Giải mã bài toán khó nhất
Hơn 20 năm kể từ sự ra đời của bộ phim chiếu rạp “bom tấn” Gái nhảy , có lẽ bài toán khó nhằn nhất mà tất cả thế hệ nhà sản xuất cùng đạo diễn, dù thành công hay thất bại về mặt chất lượng lẫn doanh thu phim chiếu rạp, đều đau đáu là: “Công thức để làm một phim mà khán giả Việt thích là gì?”.
Và thực tế đã chứng minh, không ai tự tin sẽ trả lời được, nếu tính luôn cả những nhà phát hành phim, nơi có được các số liệu rõ ràng nhất về người xem (bao gồm độ tuổi, sở thích, thời điểm ra rạp…).
Cho đến khi Trấn Thành mang Bố già (2021) ra rạp, nam MC làm cả thị trường choáng váng với hơn 5,3 triệu lượt xem đi kèm doanh thu gần 400 tỷ đồng (số liệu từ Box Office Vietnam ).
Một bộ phim đầu tay với câu chuyện đầy tính bi kịch xoay quanh một gia đình nhỏ trong một con hẻm nghèo ở thành phố. Ở đó những khác biệt thế hệ, những vất vả mưu sinh, những khác biệt họ hàng, những ước mơ muốn vượt thoát khỏi cảnh đời tù túng… diễn ra đầy bề bộn và ồn ào. Một câu chuyện cực kỳ bình dân đã chinh phục mọi thứ.
Trong khi đó Nhà bà Nữ (2023) là góc nhìn khác về sự “giam cầm” khao khát tự do cùng hạnh phúc đầy tính riêng tư của một người trẻ mới vào đời, của cả một người đàn ông suốt ngày núp sau chiếc bóng của vợ, và của một người mẹ yêu thương con nhưng không đủ hiểu biết để yêu thương đúng.
Nhà bà Nữ lại vượt qua doanh thu lẫn lượt xem của Bố già. Vẫn là những phận đời bình dị, đi kèm với cuộc mưu sinh của một gia đình nhiều thế hệ nơi một góc chung cư cũ trong thành phố, Trấn Thành lại làm khán giả hết khóc lại cười.
Rồi mới nhất với Mai (2024), đang tiến gần đến mốc doanh thu 500 tỷ đồng (và xa hơn là khoảng 600 tỷ đồng). Trấn Thành đang dần biến Nhà bà Nữ trở thành “cựu vương phòng vé ” cũng bằng câu chuyện đầy ám ảnh về số phận của một phụ nữ tuổi U40, khao khát được yêu, được làm lại cuộc đời dù gia đình hay cuộc đời từng đẩy bản thân rơi xuống hố sâu tuyệt vọng.
Trấn Thành từng nói: “Tôi muốn tạo ra một phong cách làm phim riêng!”.
Câu nói ấy đến giờ đang rất đúng với những gì mà các bộ phim diễn ra trong mắt khán giả. Rất nhiều bi kịch gắn với chữ nghèo của người lao động, rất nhiều hy vọng được thắp lên từ đống tro tàn của biến cố, cùng rất nhiều yêu thương lẫn hận thù được nhân danh bởi “điều cao đẹp”.
Trấn Thành trở thành người đầu tiên ở Việt Nam vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng ở vị trí đạo diễn. Vì Trấn Thành giải mã được bài toán khó nhất của thị trường này, khiến khán giả không thể không đi xem phim của Trấn Thành.
Nam đạo diễn khiến họ khóc một cách thành thật, cười thành tiếng sảng khoái và đau đến mức nghẹn ngào bởi rất nhiều chi tiết cuộc đời mình, gia đình mình, bạn bè mình, họ hàng mình... đều ở trong đó.
Trấn Thành chạm được vào ước muốn thầm kín của phần đông khán giả, là chỉ muốn vươn lên thành con diều dù mặt đất không ngày nào là không ghì lấy đôi chân đang vùng vẫy. Tất cả sâu sắc và trải nghiệm của Trấn Thành được biến thành những thước phim, dù ngọt ngào hay đắng chát, thì đều có dư vị của sự thấu hiểu lẫn đồng cảm.
Đường còn dài và nhiều chông gai
Với những gì Trấn Thành đang làm cho điện ảnh Việt, khán giả có quyền tin và chờ đợi thêm những tác phẩm mà ở đó Trấn Thành biết cách nâng tầm cảm xúc của người xem.
Vì thông qua Bố già, Nhà bà Nữ và Mai , Trấn Thành cho thấy mình là một quái kiệt trong việc “chiều chuộng” tâm lý khán giả đến mức xuất thần. Nhưng tất yếu với sự phát triển của một người làm nghề, một lúc nào đó Trấn Thành sẽ biết gỡ bỏ những rào cản kiểu như: Xử lý chi tiết như thế này khán giả chắc chắn sẽ khóc? Phải diễn theo cách kia mới làm mọi người bật cười?
Trấn Thành còn nhiều tham vọng để chinh phục những kỷ lục mới trong điện ảnh Việt. Một trong số đó chính là mang những bộ phim Việt do mình làm ra thế giới với sự tự hào về bản sắc không lẫn vào đâu được. Chỉ là có “thực mới vực được đạo”, cần làm tốt nhu cầu giải trí của một bộ phim nội địa cho người Việt, trước khi đi đến chặng đường chạm đến cảm xúc người xem trên toàn cầu.
Những ồn ào, những nhân vật đầy tính sắp đặt, những chi tiết “rất Trấn Thành” theo thời gian chắc chắn sẽ được Trấn Thành lược bỏ, để thay thế vào đó những thứ tự nhiên vốn dĩ nó phải xuất hiện trong câu chuyện, không bởi Trấn Thành muốn mà đó là những thứ bộ phim cần.
Như rất nhiều nghệ sĩ tài năng khác, Trấn Thành cũng phải chấp nhận lẽ đời có những khán giả rất yêu thương mình nhưng cũng có không ít người từ chối đồng cảm với tác phẩm của anh.
Ngay cả bộ phim mới nhất là Mai , đạt đến con số 6 triệu lượt xem hay nhiều hơn một chút nữa, thì cũng chỉ đâu đó khoảng 5-6% người Việt Nam (trong tổng số hơn 100 triệu người) ra rạp xem bộ phim vào thời điểm khởi chiếu, cũng như đang tạo dư luận ở khắp các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội.
Và có lẽ Trấn Thành cũng đủ thông minh để hiểu, mình không thể tạo ra được bộ phim làm hài lòng tất cả người xem, nhưng sẽ đến một lúc nào đó, người Việt có thể tự hào với một bộ phim điện ảnh Việt do Trấn Thành đạo diễn, khi bộ phim ấy được mang ra ngoài đường biên giới.
Sẽ có ghét có thương, nhưng tài năng Trấn Thành chính là thứ không ai có thể phủ định!