Kinh nghiệm bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Thượng tá Ths PHẠM ANH TUẤN, Viện LSQS Việt Nam |

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng giúp thế và lực của ta lớn mạnh, áp đảo quân địch. Vì vậy, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên Hồ Chí Minh, với tư tưởng chỉ đạo là: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Nhiệm vụ và yêu cầu tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) cho chiến dịch rất nặng nề vì đây là chiến dịch quy mô lớn chưa từng có, hiệp đồng nhiều quân binh chủng, gồm 15 sư đoàn bộ binh (của 4 quân đoàn và Đoàn 232) và nhiều binh chủng kỹ thuật tham gia. Yêu cầu triển khai TTLL rất gấp, địa hình chưa được nghiên cứu trước, các đơn vị thông tin của Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 vừa được hình thành.

Trước tình hình đó, Binh chủng TTLL đã kịp thời chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cần thiết:

Về thông tin vô tuyến điện, khẩn trương củng cố vững chắc hệ thống TTLL cấp chiến lược, bố trí một số máy phát vô tuyến điện công suất lớn bên cạnh Sở chỉ huy cơ bản của Bộ để tăng tính vững chắc; huy động chuyển gấp một khối lượng lớn trang bị kỹ thuật thông tin vào chiến trường miền Nam (tổng cộng 52 tấn, trong đó có gần 100 máy vô tuyến điện); điều động lực lượng dự bị vô tuyến điện vào chiến trường để tổ chức bảo đảm liên lạc từ Bộ đến Sở chỉ huy chiến dịch, đến các hướng chiến dịch và một số tỉnh, thành phố mới giải phóng.

Lực lượng thông tin trực thuộc tham gia phục vụ chiến dịch là 11 tiểu đoàn (trong đó có 3 tiểu đoàn vô tuyến điện), đây là lực lượng lớn nhất của các đơn vị thông tin trực thuộc được huy động để phục vụ chiến dịch lịch sử này.

Nhiệm vụ TTLL trong chiến dịch là tổ chức, bảo đảm cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy 5 cánh quân chủ lực (4 quân đoàn và Đoàn 232), các đơn vị binh chủng kỹ thuật, các lực lượng vũ trang tại chỗ tiến công 5 mục tiêu quan trọng của địch (Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát và Dinh Độc Lập); ngoài ra còn bảo đảm cho chỉ huy vượt cấp đến các Sư đoàn thọc sâu (320, 304, 10, 7, 9), Lữ đoàn tăng 203, các cụm pháo chiến dịch, các đơn vị cao xạ, tên lửa phòng không trên hướng chủ yếu của chiến dịch và bảo đảm hiệp đồng tác chiến với các Quân khu (8, 9).

Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch (từ cuối tháng 3 đến ngày 20-4), đã tập trung tổ chức, bảo đảm TTLL thông suốt đến các đơn vị bằng vô tuyến điện sóng ngắn, sóng cực ngắn và thông tin hữu tuyến điện, thông tin quân bưu.

Đến 16 giờ ngày 16-4, toàn bộ hệ thống TTLL phục vụ chiến dịch đã thông suốt, vượt trước thời gian quy định. 11 giờ ngày 24-4, Đại đội 5 vô tuyến điện thuộc Tiểu đoàn 77 tổng trạm thông tin của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đã chuyển kịp thời mệnh lệnh tiến công Sài Gòn của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đến Bộ Tư lệnh chiến dịch (Đại đội 5 cũng là đơn vị vô tuyến điện được vinh dự chuyển các công điện có ý nghĩa lịch sử trong toàn bộ chiến dịch).

Ngày 28-4, thông tin vô tuyến điện của Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng Phòng không - Không quân đã bảo đảm tốt thông tin dẫn đường cho Biên đội máy bay A37 của Nguyễn Thành Trung xuất kích, ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất và trở về căn cứ an toàn.

Đêm 28-4, thông tin từ Sở chỉ huy chiến dịch kịp thời chuyển lệnh tổng công kích của Bộ Tư lệnh chiến dịch đến toàn mặt trận.

Sáng 29-4, các cánh quân đồng loạt tiến công vào các mục tiêu cuối cùng. 10 giờ 30 phút ngày 30-4, cụm đài vô tuyến điện sóng ngắn từ tổng trạm của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc kịp thời chuyển đến Bộ Tư lệnh chiến dịch bức điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị bắt Dương Văn Minh - Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng không điều kiện.

Cũng qua đường trục thông tin quân sự, Bộ Tư lệnh chiến dịch báo cáo về Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã hoàn thành và nhận lời khen ngợi của Bộ Chính trị chuyển đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang về chiến công chói lọi trong chiến dịch mang tên Bác, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đánh giá công tác TTLL trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tại Hội nghị tổng kết, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nhận xét: "Thông tin liên lạc đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch".

Công tác tổ chức và bảo đảm TTLL chiến dịch đã có sự phát triển mới, không chỉ về sử dụng lực lượng lớn nhất từ trước đến thời điểm đó mà cả về trình độ tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy của Cơ quan thông tin chiến dịch. Đã chủ động nắm được ý định tác chiến và tổ chức chỉ huy, đội hình, thời gian chuẩn bị chiến dịch,… tạo nhiều thuận lợi cho công tác chuẩn bị TTLL.

Trước khi bước vào chiến dịch, đã thống nhất được kế hoạch TTLL, kịp thời chỉ đạo sử dụng tốt các phương tiện thông tin vô tuyến điện sóng ngắn, sóng cực ngắn và các phương tiện thông tin khác.

Kinh nghiệm bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Xe tăng quân Giải phóng trong Ngày chiến thắng. Ảnh tư liệu.

Chỉ trong thời gian ngắn đã tăng cường một khối lượng lớn trang bị, khí tài thông tin và số lượng lớn máy vô tuyến điện vào chiến trường, tạo thuận lợi cho xây dựng hệ thống TTLL ở các khu vực tác chiến và bổ sung tiêu hao trong thực hành chiến dịch.

Công tác chỉ đạo tiếp quản các cơ sở TTLL, các trung tâm thông tin, các kho thông tin của địch được tiến hành chặt chẽ.

Vai trò, tác dụng của thông tin vô tuyến điện được phát huy tương đối tốt trên các hướng tác chiến chiến dịch. Đã bảo đảm liên lạc luôn thông suốt, liên tục, chuyển nhận kịp thời các mệnh lệnh, chỉ thị của trên và báo cáo của các đơn vị với cấp trên.

Chỉ tính riêng tại Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đã chuyển nhận 40.959 công điện, có 633 điện tối khẳn, 139 điện đặc biệt và 2.113 điện tối khẩn dịch ngay (trong tháng 4-975, cứ 80 giây có 1 công điện được chuyển nhận qua trung tâm vô tuyến điện của tổng trạm).

Nhiều đơn vị như: Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, Đoàn 232, lực lượng pháo binh, đặc công đã tổ chức, sử dụng tốt thông tin vô tuyến điện cùng với các phương tiện thông tin khác phục vụ cho chỉ huy tác chiến thắng lợi, nhất là khi hành quân, cơ động lực lượng.

Việc tổ chức liên lạc vượt cấp bằng vô tuyến điện sóng ngắn từ Bộ Quốc phòng đến các quân đoàn, sư đoàn, từ sở chỉ huy chiến dịch đến các trung đoàn bộ binh trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến đã góp phần bảo đảm cho chỉ huy không bị gián đoạn, ngay cả trong tình huống các đơn vị này mất liên lạc tạm thời với Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Vô tuyến điện sóng cực ngắn được sử dụng rộng rãi ở các cấp từ Sở chỉ huy chiến dịch, Quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, bằng nhiều loại máy (P-105, P-108, P-109, P-114, PRC-25), đã góp phần phần bảo đảm tốt liên lạc cho chỉ huy và hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh với xe tăng, pháo binh, cao xạ, công binh trong các tình huống chiến đấu.

Bên cạnh thành công của tổ chức hệ thống thông tin chiến dịch, lực lượng thông tin vô tuyến điện đã làm tốt công tác bảo vệ, giữ bí mật TTLL, nghi binh chiến dịch và chống trinh sát điện tử của địch. Ta đã thành công về giữ bí mật hướng tiến công và đều thực hiện "im lặng vô tuyến điện" làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ.

Những kinh nghiệm tổ chức, bảo đảm TTLL vô tuyến điện trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại