Vậy mà chính quyền Washington lại cho rằng Google Translate cùng những công cụ dịch thuật đủ tốt để giúp đỡ thực hiện nhiệm vụ quyết định trường hợp tị nạn nào đủ điều kiện nhập cư vào Mỹ.
Tổ chức phi lợi nhuận ProPublica vừa tiết lộ một tài liệu nội bộ do Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) ban hành, hướng dẫn nhân viên chịu trách nhiệm xem xét tài khoản mạng xã hội không phải tiếng Anh của người tị nạn như sau: “Cách tiếp cận nội dung ngôn ngữ nước ngoài hiệu quả nhất là sử dụng một trong nhiều dịch vụ dịch thuật trực tuyến miễn phí cung cấp bởi Google, Yahoo, Bing và nền tảng tìm kiếm khác”. Thậm chí tài liệu còn hướng dẫn chi tiết từng bước dùng Google Translate.
Theo giới chuyên gia ngôn ngữ, cách làm trên không phù hợp vì công cụ dịch thuật trực tuyến không thể phân tích ngữ khí cùng tiếng lóng. Nhân viên USCIC có thể hiểu sai về một bình luận vô hại hay bỏ sót một lời đe dọa.
Giáo sư Douglas Hofstadter thuộc Đại học Douglas Hofstadter đánh giá: “Tôi thấy làm vậy thật ngu ngốc và thiển cận”.
Phạm vi áp dụng tài liệu hướng dẫn khá hẹp: trường hợp người đã có vợ/chồng hoặc cha/mẹ đã được cấp tình trạng tị nạn tại Mỹ (diện bảo lãnh).
Bà Betsy Fisher – Giám đốc chiến lược Dự án hỗ trợ người tị nạn quốc tế (IRAP) chỉ trích: “Chúng ta đang sử dụng công cụ không đáng tin cậy để chia cắt nhiều gia đình”.
Trước thông tin do ProPublica tiết lộ, phía USCIS khẳng định xem xét tài khoản mạng xã hội là biện pháp góp phần tăng cường tính chính xác trong sàng lọc. Tuy nhiên bản thân nội dung trên mạng xã hội không phải cơ sở từ chối cho nhập cảnh.
Năm 2017, Facebook từng phải lên tiếng xin lỗi vì tính năng dịch thuật do công ty cung cấp dịch dòng trạng trái “Chào buổi sáng” của một người dùng Palestine thành “Làm tổn thương họ” trong tiếng Anh và “Tấn công họ” trong tiếng Do Thái.
ProPublica nhờ đến một giáo sư dạy tiếng Urdu tại Đại học Pennsylvania dịch một câu trên tài khoản Twitter. Nội dung bản dịch là: “Tôi bị đánh đòn rất nhiều và cũng nhận nhiều tình thương từ cha mẹ”.
Cùng một câu nhưng Google Translate cho ra kết quả: “Việc đánh đập quá nhiều, tình yêu cũng đầy sóng gió”.
Google Translate cùng những công cụ dịch thuật trực tuyến hiện chưa thể cho ra kết quả hoàn toàn chính xác - Ảnh: Shutterstock
Nỗ lực xem xét tài khoản mạng xã hội của người muốn nhập cảnh Mỹ đã bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama. Dựa trên kết quả chương trình thí điểm hoạt động từ năm 2015, USCIS vào năm 2016 lập ra một đơn vị chuyên trách công tác này.
Chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nỗ lực xem xét tài khoản mạng xã hội.
Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 6 vừa cập nhật đơn xin thị thực đòi hỏi cung cấp tài khoản mạng xã hội. Đến tháng 9, Bộ An ninh nội địa Mỹ tỏ ý muốn mở rộng yêu cầu này với cả trường hợp xin nhập quốc tịch, định cư lâu dài lẫn tị nạn.
Trong năm tài khóa 2018, USCIS đã tiến hành kiểm tra đến 11.470 tài khoản mạng xã hội.