Triết lý bóng đá Guus Hiddink và thế khó của ông Park

V.P |

HLV Park Hang Seo muốn làm mới cả lực lượng cũng như lối chơi của đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Nhưng nếu nhìn vào triết lý bóng đá của nhà cầm quân Hàn Quốc cũng như tình hình hiện tại, đây là mục tiêu không dễ đạt.

Theo HLV Park Hang Seo, lối chơi của tuyển Việt Nam đã bị các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á “bắt bài”, đặt ra yêu cầu buộc phải thay đổi. Ông cũng muốn tìm kiếm thêm nhân tố mới, “cài” vào đội tuyển Việt Nam để kích thích khát khao chiến đấu cho những cầu thủ đã no nê danh hiệu trong hơn 2 năm qua.

Ông Park đến Việt Nam một cách đầy bất ngờ, sau khi VFF chia tay HLV Nguyễn Hữu Thắng vì thất bại ở SEA Games 2017 (Malaysia). Quá trình đàm phán nhanh gọn đến mức khiến nhiều người trong giới phải bất ngờ. Hậu trường của nó là một câu chuyện dài, nhưng có một điều chắc chắn, HLV Park Hang Seo khi đó không quá nổi tiếng.

Ông Park không thực sự tên tuổi ở Hàn Quốc dù đã kinh qua một số đội bóng, và điểm nhấn khiến người ta nhắc đến ông nhiều nhất khi đó chỉ là giai đoạn làm trợ lý cho HLV lừng danh Hà Lan, Guus Hiddink. Trên thực tế, ông Chung Hae Seong, người được bầu Đức đưa về HAGL cũng thời điểm năm 2017, mới là trợ lý số 1 của ông Hiddink. HLV Park Hang Seo chỉ đứng thứ 2, nhưng cũng được cho là đã kế thừa triết lý bóng đá của nhà cầm quân Hà Lan.

Chia sẻ trong một chương trình truyền hình khi đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam, ông Park cho biết, HLV Guus Hiddink nói với ông rất nhiều điều, trong đó câu nói ông ấn tượng nhất là: “Khi làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia, đừng cố gắng để đào tạo cầu thủ nào đó thành ngôi sao vì thời gian không bao giờ cho phép. Hãy cố gắng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đang có”. Nếu nhìn lại hơn 2 năm dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam vừa qua của ông Park Hang Seo, có thể thấy ông rất thấm nhuần quan điểm này.

Không thể phủ nhận tài năng của ông Park, nhưng giới chuyên gia bóng đá cũng tin rằng, nhà cầm quân Hàn Quốc may mắn khi sở hữu lứa cầu thủ tài năng và đang độ chín của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Lương Xuân Trường, Quang Hải, Duy Mạnh… Bằng năng lực của mình, HLV Park Hang Seo đã khai thác tối đa năng lực của những cầu thủ này để có thể đưa bóng đá Việt Nam liên tiếp đạt nhiều thành công, bắt đầu từ VCK U23 châu Á 2018 trên đất Thường Châu, Trung Quốc tới AFF Cup 2018, rồi Asian Cup 2019.

Nhưng cũng trong từng đấy thời gian, lần lượt lứa cầu thủ Thường Châu năm nào bắt đầu rơi rụng vì chấn thương hoặc các lý do khác. Có thời điểm, đội hình chính của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 chỉ còn sót lại vài cái tên. Bởi một loạt cầu thủ phải nghỉ thi đấu dài hạn. HLV Park Hang Seo có xu hướng hầu như chỉ dùng một bộ khung cố định và điều này khiến cho nhiều cầu thủ trở nên quá tải. Trong từng ấy thời gian, ông cũng ít giới thiệu được gương mặt nào mới. Nhiều cầu thủ dù đạt phong độ rất tốt tại V-League nhưng đều không trụ lại được đội tuyển Việt Nam với lý do không thích hợp yêu cầu chiến thuật.

Điều này có vẻ như tiếp tục lặp lại khi mới đây trong danh sách tập trung tuyển Việt Nam (đã bị huỷ do lùi Vòng loại thứ 2 World Cup 2022), các gương mặt mới khá ít và không thực sự có tiềm năng dù số cầu thủ được gọi lên tới 36 người. Thế nên, sẽ không bất ngờ nếu phía trước, tuyển Việt Nam sẽ vẫn giữ nguyên “chất” cũ, cả về lối chơi cũng như con người.

Ngay cả mục tiêu cải thiện thể lực cho các cầu thủ của ông Park Hang Seo cũng có thể gặp khó khăn bởi V-League và các giải chuyên nghiệp liên tục bị hoãn do dịch COVID - 19. Trong tình cảnh đó, duy trì phong độ, thể lực cho các cầu thủ đã là yêu cầu khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại