Vào cuối tuần ông Võ Văn Toàn đều đặn ghé lại quán anh Phương ăn sáng trước khi đi bán vé số
Cứ vào ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần, anh Trần Duy Phương, chủ quán bún ở số nhà 663 đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bán cả trăm suất ăn chỉ với giá 2.000 đồng mỗi suất dành cho lao động nghèo, công nhân, người bán vé số, xe ôm.
Đây là việc làm nhân văn, góp phần giúp những mảnh đời khó khăn có thêm điểm tựa trong cuộc sống.
Những ngày thường, mỗi tô bún anh Trần Duy Phương bán với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Nhưng riêng ngày thứ 7, chủ nhật, mỗi phần bún chỉ bán với giá vỏn vẹn 2.000 đồng, đầy ắp chả cá, riêu cua.
Theo anh Trần Duy Phương cho biết, ý tưởng về một quán bún giá rẻ cho người lao động nghèo được anh ấp ủ từ lâu và ra đời trong những ngày đầu Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố hồi tháng 7 năm ngoái. Thời gian đầu triển khai hoạt động quán bún 2.000 đồng, anh Trần Duy Phương gặp không ít khó khăn về nhân lực và kinh phí hoạt động.
Để có kinh phí thực hiện những tô bún 2.000 đồng, anh Phương trích một phần lợi nhuận từ hoạt động của quán, cùng với thu nhập cá nhân.
Trung bình mỗi ngày thứ 7, chủ nhật, anh Trần Duy Phương bán hàng trăm suất bún cho người lao động nghèo, người bán vé số. Thực khách đến quán được tùy chọn món ưa thích trong các loại bún, gồm: thập cẩm, riêu cua, cá ngừ, chả cá. Tất cả đều đồng giá 2.000 đồng. Anh Phương tâm niệm, nấu cho mọi người cũng như nấu cho chính mình, phải ngon và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Anh Phương cho biết: “Mình chọn ngày Chủ nhật để ngày nghỉ rảnh rỗi. Bún 2000 này có ý tưởng từ lâu nhưng chưa có cơ hội để làm, bây giờ mình có cơ sở nơi buôn bán.
Ngày chủ nhật người nghèo, người bán vé số dạo, bán hàng rong, chạy xe ôm tới ăn đông. Nói 2000 nhưng mà mình không muốn lấy tiền của họ. Mình làm điều này giúp họ, mình cảm thấy rất vui.”
Hằng ngày, các thành viên trong gia đình anh Phương thức dậy từ 3 đến 4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu nấu bún. Mọi công đoạn từ sơ chế thực phẩm, nấu bún đến cho ra tô phục vụ thực khách đều được anh Phương tự tay làm cẩn thận và chu đáo.
Anh Huỳnh Bá Thành, thành viên quán bún từ thiện cho biết: “Thời gian rảnh, buổi sáng qua phụ anh làm, không nghĩ tiền lương muốn góp phần cho tô bún 2.000 đồng ngon hơn.”
Khách đến quán, dù là cô lao công, bác bán vé số hay chú xe ôm nghèo, đều được anh phục vụ chu đáo. Những suất ăn bán trong ngày thứ 7, chủ nhật chất lượng giống như ngày thường, thậm chí còn đầy đặn hơn, giúp những người lao động nghèo thêm ấm lòng.
Ông Võ Văn Toàn, ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bán vé số dạo cho biết. Hầu như ngày cuối tuần, ông đều ghé lại quán anh Phương ăn sáng trước khi đi làm.
Ông Toàn mong muốn có thêm nhiều quán ăn nhân ái, ý nghĩa như thế này để giúp người có hoàn cảnh khó khăn như mình: “Vào đây ăn bún chủ quán không lấy tiền, ngày cuối tuần tôi vào đây ăn bởi vì ở đây miễn phí. Hoàn cảnh những người bán vé số dạo không có tiền, khi gặp chủ quán như vậy tôi rất cảm động.”
Bên cạnh duy trì hoạt động của quán bún 2.000 đồng cho người lao động thu nhập thấp vào ngày cuối tuần, anh Trần Duy Phương còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như: phát gạo cho người nghèo, tặng các suất ăn giúp bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Anh Lê Công Hùng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Những tấm gương của các bạn thanh niên này làm tô thắm thêm nét đẹp của xã hội, đặc biệt là hình mẫu của thanh niên trong giai đoạn hiện nay, góp phần rất lớn chung tay giúp đỡ an sinh xã hội; chia sẻ những gánh nặng trong sinh hoạt hàng ngày đối với các gia đình khó khăn.
Các bạn đoàn viên thanh niên đã có việc làm rất thiết thực, giúp cho những người lao động có thêm niềm tin hơn nữa trong cuộc sống. Mong muốn có nhiều tấm gương hơn nữa góp phần cho công tác an sinh xã hội như giúp đỡ cho những người lao động./.”