Mỹ rút 12.000 quân khỏi Đức: Tổng thống Trump "trừng phạt" bà Merkel, "trao quà" cho ông Putin?

Mạnh Kiên |

Tổng thống Trump chỉ đơn giản muốn “trừng phạt” Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông có mối quan hệ lạnh nhạt. Ở khía cạnh nào đó, điều này đã vô tình mang đến lợi ích cho Tổng thống Putin.

Quyết định trừng phạt đồng minh?

Quyết định rút gần 12.000 lính Mỹ khỏi Đức của Tổng thống Donald Trump đã gây ra sự bất bình từ phía đảng Cộng hòa, Dân chủ và nhiều cựu quan chức quân sự cấp cao, cho rằng hành động này sẽ có lợi cho Nga, làm suy yếu an ninh quốc gia và gây hại cho quan hệ với Đức, NATO và châu Âu.

Theo CNN, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney mô tả động thái của ông Trump là "một món quà cho Nga" và "một cái tát vào mặt một người bạn và đồng minh". Ông Romney nói thêm rằng "hậu quả sẽ kéo dài và có hại cho lợi ích của Mỹ".

Cựu Đô đốc Hải quân Mỹ Jim Stravidis, cựu chỉ huy quân sự hàng đầu ở châu Âu và NATO cũng gọi quyết định "đột ngột rút 12.500 quân ra khỏi Đức làm tổn thương sự đoàn kết của NATO nói chung và là một món quà cho Tổng thống Nga Vladimir Putin".

Các nhà phân tích cho biết, quyết định rút quân đội khỏi Đức sẽ khiến cho Mỹ đánh mất một vị trí trung tâm quân sự chiến lược, với mạng lưới vận chuyển và hậu cần tinh vi, tăng tốc độ di chuyển của quân đội và thiết bị ở châu Âu và cho phép đối trọng mạnh mẽ với Nga.

Đồng thời, giảm sự hiện diện ở Đức có thể lãng phí hàng tỷ USD tiền nâng cấp các cơ sở quân sự của Mỹ trong quá khứ và yêu cầu chi thêm hàng tỷ USD để tái tạo các tài nguyên đó ở nơi khác.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích quân sự cũng nói rằng việc thay thế quân đội thường trực bằng lực lượng luân chuyển có thể khiến hoạt động huấn luyện với các nước sở tại trở nên khó khăn hơn và tạo ra các vấn đề về tinh thần.

Lý giải cho động thái này, các nhà phân tích cho rằng ông Trump chỉ đơn giản muốn "trừng phạt" Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông có mối quan hệ lạnh nhạt và từng có các cuộc điện đàm gây tranh cãi gần đây. Ở khía cạnh nào đó, điều này đã vô tình mang đến lợi ích cho Tổng thống Putin.

Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ

Jeff Rathke, chủ tịch Viện Nghiên cứu Đức đương đại tại Đại học Johns Hopkins, gọi Đức là "nơi tốt nhất mà quân đội Mỹ có thể hoạt động". Mạng lưới hậu cần của Đức được đánh giá rất hiện đại, cho phép Mỹ truy cập sân bay, căn cứ, mạng lưới đường sắt để vận chuyển quân lực.

Mỹ rút 12.000 quân khỏi Đức: Tổng thống Trump trừng phạt bà Merkel, trao quà cho ông Putin? - Ảnh 2.

Quyết định của ông Trump có thể để "trừng phạt" bà Merkel.

"Đức cũng là một địa điểm trung tâm mà Mỹ có di chuyển đi bất cứ đâu", Rathke nói thêm. "Bạn không thể tìm thấy điều đó ở những nơi khác. Chúng không tồn tại ở Ba Lan hoặc xa hơn về phía Đông".

Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez lưu ý trong một tuyên bố rằng, Đức không chỉ cho phép "một nỗ lực hiện diện tăng cường ở Đông Âu để chống lại Nga ", mà còn "vì lợi ích an ninh của Mỹ trên khắp Trung Đông và Châu Phi".

"Nền tảng đó không dễ dàng được nhân rộng ở nơi khác", Menendez nói.

Ngoài ra còn có câu hỏi về việc quyết định rút quân sẽ khiến người nộp thuế ở Mỹ phải trả bao nhiêu vào thời điểm thâm hụt ngân sách đất nước tăng cao. Động thái quân sự của ông Trump được đánh giá có khả năng tiêu tốn "vài tỷ đô la".

"Lầu Năm Góc sẽ lãng phí hàng tỷ USD tiền nâng cấp và củng cố các địa điểm quân sự quan trọng của Mỹ ở Đức trong giai đoạn năm 2004 đến 2011", cựu tổng chỉ huy của Quân đội Mỹ ở Châu Âu, Trung tướng Mark Hertling nói.

Trong khi đó, chuyên gia Rathke cũng chỉ ra những chi phí mới phải tính đến. "Nếu bạn đưa quân trở về từ Đức, bạn cần phải tính toán những cơ sở mới cho họ và dự trù ngân sách", ông nói.

Agedit Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của Tổ chức Tình báo Kinh tế, cho biết động thái này là một phần trong bức tranh tan rã của mối quan hệ Mỹ-Đức, "một phần là do sự thù hằn lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo chính trị của hai nước".

Cả hai nhà lãnh đạo Merkel và Trump có những mâu thuẫn và đã thất bại trong việc xây dựng mối quan hệ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2016. Chính động thái rút quân của Tổng thống Trump cũng bị người Đức phản đối gần đây.

"Khi rút 12.000 binh sĩ khỏi Đức, Mỹ đạt được điều hoàn toàn ngược lại với những gì Lầu Năm Góc vạch ra", người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, Norbert Roettgen phát biểu hôm 29/7.

"Thay vì tăng cường sức mạnh NATO, điều đó sẽ làm suy yếu liên minh". Roettgen nói. "Ảnh hưởng quân sự của Mỹ sẽ không tăng, nhưng sẽ giảm khả năng đối địch trong mối quan hệ với Nga cũng như ở khu vực Cận Đông và Trung Đông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại