Reuters đưa tin theo hai quan chức Mỹ, việc Trung Quốc kiểm soát cảng biển ở Djibouti sẽ giúp mở rộng tầm ảnh hưởng đáng kể của Bắc Kinh tại quốc gia sừng châu Phi.
Theo hai thượng nghị sĩ Mỹ, nhiều nguồn tin cho rằng trong bối cảnh Djibouti đang là “con nợ lớn” của Trung Quốc, cảng Doraleh có thể được chuyển giao cho một công ty quốc doanh của Trung Quốc điều hành. Nếu đây là sự thật, Mỹ sẽ vô cùng quan ngại.
Cụ thể, trong bức thư gửi tới Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cùng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons đã bày tỏ mối quan ngại về hợp đồng thuê cảng container Doraleh giữa Djibouti và Tập đoàn DP World đặt trụ sở ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hết hạn vào tháng Hai. Tới tháng Chín, chính phủ Djibouti đã tiến hành quốc hữu hóa cảng Doraleh.
Bức thư của hai thượng nghị sĩ Mỹ được xem là những nỗ lực mới nhất của Quốc hội Mỹ với mong muốn tìm cách đối phó trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế. Lâu nay, giới nghị sĩ Mỹ vẫn xem Trung Quốc là mối đe dọa cả trên lĩnh vực lợi ích an ninh và kinh tế.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dồn mọi sự tập trung vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Điều này khiến nhiều thành viên Quốc hội Mỹ gióng hồi chuông cảnh báo chính quyền đương nhiệm không nên lơ là trước mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.
Djibouti, quốc gia với khoảng 1 triệu dân nằm ở cửa ngõ phía nam hướng ra Biển Đỏ và trên hành trình tiến vào kênh đào Suez. Djibouti cũng trở thành nơi Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti hiện đang là cơ sở triển khai các chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, al-Qaeda và nhiều mục tiêu khác ở Trung Đông.
Hồi tháng trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua bộ luật mở đường cho chính phủ liên bang giải ngân các chương trình phát triển ở nước ngoài. Đây được xem là động thái nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Lâu nay, giới chức Mỹ không ít lần đề cập tới chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc. Theo đó, nhiều quốc gia đã buộc phải trao quyền kiểm soát các khối tài sản lớn như cầu cảng hay đường xá, do họ không thể trả cho Trung Quốc các khoản nợ được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia.
Hồi đầu năm nay, Tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Thomas Waldhauser đồng thời là quan chức quân sự cấp cao của Mỹ ở châu Phi đã có bài phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng, quân đội Mỹ có thể phải đối mặt với những hậu quả “to lớn” nếu để Trung Quốc nắm quyền kiểm soát cảng biển ở Djibouti.