Quân đội Iraq buộc phải dừng lại cách huyện Al-Shuhada khoảng 500 m từ tối 30-5 (giờ địa phương).
Một chỉ huy cấp cao của lực lượng chính phủ nói tại trại Tariq: “Binh sĩ của chúng tôi bị tấn công dồn dập. Họ phải đào hào và hầm trú ẩn”.
Trại Tariq là căn cứ quân sự ở phía Nam TP Falluja, cách Baghdad 50 km về phía Tây.
Một nhân viên y tế ở Falluja cho biết tổng cộng đã có 32 dân thường thiệt mạng trong thành phố hôm 30-5.
Một nguồn tin khác nói rằng kể từ ngày 23-5, có khoảng 50 người chết, bao gồm 30 dân thường và 20 tay súng.
Fallujah bị bao vây hơn 6 tháng qua. Các tổ chức viện trợ nước ngoài không tiếp cận được bên trong thành phố mà chỉ cung cấp lương thực, thuốc men cho những người trốn ra bên ngoài, tìm đến các trại tị nạn.
Chiến dịch tái chiếm Fallujah của quân đội Iraq gây lo ngại trong bối cảnh 50.000 người dân vẫn bị mắc kẹt với nhiều hạn chế về nước, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Fallujah là thành phố lớn thứ 2 của Iraq (sau TP Mosul) bị IS kiểm soát từ tháng 1-2014.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thông báo mở chiến dịch đẩy lui IS khỏi khu vực này sau một loạt vụ đánh bom giết chết ít nhất 150 người trong vòng 1 tuần ở thủ đô Baghdad.
Trong khi đó, tại Libya, IS vừa để mất thị trấn Ben Jawad vào tay các chiến binh Bảo vệ Cơ sở Dầu khí (PFG). Thất bại nặng nề ở Ben Jawad buộc chúng phải lùi về bờ biển phía Đông TP Sirte.
Phát ngôn viên PFG Ali al-Hassi xác nhận 4 tay súng của họ đã thiệt mạng và 16 người bị thương. Giao tranh vẫn tiếp diễn hôm 30-5 gần thị trấn Nawfiliyah.
Hồi năm ngoái, IS lợi dụng sự hỗn loạn ở Libya để chiếm TP Sirte, rồi mở rộng sự hiện diện khoảng 250 km về 2 phía bờ biển của thành phố.
Chúng còn lấn tới các vùng Es Sider và Ras Lanuf ở phía Đông, dẫn đến những cuộc đụng độ ác liệt với PFG.
Theo người phát ngôn Hassi, PFG đã tuyên bố ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Sắp tới, họ lên kế hoạch đẩy lùi IS khỏi miền Trung với sự trợ giúp của Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tổng thống Libya.
Nga phủ nhận không kích Idlib
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31-5 tố cáo máy bay Nga đã thực hiện các cuộc không kích hạng nặng vào một bệnh viện và một nhà thờ ở TP Idlib - Syria do phiến quân kiểm soát.
Hậu quả, theo Thổ Nhĩ Kỳ, 60 dân thường bị giết chết và hơn 200 người bị thương.
Cùng ngày, Moscow phủ nhận việc máy bay của họ tiến hành không kích ở Idlib vào tối 30-5.
“Máy bay Nga không triển khai bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào, chưa nói đến chuyện không kích ở tỉnh Idlib” - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) thống kê được 23 người thiệt mạng.
Idlib là thành trì của phiến quân Syria, trong đó có phong trào Mặt trận Al-Nursa liên kết Al-Qaeda.