Bão bất thường tấn công miền Trung: Nhiều “bom” nước có thể vỡ

Phạm Anh |

Bão số 2 đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đêm qua, rạng sáng nay (17/7) với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Cơn bão có yếu tố bất thường này gây mưa lớn ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, tạo ra nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở, ngập úng và mất an toàn hồ đập, do thời gian qua mưa nhiều, đã "no" nước.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, khoảng đêm qua, rạng sáng nay, bão số 2 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, trong đó, tâm bão là vùng Nghệ An.

Bão bất thường

Thời điểm khoảng 4 giờ sáng nay (17/7), bão nằm trên đất liền các tỉnh nói trên, với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. 

Sau đó, bão tiếp tục di chuyển hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 20 km/h, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực Trung Lào.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, bão số 2 kèm theo lốc xoáy và dông sét cục bộ, gió giật mạnh ở khu vực chịu ảnh hưởng bão, gây mưa to, sóng lớn 3-5m ở trên biển.

 Khi bão cập bờ có khả năng gây ảnh hưởng lớn vì kèm theo mưa lớn 100-200 mm tại các tỉnh nằm trong tâm bão, mưa sẽ kéo dài từ hôm nay đến hết ngày 18/7.

Theo dự báo, từ 16 - 18/7, miền Bắc và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to. Cụ thể, lượng vùng Thanh Hóa, Nghệ An tới 250-350mm; các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Hà Tĩnh 150-250mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200mm; các khu vực khác của Bắc bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên- Huế 50-150mm.

Từ 17-20/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng với biên độ lũ từ 2-3m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên 4-6m.

"Với tần suất mưa như thế nguy cơ lũ quét sạt lở đất xảy ra ở vùng Thanh Hóa, Hà Tĩnh, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, trong khi các tỉnh này đã có mưa trong nhiều ngày qua, đất đã no nước là rất cao"- ông Cường nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cơn bão số 2 có yếu tố bất thường, là không đúng với thời vụ.

Lý giải điều này, ông Hải cho hay, bão thường phân bố từ tháng 5 đến tháng 11 và theo thống kê là dịch dần về phía Nam. Thường bão trong tháng 5-6 khi vào biển Đông sẽ di chuyển hướng về phía Bắc, đi vào vùng Quảng Đông-Hồng Kông (Trung Quốc).

Đến tháng 6-7, bão thường vào khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa; khoảng tháng 8-10 bão vào miền Trung và đến tháng 11 là Nam Trung bộ và Nam bộ. Như vậy, bão số 2 đã đi dịch về phía Nam, sớm hơn mùa vụ của bão.

Theo ông Hải, những cơn bão hình thành trên biển Đông, gần với đất liền, về hướng đi, cường độ thường phức tạp hơn nhiều cơn bão hình thành từ Philippines. Ngoài ra, tháng 7 thường là tháng ít mưa ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, nhưng cơn bão này có thể mang lại một lượng mưa đáng kể.

Ông Hải cho rằng: "Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nên hiện nay mưa bão cũng không còn thời vụ như trước nữa. 

Chẳng hạn, năm 1996, có cơn bão thời điểm tháng 5 nhưng lại đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng. Còn cơn siêu bão Hải Yến tháng 11/2013 vào miền Trung, nhưng sau đó lại quay đầu, chạy dọc bờ biển lên đến Quảng Ninh. Đó là những biến động về khí hậu, và cơn bão này nó cũng nằm trong xu hướng đó".

Mưa lớn đe dọa hồ đập

Tại cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão hôm qua, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu địa phương vùng bị ảnh hưởng của bão, đặc biệt là ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh phải chủ động cấm biển, hướng dẫn tàu thuyền trú tránh, sơ tán dân… và các phương án phải xong trước 17 giờ cùng ngày.

Tuy nhiên, điều khiến các địa phương lo ngại, là mưa lớn theo bão sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống hồ đập trong khi ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có nhiều hồ đập thủy lợi nhỏ, chủ yếu đập đất đã "cao tuổi", và "no" nước do mưa nhiều thời gian qua.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 250 đập lớn nhỏ, có một số hồ đã tích nước trên 90%, đây là năm có trữ lượng nước cao nhất trong 10 năm qua. 

Còn 8 hồ đập đang thi công nên nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao nếu mưa lớn 200-300mm có thể mất an toàn.

Tại Thanh Hóa, hơn một tuần qua liên tục có mưa từ 100-200mm, mưa lớn gây ngập úng cục bộ. Do vậy, nếu mưa lớn sau bão số 2 khả năng ngập úng diện rộng rất cao. Thanh Hóa cũng có trên 120/610 hồ không đảm bảo an toàn nếu mưa lớn.

Ngoài ra, theo Vụ Quản lý Đê điều (Tổng cục Thủy lợi), trong khu vực ảnh hưởng của bão số 2 có 27 điểm xung yếu trên các tuyến đê biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình); 21 công trình đang thi công (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đặc biệt lo ngại về tình hình hồ chứa. Chỉ tính riêng 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh có hơn 1.350 hồ lớn nhỏ, trong đó nhiều hồ có nguy cơ cao khi có mưa lớn. 

"Phải sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh"- ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng yêu cầu, các địa phương cần cảnh báo và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều hạ du các hồ chứa khi có lệnh xả lũ, nhất là khu vực hạ lưu thủy điện Hòa Bình sau nhiều năm chưa vận hành xả lũ.

 Trường hợp có mưa lớn, đập Hoà Bình cũng sẽ có lệnh xả van, khi đó nước sông Hồng sẽ dâng cao, nguy cơ với nhiều điểm đê xung yếu, nên phải tăng giám sát, đảm bảo an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại