Cùng với việc "thời hạn cuối cùng" được Triều Tiên đặt ra đang ngày càng đến gần, Triều Tiên cũng bày tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ về vấn đề đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều.
Theo đó, Bình Nhưỡng đã tiến hành một "thử nghiệm cực kỳ quan trọng" tại bãi thử vệ tinh Sohae, hay còn được gọi là bãi phóng Dongchang-ri ở tỉnh Bắc Pyongan. Kết quả cuộc thử nghiệm được Triều Tiên công bố là "đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên".
Triều Tiên đã tiến hành một "thử nghiệm cực kỳ quan trọng". Nguồn: Sina.
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều bế tắc
Ngày 7/12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song khẳng định, vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị rút khỏi các cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời cho rằng những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết.
Đại sứ Kim Song cho rằng "cuộc đối thoại được duy trì liên tục và quan trọng" mà Mỹ tìm kiếm chỉ là cách để Washington tiết kiệm thời gian để mang lại lợi ích chương trình nghị sự trong nước.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 8/12 cho biết, "chương trình nghị sự trong nước" mà ông Kim Song đề cập ở đây chính là việc Tổng thống Trump đang tìm kiếm cơ hội tái đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Triều Tiên - Châu Á Thái Bình Dương Kim Yong Chol cũng đã cảnh báo Mỹ không nên "mơ về" các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước khi hủy bỏ các chính sách thù địch.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song. Ảnh: New York Post
Reuters cho biết, tuyên bố của đại diện Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho đến nay là biểu hiện "trần trụi" nhất về khoảng cách lớn giữa Mỹ và Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu của trang 38 North, trang mạng chuyên giám sát các hoạt động trong lãnh thổ Triều Tiên, những thông điệp cứng rắn Triều Tiên đưa ra trước "thời hạn cuối" có thể buộc Mỹ phải "giao dịch ở phút cuối cùng".
Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, sự khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên đang ngày càng gia tăng, điều này đồng nghĩa với khả năng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang ngày càng nhỏ đi.
Ngày 6/12, phe bảo thủ Mỹ đã đưa ra báo cáo "áp lực tối đa 2.0 với Triều Tiên" nội dung nhấn mạnh, một khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân hoặc tên lửa liên lục địa một lần nữa, Chính phủ Mỹ sẽ phải thực hiện các biện pháp gia tăng áp lực mạnh mẽ hơn nữa, trong đó, Mỹ và các đồng minh phải tăng cường sức ép đối với Triều Tiên trong các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính và thậm chí là tình báo.
Giới chức Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ gia tăng áp lực lên Triều Tiên trên các phương diện. Nguồn: Sina.
"Quà Giáng sinh" của Triều Tiên cho Mỹ - Hàn là gì?
Theo Yonhap ngày 8/12, Triều Tiên không công khai chi tiết về cuộc thử nghiệm, nhưng địa điểm phóng vừa rồi của Triều Tiên có liên quan mật thiết đến các dự án tên lửa liên lục địa.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu về các vấn đề Viễn Đông thuộc trường đại học Kyungnam cho biết, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa liên lục địa Hwasong-15 và Hwasong-14 có khả năng tấn công đến lãnh thổ Mỹ nhưng chưa có tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn, lần này có khả năng là vụ thử động cơ tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn.
Kênh CNN của Mỹ dẫn lời Nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên Ri Thae Song cho biết: "Thời hạn Triều Tiên đặt ra cho Mỹ vào cuối năm đang gần hết, điều còn lại cần được làm bây giờ là sự lựa chọn của Mỹ, việc Mỹ sẽ chọn quà Giáng sinh thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào nước này".
Nhiều khả năng "món quà Giáng sinh" của Triều Tiên giành cho ông Trump sẽ là một vụ phóng tên lửa liên lục địa. Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên dọa sẽ tiến hành thử tên lửa, vào dịp Quốc khánh Mỹ hồi tháng 7/2017, Triều Tiên đã gửi tặng Mỹ một "món quà" là vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Một vụ phóng tên lửa liên lục địa sẽ là "quà giáng sinh" Triều Tiên gửi tới Mỹ - Hàn? Nguồn: Sina.
Nếu Triều Tiên hoàn thành nghiên cứu và phát triển động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, điều đó có nghĩa là tên lửa liên lục địa của Triều Tiên sẽ rút ngắn thời gian bơm nhiên liệu và có thể hạn chế được sự phát hiện của Mỹ, điều này cho phép Triều Tiên có thể bất ngờ tấn công Mỹ bằng tên lửa liên lục địa.
Trên thực tế, Mỹ gần đây đã phát hiện ra một số động thái bất thường ở trung tâm phóng vệ tinh Dongchang-ri của Triều Tiên. Ngày 5/12, CNN cho biết, Triều Tiên đã xây dựng một cơ sở thử nghiệm quy mô lớn trong khu vực và các hoạt động mới đã xuất hiện ở xung quanh khu vực này.
Thông tấn xã Nga ngày 8/12 cho biết, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu Mỹ không nối lại đàm phán, Triều Tiên sẽ có một "con đường mới" vào năm 2020.
"Con đường mới" này không chỉ có nghĩa là một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, mà còn có khả năng Triều Tiên sẽ tăng cường về số lượng và chất lượng của lực lượng hạt nhân. Mỹ đã không đáp ứng đề xuất của Triều Tiên, nên không có lý do gì để Triều Tiên tiếp tục thực hiện các cam kết của mình trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Quan hệ Mỹ - Triều sẽ đi về đâu?
Tổng thống Trump 7/12 khẳng định, nếu như Triều Tiên tiến hành các hành động "thù địch", Mỹ sẽ giành cho Triều Tiên một "món quà ngạc nhiên". Trước đó, ngày 3/12, Tổng thống Trump một lần nữa gọi ông Kim Jong-un là "người tên lửa" và đề cập đến khả năng sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên.
Điều này ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Triều Tiên và Bình Nhưỡng đã đáp trả bằng cách gọi ông Trump là "ông già lẩm cẩm" và cho rằng "việc sử dụng vũ lực không phải là một đặc quyền mà chỉ Mỹ mới có".
Quan hệ Mỹ - Triều sẽ bước vào một vòng luẩn quẩn mới khi Triều Tiên thực hiện "mô hình Iran"? Nguồn: Sina.
Ngày 8/12, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại (Thượng viện) của Hội đồng Liên bang Nga, Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev cho biết, Triều Tiên tuyên bố sẽ không tiếp tục thảo luận về phi hạt nhân hóa với Mỹ, đây không phải là một tín hiệu tốt, vì giải trừ hạt nhân không chỉ trong phạm vi song phương giữa Triều Tiên và Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực và thế giới.
Do Mỹ không từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nên Triều Tiên đã lựa chọn "mô hình Iran" là đặt điều kiện để đàm phán.
Hãng thông tấn Regnum của Nga nhận định, Triều Tiên thất vọng vì Tổng thống Trump chưa bao giờ từ bỏ sự thù địch với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, trong khi Washington tuyên bố sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân.
"Nút thắt chết chóc" giữa hai bên có thể đưa quan hệ Mỹ-Triều đi đến một vòng "luẩn quẩn" mới theo hướng ngày càng xấu đi.