Quân đội Ấn Độ đang ngả về phía Mỹ, Trung Quốc “dè chừng”

Anh Tuấn |

Mới đây Mỹ và Ấn Độ đã thống nhất một thỏa thuận sơ bộ nhằm cho phép hai nước chia sẻ hậu cần quân đội cho nhau, qua đó đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước.

Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang có chuyến công du 3 ngày tới Ấn Độ. Đây là một phần trong chuyến thăm một loạt các nước châu Á của ông Carter.


Mỹ và Ấn Độ đang củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng với nhau.

Mỹ và Ấn Độ đang củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng với nhau.

Thỏa thuận này có tên là Biên bản Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA), nếu được ký kết sẽ cho phép quân đội hai nước có thể sử dụng những linh kiện, khí tài quân sự từ các căn cứ và cảng quân sự của nhau, qua đó nâng cao khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước.

Trước đây Ấn Độ đã từng hỗ trợ quân đội Mỹ một vài lần.

Một số quan chức Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại rằng việc ký kết thỏa thuận LEMOA sẽ khiến Mỹ nắm được quá nhiều thông tin đối với khả năng và hoạt động của quân đội Ấn Độ. Điều này càng trở nên đáng lo hơn khi Mỹ có quan hệ rất thân thiết với Pakistan.

Thực tế, có chuyên gia cho rằng tuyên bố của chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm cung cấp 8 máy bay F-16 cho Pakistan, mặc cho sự phản đối của Ấn Độ, có thể ảnh hưởng đến quyết định ký kết thỏa thuận này của New Delhi.

Dù vậy đây là một bước tiến lớn đối với quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ và cho thấy sự cải thiện lớn dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông Carter là một trong những người ủng hộ việc phá vỡ những rào cản đối với hoạt động hợp tác thương mại và quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ. Quốc hội Mỹ cũng đang thúc đẩy củng cố quan hệ giữa Washington và New Delhi.

Vào tháng 3 vừa qua, ông George Holding, một thương nghị sĩ Mỹ đã đề xuất Đạo luật Hợp tác và Phát triển Công nghệ quốc phòng Mỹ - Ấn Độ.

Một số điểm được nêu ra trong đạo luật này bao gồm cử một đại diện để hỗ trợ bất kỳ hoạt động chuyển giao và buôn bán công nghệ quân sự cho Ấn Độ, cũng như phối hợp hoạt động với nước này trong trường hợp xuất hiện hiểm họa an ninh.

Một số nhà chiến lược Mỹ tỏ ra nghi ngờ trước việc coi Ấn Độ tương đương với một đối tác trong NATO.

Nhưng Washington có thể đang cần Ấn Độ để đảm bảo cân bằng cán cân quyền lực Châu Á - Thái Bình Dương tại trong thời điểm tình hình an ninh tại đây còn biến động do những động thái mạnh bạo của Trung Quốc.

Để làm được điều này, Ấn Độ cần phát triển sức mạnh quân sự và tiếp cận các công nghệ hiện đại.

Vào tháng 12 năm ngoái, ông Carter cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ là một “mỏ neo quan trọng của an ninh thế giới”. Chuyến thăm của ông và thỏa thuận sơ bộ chia sẻ hậu cần giữa hai nước là một bước đi tích cực trong việc đảm bảo an ninh tại Châu Á.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại