Yun Du-seo (1668–1715) là 1 họa sĩ và học giả nổi tiếng thời Joseon. Tuy đỗ đạt trong kỳ thi khoa cử của triều đình nhưng ông không làm quan mà dành cả cuộc đời cho hội họa và nghiên cứu Nho học.
Bức chân dung tự họa của ông được xem như 1 trong những kiệt tác nổi bật nhất của nghệ thuật Hàn Quốc. Bức họa khiến người xem phải choáng ngợp trước khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng, chòm râu sinh động cùng thần thái ngút trời của Yun Du-seo.
Tranh chân dung tự họa của Yun Du-seo có kích thước 20.5cm x 38.5cm. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
Thế nhưng sau những choáng ngợp ban đầu, dân mạng Hàn Quốc phát hiện ra có 2 chi tiết khiến bức tranh khó có thể được chấp nhận nếu xét theo lề lối Nho giáo và chuẩn mực xã hội đương thời.
Chi tiết thể hiện sự “liều lĩnh”
Khi nhìn kỹ, nhiều người phát hiện ra bức chân dung dường như không có phần cổ, thân trên và 2 tai. Thêm vào đó, Yun Du-seo còn không vẽ trọn vẹn chiếc nón có tên là tanggeon mà mình đang đội. Hai điểm này bị xem là không phù hợp với đạo đức Nho giáo và tiêu chuẩn thẩm mỹ vào thời Joseon.
Theo quan niệm lúc bấy giờ, thân thể mỗi người chính là món quà quý giá mà cha mẹ ban cho. Do đó, bất kỳ hành động nào thể hiện sự thiếu trân trọng thân thể, ở trường hợp này là không vẽ chúng trong tranh chân dung tự họa, là việc không được phép.
Hiện vật gương bằng đồng trắng tại nhà dòng họ Yun ở Haenam được cho là đã được Yun Du-seo dùng để vẽ tranh chân dung tự họa. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
Về nón tanggeon, đây là 1 phần quan trọng của bộ lễ phục vào thời Joseon, thường được quý tộc và quan lại nam giới sử dụng. Hầu như không tìm thấy bức tranh cổ nào mà họa sĩ lại cắt đi phần nón của bộ lễ phục như vậy.
Vậy những nhận định trên về tranh chân dung tự họa của Yun Du-seo là đúng hay sai? Chuyên gia mỹ thuật Lee Gwang-pyo đã có những tiết lộ thú vị xoay quanh vấn đề này.
Tiết lộ của chuyên gia
Chuyên gia cho biết, vào năm 1996, người ta tình cờ tìm thấy 1 tấm ảnh chụp lại bức tranh trong kho lưu trữ của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Tấm ảnh này do phủ tổng đốc Triều Tiên - cơ quan đế quốc Nhật Bản thành lập để cai trị bán đảo Triều Tiên chụp và phát hành năm 1937.
Điều đáng ngạc nhiên là trong tấm ảnh chụp này, bức tranh không chỉ có mỗi khuôn mặt như phiên bản hiện nay mà chúng ta nhìn thấy. Trong tấm ảnh, họa sĩ Yun Du-seo rõ ràng đang mặc 1 chiếc áo choàng, đường nét vẽ cổ áo và phần thân trên hiện lên khá rõ nét.
Tấm ảnh chụp lại bức tranh vào năm 1937. Ảnh: Kookhoebo
Mùa hè năm 2006, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu kỹ hơn để làm sáng tỏ những bí ẩn xung quanh bức tranh. Các phân tích khoa học như soi dưới kính hiển vi, chụp X-quang, chụp hồng ngoại, phân tích quang phổ huỳnh quang tia X... đã được thực hiện.
Kết quả cho ra khiến giới học thuật tạm khẳng định rằng, bức tranh gốc của họa sĩ Yun Du-seo có vẽ phần thân trên. Ngoài ra, đôi tai cũng được ông họa bằng đường màu đỏ mờ.
Tuy nhiên, có lẽ do phần thân được ông vẽ bằng than và không tô màu nên qua thời gian đã phai đi mất. Đến ngày nay, những gì còn lại trong bức tranh chỉ là khuôn mặt với khí thế áp đảo của vị họa sĩ mà thôi.
Ảnh chụp hồng ngoại của bức tranh được thực hiện vào năm 2006. Ảnh: Kookhoebo
Bên cạnh đó, việc không vẽ trọn vẹn chiếc nón tanggeon - 1 biểu tượng của quan lại, được chuyên gia cho là nhằm thể hiện thái độ phản kháng và bất mãn của Yun Du-seo với phái Tây Nhân đang nắm quyền trong triều đình.
Khi ấy, Nam Nhân và Tây Nhân là 2 phe cánh chính trị đối nghịch nhau ở Joseon. Yun Du-seo thuộc phái Nam Nhân bấy giờ đang thất thế.
Đây chính là lý do vì sao ông dù đỗ đạt nhưng không làm quan mà lui về ở ẩn, chuyên tâm vẽ tranh và học sách thánh hiền.
Bất chấp những diễn giải và quan điểm khác nhau xoay quanh nó, tranh chân dung tự họa của Yun Du-seo vẫn là 1 tác phẩm quan trọng của nền mỹ thuật Hàn Quốc và đã được công nhận là quốc bảo số 240 của xứ sở kim chi vào năm 1987.
https://soha.vn/phong-to-buc-tranh-tu-hoa-300-tuoi-dan-mang-han-quoc-suc-soi-hoa-si-nay-to-gan-qua-20220315160551632.htm