Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài lên tiếng

camnhung |

Bà Hoài khẳng định, đối lập với các nhà ngoại cảm “bịp” là những nhà ngoại cảm chân chính.

Sau khi đọc loạt bài “Nhà ngoại cảm với biệt tài... gây tai họa” trên Báo Pháp luật Việt Nam, một nhà ngoại cảm nổi tiếng là bà Nguyễn Ngọc Hoài đã tỏ thái độ bức xúc trước vấn nạn dùng năng lực ngoại cảm “bịp” để tìm mộ liệt sỹ và nói thêm về hoạt động tìm mộ bằng ngoại cảm.

Bà Nguyễn Ngọc Hoài trong buổi giao lưu với các thân nhân liệt sỹ.

Bà Hoài khẳng định, đối lập với các nhà ngoại cảm “bịp” là những nhà ngoại cảm chân chính, nhưng ngay cả khi có siêu năng lực thì các nhà ngoại cảm cũng không phải là những “ông thần, bà thánh”!

Xác suất tìm mộ phụ thuộc 80% vào thân nhân liệt sỹ

Mở đầu cho loạt ý kiến của mình với tư cách “người trong cuộc” ở lĩnh vực tìm mộ bằng năng lực ngoại cảm, bà Nguyễn Ngọc Hoài nói: “Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng nhà ngoại cảm là những người có năng lực đặc biệt (siêu năng lực - PV).

Họ am hiểu và có thể nhận biết nhiều điều về thế giới tâm linh. Họ đã và đang sử dụng siêu năng lực ấy để giúp các thân nhân liệt sĩ tìm mộ người đã khuất. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc các nhà ngoại cảm là những “ông thần, bà thánh”. Thế nên, trên thực tế, xác suất tìm được - tìm đúng mộ phụ thuộc 80% vào gia đình người đã khuất, còn nhà ngoại cảm chỉ chiếm 20% vai trò trong công cuộc này”.

Theo bà Hoài, để việc tìm mộ đạt hiệu quả cao, nhà ngoại cảm nhất quyết phải có năng lực đặc biệt nhưng nếu chỉ có năng lực không thôi thì chưa đủ. Bà Hoài phân tích: “Kể cả khi có siêu năng lực trong lĩnh vực tâm linh thì nhà ngoại cảm cũng cần phải biết kết hợp năng lực ấy với những căn cứ thực tế, tri thức khoa học thì mới “dẫn đường”cho người khác được.

Vì không xác định và tuân theo nguyên lý cơ bản này nên không ít trường hợp nhà ngoại cảm đã hoang tưởng về khả năng của mình hoặc không làm chủ được khả năng đó, dẫn đến những sai sót đáng tiếc hoặc nghiêm trọng hơn, lạc vào mê cung của sự mê tín”.

“Bạn thấy đấy, những nhà ngoại cảm nổi tiếng, thành công nhất đều là dân trí thức như chị Phan Thị Bích Hằng, anh Nguyễn Văn Nhã chẳng hạn” - bà Hoài nêu dẫn chứng.

Quy trình tìm mộ

Dựa trên những trải nghiệm của mình qua các cuộc tìm mộ, bà Hoài giới thiệu về hành trình và hành trang mà thân nhân đi tìm mộ cần phải có: “Việc đi tìm mộ liệt sỹ phải bắt đầu bằng giấy báo tử vì trong đó có ghi kí hiệu, phiên hiệu đơn vị của liệt sỹ. Từ tư liệu tối quan trọng ấy, thân nhân liệt sỹ có thể viết thư gửi các phòng, ban chính sách thuộc các Quân khu mà liệt sỹ trực thuộc lúc sinh thời.

Căn cứ vào đơn thư và giấy báo tử của thân nhân liệt sỹ, các Cuân khu sẽ phúc đáp cho gia đình biết thông tin về liệt sỹ mà gia đình đang tìm. Ngoài ra, thân nhân liệt sỹ nên thu thập thông tin về liệt sỹ và nơi chôn liệt sỹ theo nhiều hướng khác như tìm hỏi các cựu chiến binh, các nhân chứng sống, các đội quy tập liệt sỹ... Cuối cùng, từ những thông tin này, người nhà của liệt sỹ có thể trực tiếp đi tìm mộ hoặc cùng chia sẻ với nhà ngoại cảm để khởi hành đi tìm mộ”.

"Đơn cử như quá trình đi tìm mộ của tôi, tôi luôn cố gắng huy động tất cả những thông tin trên từ gia đình. Sau khi có được thông tin thì thân nhân liệt sỹ và nhà ngoại cảm phải tìm cách kiểm chứng thông tin. Nếu những thông tin đó chính xác từ 70% trở lên, tôi sẽ vẽ sơ đồ nơi có phần mộ của liệt sĩ cho thân nhân liệt sỹ đi tìm. Từ sơ đồ này, thân nhân liệt sỹ sẽ có địa danh nơi có mộ của liệt sỹ. Trong quá trình đi tìm mộ, gia đình người đã khuất và tôi phải liên tục liên lạc qua điện thoại để nhận các hướng dẫn của tôi thì mới có thể tìm được mộ” - bà Hoài giải thích.

Tìm thấy mộ: Chưa xong!

Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố tri thức, khoa học trong việc tìm mộ, bà Hoài cho hay: “Sau khi tìm thấy mộ liệt sỹ theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm, công cuộc tìm mộ chưa chấm dứt.

Thân nhân liệt sỹ không được bỏ qua một công đoạn cuối cùng nhưng rất quan trọng đó là kiểm chứng các thông tin về ngôi mộ và hài cốt được tìm thấy. Chúng ta có thể kiểm chứng các thông tin này bằng khoa học và bằng ký ức như tiến hành giám định AND của hài cốt liệt sỹ với thân nhân, kiểm chứng dấu hiệu đặc biệt như thương tích hoặc đặc điểm dị biệt (nếu có) của hài cốt hoặc nhận dạng các kỷ vật mà liệt sỹ còn lưu lại. Làm như vậy tuy tốn kém công sức, tiền của nhưng mối hồ nghi về nấm mồ được tìm thấy sẽ được dẹp bỏ hoàn toàn!”.

Cuối cùng, bà Hoài đưa ra lời nhắn nhủ cho những người dân còn đang có người thân bị thất lạc hài cốt: “Người nhà liệt sỹ không nên quá nôn nóng, ào ào đi tìm mộ liệt sỹ qua những lời đồn thổi. Bởi lẽ tìm được mộ là một điều rất tốt. Nhưng giả dụ không có duyên tìm được thì thân nhân liệt sỹ hãy thành tâm mà hướng về người đã khuất. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là cái gì?

Tôi nghĩ, đó là việc con người ta không bao giờ lãng quên nhau. Là cái tình con người. Là sự nối kết của hai cõi âm dương. Là sự hiểu nhau. Có lẽ người đã khuất không bao giờ sợ bị mất hài cốt, bởi rằng những thứ đó sẽ dần trở về với cát bụi, người chết chỉ sợ những người còn sống lãng quên họ mà thôi”.

Thông tin về nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài:

Bà Hoài sinh năm 1964, tại Điện Biên, đang cư trú tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, bà Hoài công tác tại Hội Liên hiệp Khoa học Công nghệ và Tin học ứng dụng (UIA). Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài được nhiều người biết đến qua việc tìm thấy và chụp ảnh một vong linh liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Lào. Cuộc tìm mộ này do Trung tâm nhắn tìm đồng đội tổ chức.

Theo Pháp luật Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại