Phong tỏa, giãn cách tại nhiều địa phương

Nhóm Phóng viên |

Các biện pháp giãn cách, phong tỏa cục bộ nhiều khu vực ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ... nhằm kiểm soát nghiêm ngặt các ca tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19

Sau khi phát hiện chùm ca bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều, ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, đã ký quyết định phong tỏa các đơn vị, gồm nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà tại 3 cơ sở của Bệnh viện K để phục vụ công tác chống dịch.

Kiểm soát các ổ dịch

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết TP hiện có 2 ổ dịch. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, TP đã tiến hành rà soát được hơn 2.600 trường hợp. Đối với Bệnh viện K Tân Triều tình hình phức tạp hơn. 

Từ ngày 16-4 đến nay đã có 16.000 bệnh nhân và người nhà đến nơi này. Cạnh bệnh viện có trên 250 cơ sở lưu trú, 65 ki-ốt tạp hóa. Hiện TP đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc, ngăn ngừa nguy cơ.

"Ý thức được trách nhiệm của thủ đô đối với nhân dân trên địa bàn, với trung ương và cả nước, vì vậy toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt từ ngày đầu; bám sát tinh thần chỉ đạo của trung ương, Thủ tướng, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, chủ động, kịp thời, linh hoạt. Tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng bình tĩnh, không gây hoang mang trong chỉ đạo, xử lý. 

Thực hiện nghiêm nguyên tắc, phương châm nhất quán 4 tại chỗ, gắn trách nhiệm với người đứng đầu các cấp" - Chủ tịch UBND TP nói. Ông Chu Ngọc Anh cũng khẳng định mặc dù dịch đang diễn biến phức tạp nhưng tình hình vẫn cơ bản được kiểm soát.

Phong tỏa, giãn cách tại nhiều địa phương  - Ảnh 1.

Lực lượng đặc chủng khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện K Tân Triều Ảnh: NGÔ NHUNG

Bệnh viện K Tân Triều đã được phun khử khuẩn trong chiều 7-5. TP Hà Nội đang khoanh vùng xử lý dịch và phong tỏa tạm thời 15 khu vực liên quan đến 10 quận, huyện, thị xã; gắn với sàng lọc sớm để đánh giá nguy cơ với những nhóm có nguy cơ cao như các quán bar, karaoke, các khu vực đông chuyên gia, chợ đầu mối dân sinh; các khu vực có nhiều người dân từ TP Đà Nẵng trở về.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly xã hội toàn TP Vĩnh Yên trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 7-5. Tại tỉnh Hưng Yên, sau khi ghi nhận mới 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, tỉnh này đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội ở thị xã Mỹ Hào, xã Đông Ninh (huyện Khoái Châu). 

Còn ở tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh này cho biết sau khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 trú tại xã Kim Đức (TP Việt Trì), địa phương đã yêu cầu phong tỏa phân xưởng công ty nơi trường hợp nghi nhiễm làm việc, lấy mẫu xét nghiệm hơn 700 công nhân cùng ca làm việc.

TP HCM: Không tụ tập quá 30 người nơi công cộng

Vào chiều 7-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phát đi thông báo về ca Covid-19 tái dương tính vừa được ghi nhận trên địa bàn là bệnh nhân 2458, người được xuất viện ngày 27-3 tại Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Sau khi xuất viện, bệnh nhân trải qua 14 ngày cách ly theo dõi tại Hà Tiên, đến ngày 10-4 chuyển cách ly tại nhà tiếp 14 ngày. 

Nhưng chưa hết thời gian cách ly tại nhà, bệnh nhân 2458 đã di chuyển đến TP HCM vào ngày 19-4. Ngày 5-5, người này đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM xét nghiệm Covid-19 để xuất cảnh thì cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Liên quan đến ca bệnh, một số địa điểm trên địa bàn TP HCM đã bị phong tỏa hoặc đóng cửa: hẻm 359 Lê Văn Sỹ (phường 13, quận 3, nơi bệnh nhân ở trọ từ ngày 27-4), quán Nghĩa Phát (phường 15, quận 11), khu ẩm thực Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10); chùa Văn Thánh (phường 22, quận Bình Thạnh).

Tại điểm phong tỏa hẻm 359, HCDC cho biết đã lấy mẫu 254 người, trong đó có 38 mẫu là F1 đã có kết quả âm tính. Bà Ngô Thị Sáu - Trưởng Trạm Y tế phường 15, quận 11 - cho biết đã đóng cửa, phun khử khuẩn quán Nghĩa Phát, đưa 14 người ngồi ăn cùng khung giờ với bệnh nhân tái dương tính này đi cách ly tập trung. 

Các điểm đến khác của bệnh nhân này đã được khử trùng, phong tỏa, người tiếp xúc được đưa đi cách ly. HCDC nhận định đây là trường hợp tái dương tính, khả năng lây lan cho cộng đồng là thấp.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trưa cùng ngày, UBND TP HCM đã ra công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành, quận huyện, TP Thủ Đức, yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga...); các trung tâm nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức. 

Tạm dừng các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người ở nơi công cộng (thể dục thể thao ngoài trời, hội chợ...). Việc tạm dừng các hoạt động trên bắt đầu từ 18 giờ ngày 7-5 cho đến khi có thông báo mới.

Nhiễm chủng virus Anh và Ấn Độ

Bộ Y tế ngày 7-5 đã có công điện yêu cầu các cơ sở y tế về nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm Covid-19 tại các bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 đang diễn biến rất nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm Covid-19, trong đó có chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" Anh, Ấn Độ. Đợt dịch lần này cũng được đánh giá là phức tạp hơn các đợt dịch trước, với nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây, nhiều chủng virus nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại