Cuộc xung đột ở Ukraine đang leo thang nguy hiểm. Ukraine đang tăng cường các cuộc tiến công và ngày càng quyết tâm đẩy lùi Nga khỏi lãnh thổ. Điện Kremlin tăng cường lực lượng ở phía Đông Ukraine, dùng UAV và tên lửa tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh đang đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Kiev, đồng thời tuyên bố sẽ "sát cánh với Ukraine lâu nhất có thể".
Phương Tây trước lằn ranh mong manh
Cho đến nay, phương Tây vẫn duy trì ranh giới mong manh giữa hỗ trợ cho Ukraine và tránh xung đột trực tiếp với Nga, đồng thời đảm bảo các lợi ích của mình. Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố, việc hỗ trợ Ukraine phòng thủ là một ưu tiên chiến lược nhưng không phải lợi ích sống còn.
Đó là lý do tại sao Mỹ dẫn đầu nỗ lực của phương Tây nhằm cung cấp cho Ukraine các phương tiện tự vệ song không trực tiếp tham gia giao tranh. Washington sẵn sàng hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine nhưng cũng để cho Kiev tự quyết định mục tiêu và chiến lược quân sự của mình.
Trên thực tế, việc Mỹ duy trì sự can dự vào xung đột ở Ukraine để phù hợp với lợi ích của mình ngày càng trở nên khó khăn hơn khi tình hình leo thang. Charles A. Kupchan - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown, đồng thời là một học giả cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại cho rằng, ngay cả khi Ukraine có thể nhắm vào tất cả các mục tiêu của Nga trong một ván bài sòng phẳng thì những hành động của Kiev, vốn có thể gia tăng đáng kể rủi ro leo thang, có lẽ không phải một bước đi khôn ngoan về mặt chiến lược.
Để hạn chế nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO, Washington cần Kiev minh bạch hơn về các kế hoạch chiến tranh và các quan chức Mỹ cần biết nhiều hơn về cách thức tiến hành các chiến dịch tiến công của Ukraine.
Chuyên gia này cũng cho rằng Ukraine từng thực hiện những chiến dịch có thể khiêu khích Nga và có nguy cơ khiến tình hình leo thang nguy hiểm. Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng vụ đánh bom ô tô khiến nhà báo Nga Darya Dugina thiệt mạng hồi tháng 8 là do một số thành phần trong chính phủ Ukraine chỉ đạo thực hiện. Sau đó, vào tháng 10, một xe tải chở bom phát nổ đã gây hư hại cho một số đoạn đường trên cây cầu bắc qua Eo biển Kerch nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga.
Ukraine cũng được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực Belgorod của Nga - khu vực sát biên giới được sử dụng như một địa điểm triển khai lực lượng của Moscow tới Ukraine. Cuối tuần qua, các UAV của Ukraine đã tấn công vào các tàu thuyền của Hạm đội Biển Đen Nga ngoài khơi thành phố cảng Sevastopol ở Crimea.
Mỹ dường như không được cảnh báo về vụ đánh bom ô tô và vụ tấn công cầu Crimea. Washington đã chỉ trích Kiev về vụ ám sát nhà báo Dugina và bày tỏ lo ngại, những hành động như vậy có nguy cơ khiến căng thẳng leo thang nhưng lại tác động rất ít đến tình hình chiến trường.
Binh lính Ukraine mang tên lửa Stinger ở khu vực Kherson. Ảnh: New York Times
Hồi tháng 8/2022, Politico dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cho rằng Mỹ coi các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea là công bằng và nhằm "mục đích tự vệ" bởi phương Tây coi việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 là động thái bất hợp pháp và đây là tuyến cung cấp hậu cần cho quân đội Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, cầu Crimea là một công trình có ý nghĩa biểu tượng lớn lao với Moscow.
Nga đã phản ứng trước các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea bằng cách tiến hành hàng loạt cuộc tấn công UAV và tên lửa vào các nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine giữa bối cảnh mùa Đông đang đến gần.
Mỹ và đồng minh khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine tự vệ nhưng các nước này cũng nỗ lực tránh đối đầu trực tiếp với Nga khi từ chối cung cấp vũ khí tầm xa, không đưa quân đội NATO vào tham chiến và từ chối đề nghị của Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay. Việc Ukraine tuyên bố phản công thành công cũng đặt ra câu hỏi liệu Kiev sẽ tiến xa đến đâu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như muốn đẩy lùi quân đội Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, trong đó bao gồm cả Crimea và một số khu vực ở Donbass.
"Chúng tôi sẽ quay lại đây. Tôi không biết chính xác thời điểm đó là khi nào. Nhưng chúng tôi có kế hoạch và chúng tôi sẽ quay lại đây bởi đó là lãnh thổ và người dân của chúng tôi", Tổng thống Zelensky nhận định, đồng thời bác bỏ bất kỳ tiến trình ngoại giao nào với Nga chừng nào Tổng thống Putin vẫn nắm quyền.
Trong khi đó, Nga tuyên bố sáp nhập thêm 4 vùng ở phía Đông Ukraine ngày 30/9 và khẳng định rằng những người sống trong khu vực này "sẽ trở thành công dân của chúng tôi mãi mãi".
Phương Tây lo ngại, điện Kremlin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối mặt với bất lợi trên chiến trường. Giới quan sát cho rằng nếu Nga vượt qua lằn ranh này, NATO gần như chắc chắn can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine với nguy cơ leo thang hạt nhân gia tăng.
Thách thức bủa vây phương Tây
Mỹ và các đồng minh cũng đang lo ngại về mối đe dọa kinh tế và chính trị khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài. Mặc dù phương Tây vẫn khẳng định về sự đoàn kết và cam kết hỗ trợ Ukraine nhưng những rạn nứt trong liên minh này đang lớn dần. Lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái hiện hữu có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến chính trị và xã hội của các quốc gia này.
Giữa bối cảnh bầu cử giữa kỳ Mỹ sắp đến gần, Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã có những phát ngôn gây chú ý vào tháng trước khi cho rằng đa số thành viên đảng Cộng hòa không tán thành việc đưa những "tờ séc khống" cho Ukraine.
Ông Kevin McCarthy và các lãnh đạo khác trong đảng Cộng hòa giải thích, đảng này không tìm cách thu hẹp sự ủng hộ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga mà thay vào đó muốn tăng cường sự giám sát đối với các gói hỗ trợ của Mỹ. Dù vậy, những nhận định trên vẫn đặt ra câu hỏi về sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Trong khi đó, châu Âu cũng đang bước vào mùa Đông với giá năng lượng tăng cao và nguy cơ thiếu khí đốt. Rạn nứt lớn dần trong chính phủ Đức về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong khi các hóa đơn năng lượng khiến các nhà sản xuất nước này lo ngại. Pháp cũng đối mặt với các cuộc đình công và biểu tình quy mô lớn vì chi phí sinh hoạt tăng.
Đã đến lúc thúc đẩy Nga và Ukraine bước vào bàn đàm phán?
Theo nhà quan sát Charles A. Kupchan, sớm muộn thì phương Tây cũng cần thúc đẩy Ukraine và Nga vào bàn đàm phán và làm trung gian cho những nỗ lực ngoại giao để đưa xung đột đi đến hồi kết cũng như hỗ trợ sắp xếp các vấn đề về lãnh thổ.
Một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine theo nhà quan sát này sẽ bao gồm 2 nội dung. Thứ nhất là Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO - một mục tiêu được duy trì trong nhiều năm qua và gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Nga. Moscow có những lo ngại an ninh hợp pháp khi NATO tiến gần đến biên giới Ukraine.
Bên cạnh đó, Ukraine sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây cũng như thúc đẩy quá trình trở thành thành viên EU, đồng thời chính thức chấp nhận tình trạng trung lập. Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, chính Tổng thống Zelensky cũng nhận định rằng, tình trạng trung lập của Ukraine là một phần trong thỏa thuận hòa bình với Nga.
Thứ hai, phần khó khăn nhất là Moscow và Kiev cần đi đến nhất trí trong việc dàn xếp về mặt lãnh thổ. Cả hai sẽ cần nhượng bộ nhau, theo đó Nga sẽ từ bỏ việc sáp nhập một khu vực rộng lớn ở phía Đông Ukraine gần đây, trong khi Kiev chấp nhận có thể không giành lại toàn bộ lãnh thổ.
Mặc dù những cuộc đàm phán như vậy có nguy cơ thất bại trong nỗ lực tạo ra một thỏa thuận hòa bình nhưng việc dịch chuyển từ chiến tranh sang ngoại giao sẽ mang tới hy vọng chấm dứt thương vong và phá hủy, đồng thời kiềm chế nguy cơ xung đột lan rộng thành cuộc chiến giữa Nga và NATO. Điều này cũng làm giảm tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu và mở ra các kênh trao đổi giữa các bên.