Lãnh đạo Đài Loan bất ngờ "xuống nước", Bắc Kinh có chấp nhận?

Nguyễn Thái |

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 10/10 bất ngờ có động thái xuống nước với Trung Quốc đại lục khi kêu gọi đối thoại có kết quả với điều kiện Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn và cải thiện quan hệ xuyên eo biển.

Lãnh đạo Đài Loan bất ngờ xuống nước, Bắc Kinh có chấp nhận? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn trong sự kiện hôm 10/10. Ảnh: AP

Tờ SCMP hôm 10/10 đưa tin, bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh khả năng phòng thủ vững chắc là cách duy nhất để đảm bảo an ninh của đảo Đài Loan và duy trì hòa bình trong khu vực.

Trong bài phát biểu hôm 10/10, bà Thái cho biết vấn đề cấp bách nhất giữa 2 bờ eo biển Đài Loan là thảo luận về cách đôi bên có thể chung sống hòa bình và cùng tồn tại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, thiện chí và sự hiểu biết.

"Với điều kiện giới chức Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn và cải thiện quan hệ xuyên eo biển, trong khi sự bình đẳng và lòng tự trọng được duy trì, chúng tôi cũng sẵn sàng làm việc cùng họ để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại có kết quả", bà Thái nói và cho biết thêm rằng đây là điều mà người dân đảo Đài Loan mong muốn.

Trung Quốc vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực nếu cần, đã đình chỉ trao đổi chính thức với đảo Đài Loan kể từ khi bà Thái được bầu làm lãnh đạo hòn đảo năm 2016 và từ chối nguyên tắc Một Trung Quốc.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều cuộc tập trận quân sự gần đảo Đài Loan, cử các chiến đấu cơ tiếp cận hòn đảo, thậm chí phía Đài Loan cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này, nhằm gây áp lực với bà Thái và tiếp cận 7 đồng minh ngoại giao của Đài Loan.

Đỉnh điểm là vào tháng 9, gần 40 chiến đấu cơ Trung Quốc đã vượt qua "đường trung tuyến" phân cách 2 bờ eo biển Đài Loan, buộc lực lượng phòng không của hòn đảo phải đưa chiến đấu cơ ngăn chặn.

Bà Thái nói: "Chúng tôi cam kết duy trì sự ổn định xuyên eo biển nhưng đây không phải là điều mà Đài Loan có thể đảm nhiệm một mình mà là trách nhiệm chung của 2 bên".

Tuy lời lẽ mềm mỏng hơn nhưng nhà lãnh đạo Đài Loan hứa sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo khi đối mặt với áp lực gia tăng từ Bắc Kinh.

"Sự chuẩn bị đầy đủ, dựa vào quyết tâm và sức mạnh của khả năng phòng thủ vững chắc là cách duy nhất đảm bảo an ninh của Đài Loan và duy trì hòa bình khu vực.

Việc quấy rối bằng hoạt động trên không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa 2 bờ eo biển Đài Loan. Để tránh xung đột tiềm ẩn do tính toán sai lầm hoặc vô tình, chúng tôi sẽ giải quyết các mối đe dọa tới hòa bình và ổn định khu vực bằng cách duy trì nguyên tắc cân bằng: không sợ chiến tranh nhưng cũng không hiếu chiến", bà Thái tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Đài Loan cũng viện dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ phát triển theo hướng bá quyền hoặc tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng. Bà Thái hy vọng rằng đây sẽ là "sự khởi đầu của thay đổi thực sự từ Trung Quốc".

"Vào thời điểm quan trọng này, khi cả thế giới quan ngại nghiêm trọng về các diễn biến ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khu vực xuyên eo biển Đài Loan, nếu Bắc Kinh có thể để ý đến tiếng nói của Đài Loan, thay đổi cách họ xử lý các mối quan hệ xuyên eo biển và cùng nhau tạo điều kiện hòa giải cũng như đối thoại hòa bình, tôi tin căng thẳng khu vực chắc chắn được giải quyết", bà Thái nói.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng khó có khả năng Bắc Kinh chấp nhận lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Đài Loan vì bà Thái Anh Văn không đề cập tới nguyên tắc "Một Trung Quốc" mà Bắc Kinh khẳng định phải là cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa đôi bên.

"Bà Thái hy vọng tặng 'một cành ô liu' cho Bắc Kinh bằng cách đề nghị đối thoại có kết quả với Trung Quốc đại lục, nhưng các điều kiện mà nhà lãnh đạo này đưa ra - bao gồm cả việc đại lục sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn, cải thiện quan hệ 2 bờ eo biển, duy trì bình đẳng, lòng tự trọng - sẽ khiến Bắc Kinh khó chấp nhận 'cành ô liu' đó", Wang Kung-yi, chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu chiến lược quốc tế Đài Loan, nhận định.

"Những gì Bắc Kinh muốn là được nghe bà ấy nói sẵn sàng chấp nhận nguyên tắc Một Trung Quốc", ông Wang nói thêm.

Tso Chen-dong, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Đài Loan, cho rằng tuyên bố của bà Thái không phù hợp với lời kêu gọi đối thoại xuyên eo biển, viện dẫn những cảnh báo gần đây với người Đài Loan tham dự Diễn đàn eo biển Đài Loan được tổ chức ở Trung Quốc đại lục có thể bị ngồi tù.

Sự kiện được tổ chức tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc bắt đầu từ năm 2009 cho đến nay. Tháng 9 vừa qua, giới chức Đài Loan cảnh báo những người dân trên đảo nếu tham gia sự kiện này có thể vi phạm luật an ninh của hòn đảo và bị phạt tù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại