Lãnh đội TDDC Việt Nam: "Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước"

HIẾU LƯƠNG |

Thành viên Đoàn thể thao Việt Nam có những đánh giá riêng về Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sau khi đặt chân tới Nhật Bản từ sáng 19/7.

43 thành viên Đoàn thể thao Việt Nam đều ăn, ở tại làng VĐV Olympic. 41 thành viên di chuyển từ Việt Nam. Trong khi đó, HLV Hàn Quốc và VĐV Taekwondo Trương Thị Kim Tuyền di chuyển từ Uzbekistan sang và đã có mặt vào ngày 20/7.

Sau 1 ngày sinh hoạt tại làng, lãnh đội thể dục dụng cụ (TDDC) Nguyễn Kim Lan chia sẻ: "Do đại dịch Covid-19 nên các điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước. Lực lượng tình nguyện viên cũng ít hơn".

Lãnh đội TDDC Việt Nam: Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước - Ảnh 1.
Lãnh đội TDDC Việt Nam: Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước - Ảnh 2.
Lãnh đội TDDC Việt Nam: Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước - Ảnh 3.

VĐV lạc quan và tập trung trước khi tranh tài ở Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: Thu Sâm/Đoàn TTVN)

Tuy nhiên, bà Lan cũng như các thành viên khác của Đoàn thể thao Việt Nam thấu hiểu được khó khăn của nước chủ nhà. Nhật Bản vừa phải giải quyết hậu quả từ dịch Covid-19, vừa phải nỗ lực tổ chức Thế vận hội để tránh lãng phí dù cho xứ sở mặt trời mọc đã lỗ hàng tỷ USD.

Ở làng VĐV, Đoàn thể thao Việt Nam ở tầng 11. Mỗi phòng lớn có 4 phòng nhỏ. Phòng đôi có diện tích 12m2, phòng đơn có diện tích 9m2. Các VĐV tỏ ra thích thú với chiếc giường làm từ bìa cứng có thể tái chế sau khi Olympic kết thúc. Ngoài giường, phòng cũng chỉ có thêm tủ quần áo, bàn làm việc. Trong khi đó, nhà vệ sinh phải dùng chung.

Một số VĐV quốc tịch Nga nhưng thi đấu trên danh nghĩa đội trung lập cho rằng "đây không giống với Nhật Bản mà họ tưởng tượng". Những VĐV này phàn nàn rằng phòng ở không có TV hay tủ lạnh. Phía BTC Olympic cho biết sẽ sớm khắc phục điều này.

Về vấn đề ăn uống, thực đơn của nước chủ nhà là hơn 700 món ăn từ Á sang Âu, phục vụ cả theo tôn giáo,… Nhà bếp sẽ lựa chọn món ăn trong số kể trên theo từng ngày. Tuy nhiên, một số đoàn thể thao như Anh, Mỹ vẫn không đánh giá cao thực đơn kể trên. Một số VĐV theo đạo Hồi, ăn chay chưa thích ứng được với khẩu vị.

BTC Olympic Tokyo cho biết sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các VĐV và cố gắng cải thiện mọi thứ trong thời gian sớm nhất. "Tôi luôn mong rằng làng VĐV là một nơi thoải mái dành cho các VĐV và những người liên quan", Tổng thư ký Olympic Tokyo Toshiro Muto chia sẻ.

Olympic Tokyo 2020 đón hơn 11.000 VĐV tới từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa kể quan chức, HLV các nước. Trước đó, BTC khuyến cáo các nước nên cân nhắc kỹ lưỡng về nhân sự, các VĐV chỉ có tối đa 1 HLV theo kèm.

Các đoàn thể thao phải đăng ký lịch di chuyển tập luyện với BTC, không được tự ý di chuyển sang nhiều nơi khác nhau, hay tụ tập thành nhóm đông người với những VĐV nước khác. Nhìn chung, iệc giới hạn đi lại cũng khiến VĐV các nước cảm thấy buồn chán.

Lãnh đội TDDC Việt Nam: Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước - Ảnh 4.
Lãnh đội TDDC Việt Nam: Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước - Ảnh 5.

Tay vợt nam số 1 thế giới Novak Djokovic trên máy bay di chuyển đến Nhật Bản sau thời gian dài suy nghĩ về việc tham dự Olympic (Ảnh: Tennis Serbia)

Novak Djokovic, VĐV tennis nam số 1 thế giới, đã phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định tham dự Olympic. Anh lo ngại việc bị hạn chế hoạt động ở làng VĐV, thậm chí, việc người đan vợt không được đi theo cũng khiến Djokovic lăn tăn, bởi lẽ, anh đánh giá cao vai trò của vị trí này. Cuối cùng, tay vợt người Serbia vẫn quyết định tham gia với mục tiêu bổ sung vào bảng thành tích còn thiếu tấm HCV Olympic.

Một số VĐV ngôi sao của thể thao thế giới thậm chí xin đặc cách để ở một khách sạn khác nằm ngoài làng VĐV. Họ sẵn sàng bỏ chi phí còn BTC sẽ lựa chọn địa điểm phù hợp.

Ashleigh Barty, VĐV tennis nữ số 1 thế giới, là 1 trong số những người quyết định làm như vậy. Cô chủ động xin phép Đoàn thể thao Australia và được chấp thuận.

Về phía Việt Nam, các HLV và VĐV đều động viên nhau cố gắng tập trung hướng tới ngày thi đấu. Thành quả 5 năm tập luyện đôi khi sẽ quyết định thành bại chỉ trong vài chục giây.

Tính đến tối 20/7, các VĐV Việt Nam đều đã được sắp xếp tập luyện ở những địa điểm chuyên biệt. Riêng võ sĩ Kim Tuyền sẽ được nghỉ ngơi sau chuyến bay dài từ Uzbekistan.

Ngày 23/7, Đỗ Thị Ánh Nguyệt là VĐV Việt Nam đầu tiên thi đấu ở nội dung cung 1 dây nữ trong buổi sáng. Sau đó, Phi Hoàng sẽ xuất trận ở nội dung cung 1 dây nam. Tối cùng ngày, lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 được tổ chức ở SVĐ quốc gia tại Shinjuku. VĐV điền kinh Quách Thị Lan và VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng sẽ đi đầu cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam.

Lãnh đội TDDC Việt Nam: Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước - Ảnh 6.

18 VĐV Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: GN)

Lãnh đội TDDC Việt Nam: Điều kiện ăn, ở của Olympic Tokyo không bằng các kỳ trước - Ảnh 7.

Lịch thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: GN)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại