Mỹ vừa đưa vào hoạt động tàu đổ bộ viễn chinh “khủng” nhất thế giới USS Miguel Keith, dự kiến có thể Mỹ sẽ đưa con tàu này đến Biển Đông hoạt động.
Theo báo cáo của trang Military/Mỹ, Hải quân Mỹ hôm 8/5 đã tổ chức lễ biên chế tàu viễn chinh đổ bộ lớp Lewis B. Puller USS Miguel Keith (ESB-5), tại San Diego, đánh dấu việc chính thức đưa “căn cứ viễn chinh di động” khổng lồ này vào sử dụng.
Con tàu mới này được đóng với chi phí lên tới 525 triệu USD. Dự kiến, mùa hè năm nay con tàu sẽ lên đường đến khu vực Tây Thái Bình Dương. Thời gian chế tạo con tàu “khủng” này là khoảng hai năm.
Tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith (ESB-5) của Hải quân Mỹ. Nguồn: Sina.
Con tàu được mệnh danh là “quái vật biển” và sẽ được triển khai lâu dài ở nước ngoài, căn cứ hoạt động đầu tiên của nó sẽ được đặt tại Saipan – hòn đảo lớn nhất ở Quần đảo Bắc Mariana. Biên chế thủy thủ đoàn 100 người và 44 lính Thủy quân lục chiến.
Thân tàu lớn giúp nó có thể triển khai một sàn đáp rộng, có thể chứa trực thăng MH-53, loại trực thăng hạng nặng lớn nhất của Hải quân Mỹ và máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến.
Theo báo cáo của Navy.mil, “căn cứ viễn chinh di động” Miguel Keith được trang bị động cơ diesel-điện và có tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ. Tầm hoạt động tối đa là 9.500 hải lý (khoảng 17.594 km).
Tàu có chiều dài 239 mét, mớm nước 10,5 mét (12 mét khi đầy tải) với lượng giãn nước 90.000 tấn, gần tương đương với tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.
Con tàu được trang bị sàn đáp rộng khoảng 4.830 mét vuông, cũng như các thiết bị lưu trữ nhiên liệu, xưởng bảo dưỡng, kho vũ khí và khu sinh hoạt cá nhân có sức chứa lên đến 250 người. Con tàu cũng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm đối phó thủy lôi, chống cướp biển, bảo đảm an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa cũng như ứng phó với khủng hoảng.
Nhiều khả năng Miguel Keith sẽ được đưa đến Biển Đông thời gian tới. Nguồn: Sina.
Tàu được thiết kế theo thiết kế cơ bản của lớp tàu chở dầu Alaska, nhưng bỏ đi phần bể chứa để tạo ra một không gian rộng mở cho Hải quân tận dụng theo nhiều cách. Hiện, Hải quân Mỹ đang sở hữu 03 tàu loại này là USS Lewis B. Chesty Puller (ESB-3), USNS Hershel Woody Williams (T-ESB-4) và USS Miguel Keith (ESB-5).
Phát biểu tại Trạm Hàng không Hải quân North Island, California, Tướng Laura Richardson Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) tuyên bố rằng, tàu USS Miguel Keith có thể được đưa vào hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới, chẳng hạn như biển Caribe, Biển Đông và eo biển Hormuz.
Ông cũng tuyên bố rằng chiến hạm này sẽ đi đầu trong các cuộc xung đột toàn cầu, nhất là việc đối phó với các mối đe dọa mà Mỹ đang phải đối mặt, đặc biệt là mối đe dọa từ Trung Quốc.
"Để tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này, chúng tôi phải tiếp tục duy trì vị thế đứng đầu. Chúng tôi cần tiếp tục phát triển công nghệ tốt nhất và đóng những con tàu tốt nhất, như bạn thấy ở đây ngày hôm nay", Tướng Laura Richardson nói.
Theo báo cáo, tàu USS Miguel Keith do nhà máy đóng tàu General Steel National Steel and Shipbuilding Co (NASSCO) đóng ở San Diego. Tháng 7/2018, một ụ tàu tại xưởng đóng tàu bị rò rỉ khiến tiến độ đóng tàu bị đình trệ. Hải quân Mỹ ban đầu dự định cho phép lực lượng dân sự tham gia thủy thủ đoàn của con tàu này để “phù phép” nó thành tàu hàng.
Tuy nhiên, năm 2020, Hải quân Mỹ đã thay đổi kế hoạch và tuyên bố rằng nó sẽ hoạt động như tàu chiến, điều này sẽ cho phép chúng hoạt động linh hoạt hơn trong các hoạt động quân sự.