Nhiều người méo miệng vì trời lạnh

Theo Vnexpress |

Số bệnh nhân bị méo miệng đến Bệnh viện Châm cứu (Hà Nội) tăng gấp 2-3 lần trong đợt lạnh vừa qua. Trong đó, đa phần là người trẻ, trung niên.

Sáng ngủ dậy, chị Minh (24 tuổi, Mai Động, Hà Nội) thấy một bên mặt giật giật. Lúc soi gương chị mới tá hỏa khi thấy miệng méo xệch, mắt thì không nhắm được, liệt một bên mặt.

"Ăn uống thì thôi rồi là khó chịu, miệng, môi không khép kín được nên thức ăn, nước rơi vãi. Một bên mắt thì khó chịu vì không thể nhắm được. Đi khám ở bệnh viện bác sĩ bảo liệt dây thần kinh số 7, phải đi châm cứu nhiều ngày", chị Minh buồn bã nói.

Những trường hợp méo miệng như chị Minh không phải là hiếm gặp, nhất là khi trời rét. Trường hợp nào nhẹ thì môi có thể chỉ hơi nhếch lên, nặng thì cả mặt như bị kéo xệch về một bên, hạn hữu lắm có trường hợp bị cả hai bên.

bvchamcuu1-jpg-1358740495_500x0.jpg

Trời lạnh khiến số người bị chứng méo miệng tăng gấp 2-3 lần. Ảnh: N.P.

Phó giáo sư Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu cho biết, méo miệng là thuật ngữ dân gian, trong y học cổ truyền gọi là khẩu nhãn òa ta, miệng mắt có tà khí tấn công. Nói theo lý luận thì đây là bệnh lý phong hàn, tấn công vào các kinh lạc vùng mặt.

Nguyên nhân gây bệnh là do hàn tà và phong tà, làm tắc nghẽn các kinh mạch, dẫn đến mắt không nhắm kín, miệng bị méo sang một bên. Theo y học hiện đại thì là đây là liệt dây thần kinh 7 ngoại biên - chỉ đạo vận động của tất cả nhóm cơ ở nửa mặt.

Trong các nguyên nhân gây liệt ngoại biên thì yếu tố do lạnh là phổ biến nhất. Ngoài ra viêm tai xương chũm, chấn thương, viêm màng não... cũng có thể khiến miệng bị méo.

Chứng bệnh này có thể xảy ra ở mọi thời điểm, nhưng cứ đến trời lạnh, số người mắc lại tăng. Lý do là vùng đầu mặt là nơi dễ bị nhiễm lạnh nhất, dẫn đến hiện tượng co mạch, co cơ vùng mặt và tai làm dây thần kinh 7 bị phù nề, gây tắc nghẽn dẫn truyền các xung động thần kinh, làm liệt vận động của một bên mặt, phó giáo sư Thành lý giải.

Biểu hiện của bệnh là mắt không nhắm kín được, miệng méo về bên lành. Khi mắc, người bệnh cần lưu ý đến viện kịp thời, tỷ lệ tự khỏi là rất thấp. Hiện châm cứu là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất.

"Bệnh nhân càng đến sớm, hiệu quả điều trị càng cao, ít để lại di chứng, kết quả tốt nhất trong vòng 6 tháng kể từ khi có biểu hiện bệnh. Nếu để lâu không chữa, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề như: teo cơ một bên mặt, mắt viêm nhiễm do không chớp được, ăn uống rất khó khăn do môi không khép kín được, mất thẩm mỹ...", phó giáo sư Thành khuyến cáo.

Cũng theo ông, hiện Tây y không có phương pháp điều trị đặc hiệu, mà dùng các thuốc chống viêm, giảm phù nề, tăng dẫn truyền thần kinh. Các bệnh viện thường kết hợp cả Đông y - châm cứu, kết hợp xoa bóp, bấm huyệt... và Tây y để mang lại hiệu quả điều trị cao, bệnh nhanh khỏi.

Thời gian điều trị thông thường 3-4 tuần, với 20-30 lần châm cứu. Có trường hợp nặng thì kéo dài 6-8 tuần. Trường hợp đến viện muộn có khi phải kéo dài trong nhiều tháng mới hiệu quả.

Nhóm tuổi nào cũng dễ mắc bệnh, có trẻ 4-5 tháng tuổi đã bị nhưng hãn hữu. Nhiều người lầm tưởng cho rằng chỉ người già sức khỏe yếu thì dễ bị, còn người trẻ, khỏe thì không bị. Trong khi thực tế, người trẻ chủ quan, ăn mặc phong phanh lại dễ mắc hơn người già (thường ủ ấm rất tốt). Những người có sức đề kháng yếu, hay bị căng thẳng, mệt mỏi và làm việc ngoài trời nhiều có nguy cơ bị cao hơn.

Bệnh dễ tái phát, có nhiều bệnh nhân điều trị đến 3 lần trong cùng một bên mặt do không giữ gìn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vì thế, theo phó giáo sư Thành, để phòng bệnh, quan trọng nhất là giữ ấm vùng đầu mặt cổ. Khi cho trẻ chơi ngoài trời lạnh, cha mẹ cần chú ý mặc ấm, quấn khăn, đội mũ cho bé, chơi trong thời gian ngắn. Tránh ngồi trúng luồng gió, không tắm quá khuya, đi đường xa phải đeo kính bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang. Sau khi uống rượu, bia không đi ngoài trời lạnh, tắm lạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại