Nga chơi dao hai lưỡi khi bán vũ khí tối tân cho Trung Quốc

Anh Tú |

Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc nhưng Trung Quốc không phải là bạn hàng đáng tin cậy vì có thói quen táy máy, sao chép công nghệ. Vậy sao Nga biết gian mà vẫn chơi?

Trên thực tế, Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trang bị mới cho các lực lượng vũ trang của Trung Quốc.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc là nước mua vũ khí lớn nhất của Nga từ năm 1999 đến 2006, chính xác là Trung Quốc chiếm tới 60% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga trong năm 2005. Tuy nhiên, những năm sau đó, doanh số bán vũ khí của Nga cho Trung Quốc đã giảm đáng kể. Vào năm 2012, con số chỉ là 8,7%.

Nguyên nhân chính cho sự suy giảm nhanh chóng này là sự lo lắng ngày càng tăng của Nga đối với kỹ thuật sao chép của Trung Quốc.

Ví dụ, trong những năm 1990, Moscow đã bán cho Bắc Kinh một số máy bay chiến đấu Su-27 và sau đó thậm chí còn cấp cho Trung Quốc giấy phép lắp ráp chúng trong nước. Trung Quốc sau đó đã hủy hợp đồng và sử dụng kiến ​​thức kỹ thuật mà họ có được từ việc chế tạo Su-27 để chế tạo máy bay chiến đấu J-11, một bản sao gần như chính xác của máy bay Nga.

Thương mại vũ khí giữa Nga và Trung Quốc đã hồi phục phần nào trong những năm gần đây. Moscow đã hứa một thỏa thuận vào năm 2015 để cung cấp cho Bắc Kinh hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35, đó là những vũ khí tối tân nhất của Nga thời điểm ấy. Nga cũng quan tâm đến việc bán Trung Quốc Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Moscow không ảo tưởng về kỹ thuật sao chép của Trung Quốc đối với vũ khí Nga trong tương lai. Vadim Kozyulin, giám đốc Dự án An ninh châu Á tại Trung tâm Pir có trụ sở tại Moscow, đã thừa nhận khi Nga thỏa thuận với Trung Quốc, Nga luôn ghi nhớ rằng Trung Quốc sẽ tìm cách sao chép vũ khí của Nga.

Người Nga hiểu được mối đe dọa này và cũng không có nhiều cách thức bảo mật công nghệ. Vậy sao, người Nga lại quyết bán vũ khí tối tân nhất cho Trung Quốc?

Theo ông Alexander Lukin, một học giả Trung Quốc tại Trường Đại học Kinh tế, sự khủng hoảng chính trị với phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 đã khiến Điện Kremlin sẵn sàng chấp nhận một số mạo hiểm để hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

“Dựa trên các hành động của chính phủ Nga, Kremlin không có lựa chọn nào khác ngoài việc gần gũi Trung Quốc hơn”, ông Lukin phân tích.

Đồng thời, các nhà phân tích Nga cũng tự tin về khả năng duy trì lợi thế sáng tạo trong công nghệ quân sự.

Chuyên gia Yuri Tavrovsky, giáo sư tại Đại học Hữu nghị nhân dân Nga nói rằng kỹ thuật sao chép của Trung Quốc bây giờ ít khiến Nga lo lắng hơn so với những năm 1990 bởi vì không giống như thời điểm đó, các ngành công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu quân sự của Nga ngày nay đã nhận được đủ nguồn lực từ chính phủ.

Đủ nguồn lực tức là họ đủ sức đầu tư nghiên cứu và luôn luôn hiện đại hoá thay vì bị đóng khung thiết kế như trước đây.

Ông Tavrovsky giải thích rằng khu liên hợp công nghiệp-quân sự của Nga hiện nay cảm thấy khá tự tin khi bán vũ khí và công nghệ quân sự tiên tiến cho Trung Quốc. Người Nga tin rằng vũ khí mới của họ luôn đi trước so với các sản phẩm bán cho Trung Quốc và các nước khác.

Viktor Murakhovksy, chủ ấn phẩm Arsenal của tạp chí Tổ quốc cũng có kỳ vọng tương tự rằng ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ vẫn ưu việt hơn rất nhiều với Trung Quốc.

“Khi người ta nói Trung Quốc là một đất nước khổng lồ, với dân số khổng lồ, một nền kinh tế hùng mạnh, với lực lượng quân đội ngày càng hùng mạnh thì tất cả đều đúng. Nhưng để cảm thấy rằng nước Nga thật nhỏ bé và khốn khổ khi đứng cạnh họ, cầu xin họ bán cho chúng tôi một số công nghệ quân sự, thì điều đó rất phi lý”, Murakhovsky phân tích.

Murakhovsky nói thêm: “Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Nga trong việc phát triển các hệ thống quân sự quan trọng.

Nước Nga có một khả năng kỹ thuật quân sự đáng gờm, nó được hiện đại hoá liên tục và chúng tôi nhìn về tương lai với sự tự tin.

Tuy vậy, các chuyên gia Nga được phỏng vấn cũng thừa nhận rằng Bắc Kinh đã vượt qua Moscow ở một số lĩnh vực nhất định.

Một số ví dụ được nêu ra bao gồm phát triển ứng dụng quân sự dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, đóng tàu, chế tạo máy bay không người lái và phóng tên lửa đạn đạo chống hạm.

“Trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể là người bán vũ khí cho Nga”. Murakhovsky nghĩ rằng việc mua một số loại vũ khí từ Trung Quốc, sẽ rất có lợi cho cả hai nước. Đặc biệt, ông hoan nghênh viễn cảnh Nga mua máy bay không người lái hoặc tàu Trung Quốc.

“Trung Quốc có một ngành công nghiệp đóng tàu rất mạnh. Họ chế tạo tàu khu trục như nướng bánh trong lò, sản xuất đều đặn mỗi năm và đưa chúng ra biển. Bạn hoàn toàn có thể đặt vỏ tàu từ Trung Quốc bởi vì từ kinh nghiệm đóng tàu của Nga cho thấy chúng tôi đóng rất chậm”, Murakhovsky thú nhận.

Do đó, Nga - người hàng xóm phía bắc của Trung Quốc đang cố gắng quan sát sự phát triển của Bắc Kinh.

Trong khi Nga cảnh giác sức mạnh quân sự mới của Trung Quốc và khả năng sao chép công nghệ quân sự thì mặt khác, điện Krelin vẫn vun đắp việc hình thành một mặt trận thống nhất với Bắc Kinh để tạo đối trọng với phương Tây. Chỉ còn một hoài nghi: Nga có thể theo cách này lâu dài?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại