Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây không thể “nồng ấm” như trước

Hữu Hoàng |

Trước khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15, rạng sáng 16/7, quan hệ giữa Ankara và phương Tây tương đối tốt đẹp.

Mỹ đã sử dụng các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên lãnh thổ Iraq và Syria.

Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết hiệp định người nhập cư, còn Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm cách gia nhập EU.

Thế nhưng, sau cuộc đảo chính bất thành, mọi thứ đều đã thay đổi.

Sự lo lắng của phương Tây

Sau khi âm mưu đảo chính bị thất bại, truyền thông phương Tây liên tục dùng các từ ngữ "trả thù", "trấn áp", "làm sạch" để miêu tả về cách thức xử lý sau cuộc đảo chính của chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Lãnh đạo phương Tây tích cực bày tỏ sự ủng hộ dành cho chính phủ dân cử ở Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối đảo chính, nhưng cũng răn đe Erdogan "không nên đi quá xa".

Sau cuộc gặp với các ngoại trưởng EU tại Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tổ chức họp báo, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc xét xử theo pháp luật những kẻ tham gia đảo chính, nhưng ông cũng không quên "răn đe" Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 19/7, Đài tiếng nói Thổ Nhĩ Kỳ (TRT) đưa tin, Thủ tướng Binali Yildrim cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen, người được cho có liên quan đến âm mưu đảo chính, nhưng phía Mỹ yêu cầu Ankara cung cấp bằng chứng xác thực.

Ngoài ra, trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng xuất hiện những luận điệu chỉ trích cho rằng Mỹ đứng sau vụ đảo chính quân sự tại nước này.

Ông Kerry nhấn mạnh, Mỹ đồng ý giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ đảo chính quân sự, nhưng những ám thị và chỉ trích về Mỹ đóng bất kỳ vai trò nào trong cuộc đảo chính đều "hoàn toàn không chính xác", và sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz chỉ trích chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trả thù đối với phe đối lập và những người chống đối.

EU cảnh báo, "khôi phục án tử hình là dấu chấm hết cho quá trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ".

Nhưng Erdogan dường như đã không còn để tâm đến những cảnh báo của châu Âu. Ông trả lời phỏng vấn đài CNN cho biết, việc khôi phục án tử hình do Quốc hội đưa ra quyết định, và ông sẽ ký thành luật dù Quốc hội có quyết định thế nào đi nữa.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây không thể “nồng ấm” như trước - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) họp báo chung cùng Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini tại Brussels, Bỉ hôm 18/7. (Ảnh: Xinhua)

Mâu thuẫn lâu dài

Trên thực tế, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây luôn gập ghềnh trắc trở.

Bài phân tích của CNN chỉ ra, trong vài năm gần đây, quan hệ Mỹ- Thổ Kỳ thực ra luôn nằm trong tình trạng căng thẳng. Hai bên có những bất đồng về vấn đề Syria, tổ chức IS và phong cách cầm quyền của Erdogan.

Năm 2003, nước Mỹ muốn mượn đường từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiến quân vào Iraq nhưng bị phản đối. Cho đến năm ngoái, Ankara mới đồng ý cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở phía nam để tiến hành không kích chống lại IS.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU lại vô cùng "éo le". Từ năm 2005, hai bên bắt đầu tiến hành đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, nhưng quá trình đàm phán không gặp thuận lợi.

Trả lời phỏng vấn tờ People's Daily (Trung Quốc), ông Lý Thiệu Tiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu các quốc gia Ả Rập, Đại học Ninh Hạ nói rằng: "EU liên tục nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp điều kiện.

Nhưng với việc nhiều quốc gia Đông Âu gia nhập EU, Thổ Nhĩ Kỳ - một nước có 7 triệu người Hồi giáo - dần dần hiểu ra, EU căn bản không muốn kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ."

Ông Lý cho biết thêm, trong vài năm qua quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây liên tục lục đục.

Một mặt, các nước phương Tây luôn cảm thấy khó chịu về việc chính quyền Erdogan mang đậm màu sắc Hồi giáo. Nhưng Erdogan đang dần củng cố quyền lực của bản thân, phương Tây thậm chí còn gọi tông là "Sudan" (người đứng đầu quốc gia theo đạo Hồi).

Mặt khác, trong lĩnh vực ngoại giao, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây là khác nhau. Thời kỳ đầu của phong trào "Mùa xuân Ả Rập", mục tiêu của hai bên giống nhau, đều là nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nhưng, sau khi IS xuất hiện, mục tiêu của phương Tây là tiêu diệt IS, trong khi Ankara xem IS là lực lượng kiềm chế người Kurd.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và EU cũng đang tồn tại mâu thuẫn về vấn đề người nhập cư.

Tương lai mờ mịt

Chuyên gia Ân Cương từ Sở nghiên cứu châu Phi và Tây Á, Viện khoa học xã hội Trung Quốc đánh giá, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành, tương lai về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đang trở nên mờ mịt. Thổ Nhĩ Kỳ không có hy vọng gia nhập EU.

Ngoài ra, sau vụ đảo chính quân sự, tổng thống Erdogan tiến hành cuộc đại thanh trừng, thay đổi hệ thống tư pháp và hệ thống giáo dục.

Tiếp theo, Erdogan thậm chí có thể thay đổi Hiến pháp để tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ tiếp theo.

"Nói tóm lại, con đường Hồi giáo hóa của Thổ Nhĩ Kỳ là lẽ tất yếu, mà Mỹ và EU không thể chấp nhận được điều này," ông Ân nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại