Gặp nghệ nhân giữ bí quyết độc nhất vô nhị làm thuyền ba vách chạy ngược gió

NGUYỄN HUỆ |

Khi tàu hiện đại ra đời cũng là lúc thuyền ba vách chạy ngược sóng, ngược gió dần bị mai một nhưng nghệ nhân Lê Đức Chắn vẫn lưu giữ những bản thiết kế, mô hình.

Những ngày này, trên dòng sông Chanh chảy qua thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), hàng loạt con tàu hiện đại, trọng tải lớn vẫn ngược xuôi chở hàng đi các ngả. Nhưng ít ai biết, cũng trên dòng sông ấy, nhiều năm trước, những chiếc thuyền buồm có thể chạy xuôi gió, ngang gió, ngược gió, ngược nước cũng từng tấp nập và trở thành phần ký ức không thể quên với người dân miền sông nước.

Gặp nghệ nhân giữ bí quyết độc nhất vô nhị làm thuyền ba vách chạy ngược gió - Ảnh 1.

Chiếc thuyền ba vách được ông Chắn đóng và cho chạy trên dòng sông Chanh từ nhiều năm trước. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo thời gian, người lưu giữ bí truyền làm nên con thuyền độc nhất vô nhị ấy - thuyền ba vách - chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nghệ nhân Ưu tú Lê Đức Chắn - truyền nhân đời thứ 7 của nghề đóng thuyền ba vách truyền thống ở khu Cống Mương, phường Phong Hải (thị xã Quảng Yên) là một trong số rất ít những người còn sót lại ấy.

Ở tuổi 73, ông Chắn không làm nghề đóng tàu thuyền nữa mà giao lại cho 8 người con. Thế nhưng, ông vẫn nhớ như in những dấu mốc vàng son của con thuyền gắn liền với làng nghề gần 600 năm tuổi.

Con thuyền độc nhất vô nhị

Gần 600 năm trước, 17 người gồm cả nam và nữ thuộc 14 dòng họ di dân ra vùng đất phía nam sông Bạch Đằng. Người đời sau gọi họ là 17 vị tiên công.

Họ quai đê, lấn biển, cấy lúa lấy lương thực, đóng các con thuyền để khai thác tôm, cá từ biển cả, làm nhà gỗ để ở..., đặt nền móng cho vùng đất trù phú của đảo Hà Nam sau này.

Từ việc sáng tạo và lợi dụng biển cả để mưu sinh, thuyền ba vách buồm cánh dơi có thể đi ngược sóng, ngược gió cũng dần ra đời. Thuyền rất dụng hiệu với người dân trong phát triển kinh tế, dùng đánh cá thì chạy tốt, chịu được sóng gió, dùng để vận tải thì chở khoẻ, chạy nhẹ.

Gặp nghệ nhân giữ bí quyết độc nhất vô nhị làm thuyền ba vách chạy ngược gió - Ảnh 2.

Những con thuyền ba vách có thể chạy ngược sóng, ngược gió được ông Chắn tái hiện lại qua các mô hình.

Ban đầu, các cụ dùng gỗ đàn trắng để đóng thuyền, dùng tre nứa hoặc cói làm buồm. Các miếng ván được ghép bằng cách khoan và luồn dây mây rồi thắt lại do thời đó chưa có đinh vít. Sau này, các cụ dùng vải diềm bâu làm cánh buồm. Gỗ đàn trắng cũng được thay thế bằng những loại gỗ tốt nhất như lim, dẻ, táu.

Tại làng nghề Cống Mương, đền thờ tổ nghề cũng được dựng lên. Tuy nhiên, vào năm 1955, một trận bão lớn, nước dâng cao đã quét sạch mọi chứng tích của những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Nhà thờ tổ nghề cũng bị dòng nước cuốn trôi.

Năm 2013, theo nguyện vọng của bố, ông Chắn gặp những người cao niên làm nghề đóng tàu thuyền ở vùng Hà Nam để chắp ghép lại các thông tin từ xa xưa, nhằm lập lại làng nghề truyền thống. Những nỗ lực của ông đã được đền đáp. Tháng 11/2014, Cống Mương đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là làng nghề truyền thống.

“Trải qua quãng thời gian đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều vùng đất, tôi đúc kết được, đây là loại thuyền độc nhất vô nhị, có thể chạy ngược gió, ngược nước linh hoạt. Từ vùng châu thổ sông Hồng đến các nước lân cận và châu Âu không có được.

Trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc phương Bắc cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, con thuyền này cũng góp phần viết nên lịch sử khi tham gia chở lương thực, vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam đến ngày đất nước thống nhất.

Tuy nhiên, để lái được con thuyền này phải là người có thâm niên trong nghề. Thuyền chạy xuôi gió thì buộc buồm kiểu cánh tiên, chạy ngang gió thì buộc buồm pha chằng. Nếu muốn thuyền đi ngược gió thì buộc vát buồm, lúc này thuyền phải đi theo hình chữ chi”, ông Chắn nói và chỉ cho chúng tôi gian nhà chứa rất nhiều mô hình được thể hiện theo tỷ lệ phóng của bản thiết kế, tái hiện lại chiếc thuyền ba vách xưa, được ông cẩn thận cất giữ. Nơi đó, những bản thiết kế con thuyền đang dần mai một giữa xu thế phát triển của nền công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng được ông gìn giữ như báu vật.

Gặp nghệ nhân giữ bí quyết độc nhất vô nhị làm thuyền ba vách chạy ngược gió - Ảnh 3.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Đức Chắn giữ gìn bản thiết kế làm thuyền ba vách như giữ một báu vật.

Bí quyết độc nhất vô nhị chế tạo con thuyền chạy ngược gió, ngược nước

Sinh ra trong gia đình có truyền thống đóng tàu thuyền, từ nhỏ, ông Lê Đức Chắn đã được tiếp xúc với thuyền buồm cánh dơi độc đáo.

Nhà đông anh em, học hết lớp 4, ông ở nhà, bắt đầu hành trình từ cậu bé sáng sáng pha nước, mài đồ cho thợ, rồi trở thành ông chủ của xưởng đóng tàu quy mô lớn trên mảnh đất Quảng Yên.

“Muốn làm nghề giỏi, trước hết phải có cái tâm, không bao giờ tự thoả mãn với những gì mình đã có. Đó là những gì tôi được các thế hệ trước truyền dạy.

Ban đầu, bố tôi dạy cách ăn cơm, rót nước, rồi sau mới truyền nghề đóng thuyền ba vách. Tôi học từ ông nội, bố và các chú trong gia đình, sau đó đi học người khác. Vì giữ được cái tâm và lửa nghề nên tôi may mắn được rất nhiều thợ giỏi trong làng quý mến, truyền dạy cho các kỹ thuật cao. Cứ thế, tôi đúc kết lại từng chút kinh nghiệm để năm 28 tuổi đóng thành công con thuyền ba vách hoàn hảo khiến ai cũng phải kính nể”, trầm ngâm bên chén trà nóng ngày đông rét mướt, ông Chắn nhớ lại.

Gặp nghệ nhân giữ bí quyết độc nhất vô nhị làm thuyền ba vách chạy ngược gió - Ảnh 4.

Ông Lê Đức Chắn dùng tâm huyết cả đời để mong muốn có thể đưa hình ảnh con thuyền ba vách tiếp tục xuất hiện trên sông Chanh, vịnh Hạ Long phục vụ du khách.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều khách hàng tìm tới xưởng của ông Chắn, thanh thiếu niên tìm tới học nghề cũng không ít. Đi theo cách truyền nghề của tổ tiên, ông Chắn cũng chọn ra những người chịu thương chịu khó, yêu nghề để “bắt tay chỉ việc”, dạy nhân cách làm người, hướng người thợ muốn thành công phải đặt “đức - trí - lực” lên trên hết. Đây chính là điểm cốt lõi tạo dựng nên thương hiệu của làng nghề đóng tàu, thuyền truyền thống. Nhiều lớp thợ đã trưởng thành dưới sự đào tạo của ông, trong đó có không ít thợ giỏi.

Nền kinh tế mở cửa, những công nghệ đóng tàu, thuyền tiên tiến cũng dần du nhập vào nước ta. Không nằm ngoài quy luật, ông Chắn cũng phải chuyển mình để hội nhập, và đóng thành công những con tàu gỗ, tàu sắt trọng tải lớn. Những chiếc thuyền ba vách dần mai một và thất truyền, chỉ còn là hào quang của quá khứ. Thế nhưng, trong tâm tư người nghệ nhân ấy, hình ảnh con thuyền với cánh buồm đỏ rực, chạy ngược gió trên dòng sông Chanh vẫn luôn hiện hữu.

Theo lời kể của ông Chắn, loại thuyền này không sách vở nào ghi chép lại thông số kỹ thuật. Để đóng được con thuyền ba vách cánh dơi đều thông qua hình thức truyền miệng, cha ông dạy cho con cháu trong nhà.

Gom nhặt từng chút mảnh vụn của quá khứ, ông Chắn dần viết, vẽ ra bản thiết kế thuyền ba vách cổ. Mặc dù nhiều khi lý thuyết khác xa thực tế nhưng ông vẫn tỉ mỉ từng công đoạn, hoàn thành các con thuyền và chạy thử trên sông Chanh trước cảm xúc vỡ oà của nhiều người.

Gặp nghệ nhân giữ bí quyết độc nhất vô nhị làm thuyền ba vách chạy ngược gió - Ảnh 5.

Thuyền ba vách buồm cánh dơi hiện nay chỉ còn là hào quang quá khứ.

Nghệ nhân Lê Đức Chắn cho biết, gần 10 năm trước, từng có những đoàn chuyên gia từ Nhật, Mỹ, Pháp, Anh... tìm về tận nhà ông để nghiên cứu chiếc thuyền ba vách độc đáo này.

“Tôi từng đóng cho một vị tiến sỹ con thuyền ba vách dài 11 m. Thuyền đỗ trên dòng sông Chanh, rất đông người tới để được thực mục sở thị con thuyền chạy ngược gió, thậm chí có cả người ở TP.HCM, Nha Trang... ra. Tôi trực tiếp cầm lái vì người lái con thuyền này giờ không còn nhiều. Chiếc thuyền cưỡi sóng xoay sang một bên đi theo hình chữ chi để ngược gió giữa tiếng hô vang vui sướng của từng đoàn người trên bờ. Chiếc thuyền này hiện được trưng bày tại bảo tàng ở Hoà Bình”, ông Chắn cười nhớ lại.

Ông cũng là thợ kinh qua nghề biển. Mỗi lần đóng xong con thuyền, để rút kinh nghiệm, ông lại cùng chủ thuyền tìm hiểu sức chạy chậm hay nhanh, có đảm bảo không, đồ ghềnh, độ nánh của thuyền khi sóng gió thế nào, sau đó về rút kinh nghiệm làm những con thuyền có kỹ thuật cao. Và ông trở thành người biết lái thuyền.

Để kỹ thuật đóng thuyền ba vách không bị mai một, để công sức của cha ông mãi lưu lại trên con thuyền, ông Chắn truyền lại kinh nghiệm cho con cháu và những người thợ trẻ có tâm, có nhiệt huyết.

Ông cũng nuôi tham vọng sẽ mở vùng du lịch “làng quê biển”, dưới sông có thuyền ba vách buồm cánh dơi cho khách trải nghiệm. Người nghệ nhân ấy mong ước, trên dòng sông Chanh, vịnh Hạ Long, những cánh buồm cánh dơi của con thuyền cổ ba vách lại tái hiện, phục vụ du khách, để người dân Quảng Yên có thêm nguồn thu nhập và lưu giữ được một loại hình văn hoá độc đáo của vùng quê biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại