổ biến, do sự sụt giảm mạnh khả năng hạt nhân của Nga và hiện tại công nghệ Mỹ đang phát triển mạnh.

Hiện nay, trong khuôn khổ chương trình PGS của Mỹ, một số dự án tên lửa siêu thanh triển vọng  đang được tiến hành như: X-43A (NASA), X-51A (Không quân Mỹ), AHW (Lục quân Mỹ), ArcLight (DARPA, Hải quân Mỹ), Falcon HTV-2 (DARPA, Không quân Mỹ).

Sự ra đời của chúng sẽ cho phép chế tạo ra các tên lửa hành trình đường không siêu thanh tầm xa, tên lửa hành trình hải quân chống hạm và tấn công các mục tiêu mặt đất vào năm 2018-2020, máy bay trinh sát vào năm 2030.

Trên bộ, trên biển và trên không

Tổng Giám đốc Tập đoàn sản xuất vũ khí Almaz-Antei, ông Pavel Sozinov cho biết:

"Chương trình tái trang bị vũ khí, đặc biệt là vũ khí hải quân mà Mỹ đang tiến hành cho phép nước này trong giai đoạn 2015-2016 sẽ tăng lượng tên lửa hành trình có thể tấn công vào Nga lên khoảng 6,500 - 7000 tên lửa, trong đó khoảng 5000 tên lửa được trang bị cho tàu ngầm.

Tàu ngầm lớp Ohio

Mỹ đang thực hiện một loạt chương trình nhằm tăng số lượng, tăng tầm bắn và độ chính xác của tên lửa hành trình cho đòn tấn công đầu tiên của mình".

Theo ông Sozinov, Mỹ đang tái trang bị tên lửa hành trình cho tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, mỗi tàu ngầm có thể được trang bị tới 154 tên lửa hành trình.

"Đây là tiềm năng rất lớn trong giai đoạn đầu tấn công tổng lực. Nga cần chú ý khi xây dựng hệ thống phòng không bằng tên lửa tầm cao. Và việc sử dụng tập trung tên lửa hành trình có thể gây ra "thiệt hại to lớn cho lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga".

Ngoài ra, đến năm 2020, Mỹ có thể sẽ chuyển sang sử dụng một loại vũ khí mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và một loại vũ khí mới có độ chính xác cao.

Vũ khí tấn công đường không vũ trụ mới sẽ đảo ngược quá trình và kết quả của cuộc chiến. Theo ông Sozinov, Mỹ chế tạo máy bay siêu thanh hạng trung Falcon & X-37.

Các máy bay X-37 đã thực hiện một loạt chuyến bay thử nghiệm. Chúng được trang bị tới 3 đầu đạn hạt nhân, sau khi vượt qua các hệ thống cảnh báo tên lửa và các hệ thống kiểm soát khác, sẽ bắn đầu đạn trúng mục tiêu.

Chương trình X-37 được phát triển nhằm tăng tầm bắn và mở rộng phạm vi của đầu đạn hạt nhân. Yếu tố then chốt là khả năng thay đổi các thông số quỹ đạo bay và tăng khả năng chiến đấu.

Tấn công đáp trả

Nga dự định đáp trả mạnh mẽ, chế tạo các loại vũ khí và trang thiết bị mới, tăng cường an ninh đất nước.

Theo Bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu "Nhà nước nên tập trung cải thiện chất lượng vũ khí hạt nhân chiến lược, xây dựng sức mạnh và khả năng chiến đấu của hải quân và quân đội, đồng thời thành lập một loại hình vũ trang mới – lực lượng tấn công đường không vũ trụ".

Tất cả mục này đều nằm trong chương trình vũ khí quốc gia đến năm 2020 và quân đội sẽ được trang bị khoảng 70-100% vũ khí hiện đại.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph của Nga

Dự kiến, năm nay Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo hạng nặng "Sarmat". Việc hoàn thiện hệ thống tên lửa phòng không tương lai S-500 "Triumphant" cũng đang được tiến hành. Hệ thống này nhỏ gọn hơn S-400.

S-500 được thiết kế sử dụng các radar mảng pha chủ động X-Band. Hệ thống mới này có thể phát hiện và đánh chặn số lượng tên lửa lớn.

Giống như S-400, S-500 là một tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến có khả năng đánh chặn các mục tiêu tầm ngắn.

Theo một số nguồn tin, khâu phòng vệ có thể được bổ sung bằng các tên lửa hành trình siêu thanh mới. Tổng giám đốc "Tập đoàn vũ khí chiến thuật" - ông Boris Obsonov cho biết, tương lai gần Tập đoàn sẽ chế tạo một loại tên lửa có khả năng bay ở tốc độ  Mach 12-14 (gấp 12-14 lần tốc độ âm thanh).

Theo báo chí, đây có thể là một tổ hợp tên lửa siêu thanh "Zircon" được tạo ra trên cơ sở tên lửa hành trình "Onyx". Hiện nay, những tên lửa này được trang bị cho tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion, chúng được đặt trên tàu ngầm hạt nhân đa năng mới nhất lớp Yasen thuộc dự án 955.

Nhiều khả năng chúng sẽ được trang bị cho tàu ngầm lớp Antey thuộc dự án 949 và các tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân hạng nặng Orlan thuộc dự án 1144. Tàu "Đô đốc Nakhimov" là một trong bốn tàu đầu tiên sẽ được tái vũ trang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại