Tình báo thương mại Thụy Điển trong Thế chiến II

Phan Bình |

Raoul Wallenberg và công ty của ông đã hoàn thành một vai trò quan trọng trong chương trình "Sẵn sàng phòng thủ kinh tế" của Thụy Điển. Sự thật là quân đội Thụy Điển và các cơ quan tình báo tương ứng đã giám sát chặt chẽ chương trình này có thể giải thích cho một tuyên bố chắc nịch rằng Raoul Wallenberg từng hoạt động như một điệp viên của tình báo Thụy Điển trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai (ĐCTGII).

Nhiều chi tiết về cuộc đời của Raoul Wallenberg, đặc biệt là xuất thân của ông vẫn còn là một ẩn số. Một số tài liệu nói đến vai trò của điệp viên Wallenberg và cách xử lý nội bộ của giới chức hai nước Thụy Điển và Liên Xô.

Bài 1: Tình báo kinh tế thời chiến

Mật danh C-byran

Vào năm 2014, ông Jan Bergman, một tác giả người Thụy Điển, tuyên bố rằng công ty của ông Raoul Wallenberg là Mellaneuropeiska (hoặc Meropa) gần như được thành lập bởi C-byran (Nha C), một cơ quan tình báo Thụy Điển hoạt động dưới Bộ Tham mưu Quốc phòng nước này trong thời kỳ ĐCTGII.

Sự ra đời của Mellaneuropeiska là một phần sự hợp tác chặt chẽ giữa C-byran và các thành viên của gia đình Wallenberg tại thời điểm đó. Tác giả Bergman không đưa ra được bằng chứng nào để khẳng định việc này. C-byran được thành lập vào năm 1939, đứng đầu là Thiếu tá Carl Petersén, cơ quan này tồn tại đến năm 1946.

Trong suốt chiến tranh, Thiếu tá Petersén chịu trách nhiệm cho các liên lạc với Đồng minh phương Tây; cấp phó của ông là Thiếu tá Hellmuth Ternberg chịu trách nhiệm xử lý thông tin tình báo từ Phần Lan, Đức, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sỹ.

Theo tác giả Jan Bergman, Mellaneuropeiska đóng vai trò là công ty bình phong để thực hiện một loạt các sứ mạng tình báo hải ngoại, do điệp viên Raoul Wallenberg đảm nhiệm và ông đã thực hiện vô số chuyến công tác khắp Âu Châu bị chiếm đóng. Tác giả Bergman lập luận rằng Hellmuth Ternberg đã đóng vai trò chiêu mộ điệp viên Wallenberg phục vụ sứ mạng nhân đạo ở Budapest vào năm 1944.

Tình báo thương mại Thụy Điển trong Thế chiến II - Ảnh 2.

Thiếu tá Hellmuth Ternberg, người chịu trách nhiệm xử lý thông tin tình báo từ Phần Lan, Đức, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sỹ của C-byran Ảnh nguồn: Dr Vadim Birstein.

Có một thực tế là vào lúc cuối chiến tranh C-byran đã hỗ trợ cho các hoạt động tình báo Anh, Mỹ, đặc biệt là ở vùng Ban-tích. Tại Hungary, Thiếu tá Ternberg và các đồng nghiệp đã lên những bản kế hoạch chi tiết nhằm hỗ trợ cho phong trào cách mạng Hungary nhằm chống lại chính phủ Đức Quốc xã (ĐQX).

Điệp viên Raoul Wallenberg cũng như người đồng nghiệp ngoại giao của ông là Per Anger cùng thực hiện các liên lạc với thủ lĩnh của tổ chức. Qua các phân tích sâu xa hơn đã hé lộ một bức tranh phức tạp về sự tham gia của điệp viên Raoul Wallenberg trong nhiều hoạt động khác với những gì mà tác giả Bergman đã cung cấp.

Ủy ban sẵn sàng phòng thủ kinh tế Thụy Điển (NCEDR)

Vào những năm trước ĐCTGII, các cơ sở kinh tế và chính trị của Thụy Điển luôn trong tình trạng báo động. Năm 1937, chính phủ nước này đã tái tổ chức Ủy ban sẵn sàng phòng thủ kinh tế quốc gia (NCEDR).

Một trong những nhiệm vụ chính của ủy ban này là đảm bảo rằng Thụy Điển luôn có đủ nguồn cung đa dạng hàng hóa, đặc biệt là thuốc men và thực phẩm, phục vụ cho nhân dân suốt thời chiến.

Được thành lập vào năm 1928, NCEDR hoạt động dưới sự hậu thuẫn của Văn phòng ngân sách Thụy Điển (SBO).

Một trọng tâm khác của NCEDR là cung cấp cho Các lực lượng vũ trang Thụy Điển (SAF) những nguyên liệu thô thiết yếu bao gồm hóa chất và hàng hóa chiến lược như nhiên liệu cũng như thiết bị kỹ thuật quan trọng, đại loại là từ những thứ rất căn bản như bóng đèn và đạn dược, cho đến những thứ phức tạp như ống ngắm quang học để gắn trên súng trường.

Người đứng đầu NCEDR khi đó là cựu quan chức Bộ Tài chính Thụy Điển, Karl Samuel Levinson (người đứng giữ chức Thống đốc khu vực thủ đô Stockholm), và Tướng Olof Thornell, chỉ huy quân sự tối cao Thụy Điển. Các thành viên khác của NCEDR bao gồm Hải quân, Lục quân, Không quân và Bộ Tham mưu Quốc phòng bao gồm luôn C-byran.

Ngoài ra người đứng đầu Ủy ban thương mại quốc gia và Ủy ban nông nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Năm 1939, NCEDR chuyển giao một số trách nhiệm cho Cơ quan hàng hóa dự trữ quốc gia (NARG). NARG đảm bảo việc "mua và dự trữ hàng hóa nhập khẩu thay mặt cho chính phủ Thụy Điển.

Những hàng hóa này rất thiết yếu cho doanh nghiệp và công chúng Thụy Điển cũng như sẵn sàng phòng thủ kinh tế đất nước". Được biết, chủ ngân hàng André Oscar Wallenberg (ông cố của điệp viên Raoul Wallenberg) là người đã sáng lập nên ngân hàng Stockholms Enskilda (SEB), ngân hàng tư nhân đầu tiên của Stockholm vào năm 1856.

NARG có khả năng cung cấp một lượng tín dụng khá lớn và độc lập cho các doanh nghiệp Thụy Điển tham gia vào thương mại quốc tế, nó cũng xử lý các vấn đề về vàng và tiền tệ thông qua những giao dịch này.

Ví dụ vào năm 1945, NARG và Cơ quan bảo hiểm chiến tranh (WIA) đã nhận yêu cầu chuyển 390kg vàng ròng sang cất giữ ở Tokyo. Số vàng này sau đó đã được chính phủ Nhật Bản mua lại nhằm duy trì kinh phí hoạt động của tòa công sứ Nhật ở Stockholm.

Giới chức Thụy Điển đã yêu cầu dàn xếp cho các nhà ngoại giao nước này cùng những nhân vật khác đi lại từ Tokyo và Thượng Hải đến Thụy Điển và ngược lại (thông qua ngả Moscow) để giúp vận chuyển vàng.

Mạng lưới rối rắm các liên lạc thương mại và tình báo

Mellaneuropeiska là một phần của tập đoàn thương mại Banankompaniet (thành lập năm 1909), có các đồng chủ nhân Thụy Điển là 2 doanh nhân Carl Matthiessen và Sven Salén. Mellaneuropeiska được thành lập vào năm 1941, chủ yếu là để đối phó với những giới hạn nghiêm trọng về thương mại xuyên Đại Tây Dương với Mỹ, Nam Mỹ cũng như Viễn Đông sau khi chiến tranh bùng nổ. Banankompaniet lệ thuộc vào các kết nối Nam Mỹ để nhập khẩu các danh mục hàng trái cây và thực phẩm.

Tình báo thương mại Thụy Điển trong Thế chiến II - Ảnh 3.

Một cảnh trong trại tập trung Do Thái của Đức quốc xã.

Kết quả là vào năm 1939, nhu cầu của chính phủ Thụy Điển và nhiều doanh nhân hàng đầu như Matthiessen và Salén đã đồng tăng trưởng đáng kể. Sự tình ngày càng rõ ràng hơn khi Raoul Wallenberg và đối tác thương mại Hungary-Kálmán Lauer đã cùng lãnh đạo Mellaneuropeiska với ý tưởng rằng nó sẽ hoàn thành vai trò quan trọng trong chương trình NCEDR, bằng cách nhập khẩu thực phẩm và vật liệu thô từ Hungary. Và cả hai người này đã trở thành "điệp viên" lĩnh vực kinh tế chính thức của Thụy Điển.

Vào đầu ĐCTGII, mục tiêu trung tâm của tình báo Thụy Điển là tránh để đất nước bị ngoại bang chiếm đóng. Cuối năm 1942, khi quân đội Đức ngày càng suy yếu, Thụy Điển đã chuyển trọng tâm sang hướng hạn chế sự ảnh hưởng các mục tiêu của Liên Xô tại những quốc gia Baltic và trên khắp Đông Âu.

Trong khi đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp Thụy Điển đã tìm cách định vị đất nước của họ trong trật tự thời hậu chiến mới nổi. Ông trùm vận tải thủy người Thụy Điển, Sven Salén (người rất ủng hộ Đồng Minh) đã trở thành bạn tốt và đối tác làm ăn với chủ ngân hàng Jacob Wallenberg (một người anh em của Raoul Wallenberg).

Cả hai người này cùng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với kinh tế gia nổi tiếng Per Jacobsson. Kể từ năm 1931, Jacobsson đã làm cố vấn kinh tế cho Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đặt ở Basel (Thụy Sỹ).

Jacobsson đã làm việc cho cơ quan tình báo Thụy Điển trong suốt cuộc chiến, và đã vài lần gặp gỡ Thiếu tá Hellmuth Ternberg trong các chuyến công du.

Ternberg và các quan chức khác của C-byran đã hợp tác chặt chẽ với Abwehr (cơ quan phản gián và tình báo quân sự Đức) bao gồm việc chuyển giao thông tin về Liên Xô. Điển hình là C-byran có mối quan hệ công việc với Alexander Cellarius, trưởng sĩ quan liên lạc của Abwehr ở Phần Lan và Estonia.

Điệp viên thương mại

Có một sự thật bị bỏ sót là trong suốt chiến tranh, người đồng nghiệp Per Anger của điệp viên Raoul Wallenberg đã giữ chức Tùy viên thương mại chính thức của Công sứ Thụy Điển ở Budapest.

Trên cương vị này, Anger đã sử dụng mọi hoạt động thương mại của Thụy Điển ở Hungary, cũng như thường xuyên liên lạc với các đại diện Đồng Minh và tình báo Thụy Điển ở thủ đô Stockholm.

Từ năm 1941-1945, Mellaneuropeiska chắc chắn đã trở thành một cánh tay nối dài cho "chương trình khủng hoảng" của chính phủ Thụy Điển. Có vẻ như Jacob Wallenberg đã chuẩn bị sẵn sàng cho Raoul đảm nhiệm nhiệm vụ này.

Bên cạnh việc đảm bảo các nguồn cung thích hợp cho nền kinh tế Thụy Điển, các kế hoạch của anh em nhà Wallenberg cũng bảo vệ quyền sở hữu tài chính của bạn bè và các cộng sự thương mại. Kế hoạch của Raoul Wallenberg vào năm 1944 nhằm xây dựng một tổ chức để phục hồi tài sản của người Do Thái sau chiến tranh.

Jacob Wallenberg ("Juju") và người em trai Marcus ("Dodde") Jr. nắm giữ các vị trí quan trọng trong thời chiến mà phần lớn do ảnh hưởng của ngân hàng gia đình của họ, cùng các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại do họ điều hành.

Năm 1941, Jacob thay mặt cho chính phủ Thụy Điển tiến hành đàm phán thương mại với ĐQX, 2 năm sau đó Marcus cùng thực hiện các thương thảo Thụy Điển - Anh. Một trong những công việc của Jacob Wallenberg mà ít người biết là làm việc cho Konjunkturinstitutet (Viện nghiên cứu Kinh tế quốc gia Thụy Điển).

Các thành viên của cơ quan này bao gồm người đứng đầu Ủy ban thương mại quốc gia và Torsten Hérnod, giám đốc của SUKAB, tập đoàn bồi thường thương mại hải ngoại Thụy Điển. Vai trò của SUKAB là điều phối thương mại Thụy Điển qua các biên giới quốc tế đặc biệt là ở các lãnh thổ bị chiếm đóng bằng cách sắp xếp các giao dịch bồi thường - một dạng đổi chác.

Một cựu giám đốc của SUKAB, ông Nils Jenselius, tuyên bố mình đã gặp Raoul Wallenberg tại SUKAB vào thập niên 1940. Mellaneuropeiska có thể nhỏ nhưng hoạt động của nó rất ấn tượng.

Chỉ trong vòng 3 năm (1941-1943) công ty đã thực hiện việc nhập khẩu số hàng hóa gồm thực phẩm từ Hungary trị giá 10 triệu SEK (đồng nội tệ Thụy Điển, xấp xỉ 25 triệu USD theo thị giá ngày nay).

Từ lâu người ta không hay biết rằng phần lớn các giao dịch này đều nhờ sự giúp sức của các trung gian Đức, như thương gia Đức, Ludolph Christensen, chủ công ty xuất - nhập khẩu J. Nootbaar ở Hamburg.

Chính Christensen đã đảm bảo hàng hóa của Thụy Điển từ Hungary đi trót lọt qua lãnh thổ Đức. Mặc dù không phải là thành viên của Đảng công nhân ĐQX nhưng Christensen lại có những mối liên kết quan trọng với các quan chức hàng đầu ĐQX như tướng SS là Karl Wolff.

Một trong các bức thư của Raoul Wallenberg có đề cập rằng muốn sử dụng mối quan hệ với Christensen để quyết định các kế hoạch tương lai của Đức ở Hungary, nhưng không rõ các dự định này có thành hiện thực hay không. Thông tin có được từ Christensen sẽ có ý nghĩa quan trọng cho cả các đại diện tình báo Thụy Điển và Đồng Minh.

Trái ngược với các tài khoản, Mellaneuropeiska không chỉ thuần mua lương thực. Một thời gian ngắn ngay sau khi được thành lập vào năm 1941, có nguồn tin từ NARG đề nghị công ty này mua 160 tấn nhiên liệu của Hungary.

Vào lúc đó, xăng bị hạn chế nghiêm trọng ở Thụy Điển. Vì thế mà Mellaneuropeiska cũng hoạt động như một tổng đại lý kinh doanh. Các giao dịch tương tự đã được thực hiện bởi các công ty Thụy Điển ở hải ngoại nhằm đảm bảo hàng hóa quan trọng cho nền kinh tế thời chiến của đất nước.

Sau chiến tranh, đối tác thương mại Hungary-Kálmán Lauer đã tuyên bố rằng Raoul Wallenberg từng làm thư ký riêng cho Jacob Wallenberg trong thời gian Raoul làm việc cho Meropa (chính là Mellaneuropeiska).

Tuyên bố này gần đây đã được xác nhận bởi cháu nội của ông Marcus "Dodde" Wallenberg, người cũng tên là Marcus Wallenberg, đại diện của tập đoàn thương mại Wallenberg. Nếu tuyên bố của Lauer là chính xác thì kể từ năm 1939, Raoul có thể đã biết chi tiết về tầm quan trọng của các mối quan hệ thương mại quốc tế của Thụy Điển, đặc biệt là những việc liên quan đến các doanh nghiệp gia đình Wallenberg.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại