Chuyển giao xong S-300, Nga sẽ đánh lùi Mỹ để ở lại Syria "vĩnh viễn"?

Quốc Vinh |

Nga sẽ không rời bỏ Syria sau khi cuộc chiến kết thúc mà sử dụng nơi đây như một nền tảng tăng cường sức mạnh quân sự và củng cố quyền lực toàn cầu.

Syria là "trái tim" chiến lược của Nga trong tương lai

Nga sẽ sử dụng Syria để làm nền tảng huấn luyện quân sự trong nhiều năm tới như một phần trong mục tiêu củng cố vị thế quyền lực toàn cầu của Tổng thống Vladimir Putin, tờ The National dẫn phân tích mới được công bố hôm 14/10.

Lý do chính trị của Moscow liên quan đến Syria là thu thập ảnh hưởng và uy tín tại một trong những khu vực tranh chấp địa chính trị lớn nhất giữa các cường quốc, một bài viết khác từ viện nghiên cứu Royal United Services (Rusi) ở London, nhận định.

Trước đó, ông Putin tuyên bố Nga sẽ gửi lực lượng mặt đất tới Syria vào năm 2015 để ủng hộ đồng minh dài hạn Bashar Al Assad.

Nga viện dẫn hành động của mình là để nỗ lực ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố nhưng sự can thiệp này đã góp phần làm tăng thêm căng thẳng với Mỹ và các đồng minh phương Tây - những quốc gia đang muốn gây dựng chỗ đứng vững chắc ở quốc gia Trung Đông.

Chuyển giao xong S-300, Nga sẽ đánh lùi Mỹ để ở lại Syria vĩnh viễn? - Ảnh 1.

Tổng thống Putin có chiến lược dài hạn ở Syria.

Hiện tại, cả Nga và Iran đang tìm cách hỗ trợ quân sự cho chính quyền Damascus nhằm định hình tương lai của đất nước sau khi giành chiến thắng trước phe đối lập.

"Nhà nước Syria đã có sự kết nối sâu sắc với Iran và Nga", các nhà nghiên cứu quốc tế thuộc Chatham House nhận định. "Nga cũng tìm cách xây dựng quan hệ vững bền với chính quyền Syria để đảm bảo sự hợp tác lâu dài với Moscow".

Chiến lược quân sự của Nga bằng cách sử dụng sức mạnh không quân và các đội đặc nhiệm nhỏ lẻ đã tỏ ra hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu mà không gây ra quá nhiều thương vong – điều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân của ông Putin, theo học giả Rod Thornton từ King’s College London.

Giới phân tích cũng đánh giá, cuộc chiến ở Syria đã cho phép quân đội Nga tích lũy được kinh nghiệm quân sự có giá trị và cho phép Moscow nắm giữ một số quan hệ ngoại giao đáng kể trong khu vực. Cùng với đó, Nga đã khéo léo trong việc cân bằng các mối quan hệ nhạy cảm với các quyền lực khác như Saudi Arabia và Iran.

Moscow cũng gây dựng được lực lượng hải quân ở Đông Địa Trung Hải, thế chỗ trống của NATO để lại khi Washington chuyển hướng sang châu Á.

Nga đang nâng cấp căn cứ hải quân của mình tại Tartus, trên bờ biển phía Tây Syria, cho phép nhiều tàu cập bến hơn sau khi đã gia hạn thuê thêm 49 năm cơ sở này.

"Thỏa thuận đó chỉ ra rằng Moscow sẽ tìm cách duy trì lâu dài sự hiện diện của mình trong tương lai, mang đến cam kết quân sự không chỉ đối với Syria mà còn đối với khu vực Đông Địa Trung Hải rộng lớn", học giả Thornton nêu quan điểm.

"Bản thân Tổng thống Putin đã làm rõ đó sẽ là cam kết dài hạn", ông nói thêm. "Và bởi vì chắc chắn Nga sẽ tiếp tục gặp phải những xung đột cấp thấp trong khu vực, Syria sẽ tiếp tục cung cấp một nền tảng hữu ích cho thiết bị quân sự Nga và cơ hội huấn luyện chiến đấu quan trọng cho các quân nhân".

Nga muốn tránh đụng độ quân sự với Mỹ

Chuyển giao xong S-300, Nga sẽ đánh lùi Mỹ để ở lại Syria vĩnh viễn? - Ảnh 2.

Nga muốn đối thoại với Mỹ về vấn đề S-300.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 13/10 thông báo nước này đang giữ liên lạc với các quan chức Mỹ về vấn đề Syria, nhằm tránh bất kỳ "cuộc đụng độ quân sự ngẫu nhiên" giữa hai bên.

Người đứng đầu vụ Bắc Mỹ của bộ Ngoại giao Nga Gruzia Borisenko hy vọng tình hình mới ở Syria sẽ không làm leo thang căng thẳng với Washington. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn không chủ ý giữa quân đội Nga và Mỹ hoạt động tại Syria.

Borisenko cho biết, cơ chế hiện tại nhằm tránh xung đột như vậy đang hoạt động hiệu quả thông qua các kênh quân sự. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng xảy ra trục trặc trong hệ thống, nói rằng việc duy trì các kênh liên lạc là không dễ dàng dù hai bên đã làm tốt trong 3 năm qua.

Phát biểu của ông Borisenko là một nỗ lực nhằm ngăn chặn những hậu quả có thể nảy sinh sau việc giao hàng hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Moscow cho Syria tuần trước. Washington đã cảnh báo rằng một bước đi như vậy sẽ làm leo thang căng thẳng ở quốc gia Trung Đông.

Về phần mình, Israel cũng bày tỏ lo ngại về hệ thống mới. Tuy nhiên, các quan chức Israel cho biết hệ thống này có thể bị đánh bại bởi tiêm kích tàng hình mà Israel sở hữu, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Iran tại Syria.

Một phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga cho biết hôm 12/10 rằng hệ thống mới sẽ làm giảm bớt căng thẳng và tăng cường sự ổn định ở Syria.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã lên kế hoạch thăm Nga, nơi ông dự kiến ​​sẽ có cuộc hội đàm với người đứng đầu Hội đồng Bảo an Nikolai Patrushev.

Hệ thống S-300 sẽ là chủ đề chính có mặt trong nghị sự cùng với các vấn đề khác. Nga cũng không loại trừ khả năng ông Bolton có thể đàm phán với Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại