Thỏa thuận này đã được nhất trí vào ngày 6/10 khi Phó Tổng thống Thứ nhất của Iran Mohammad Mokhber cùng 2 quan chức cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và một quan chức từ Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (ISNSC) đến thăm Moscow để đàm phán với Nga về việc chuyển giao vũ khí.
Tên lửa đạn đạo Fateh-110 của Iran. Ảnh: Military
Một nhà ngoại giao Iran cho biết: “Nga đã đề nghị Tehran cung cấp thêm nhiều máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao, đặc biệt là các dòng tên lửa Fateh và Zolfaghar”.
Thông tin này cũng được một quan chức phương Tây xác nhận. Người này nói rằng, có một thỏa thuận giữa Nga và Iran về cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất, trong đó có Zolfaghar. Một trong những máy bay không người lái mà Iran đồng ý cung cấp cho Nga là UAV cảm tử Shahed-136. UAV này có cánh tam giác được sử dụng như một máy bay tấn công không đối đất, mang một đầu đạn nhỏ phát nổ khi va chạm. Còn Fateh-110 và Zolfaghar là 2 tên lửa đạn đạo đất đối không tầm ngắn của Iran có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 300 km đến 700 km.
Nhà ngoại giao Iran đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng, việc chuyển giao những vũ khí như vậy vi phạm nghị quyết năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Các loại vũ khí này được sử dụng ở đâu không phải là vấn đề của bên bán. Chúng tôi không đứng về phía nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine giống như phương Tây. Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng thông qua các biện pháp ngoại giao".
Ukraine cho rằng, Nga đã sử dụng UAV Shahed-136 do Iran sản xuất để tiến hành một loạt cuộc tấn công trong những tuần gần đây. Còn Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc các lực lượng nước này đã sử dụng máy bay không người lái của Iran để tấn công Ukraine.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu Nga có sử dụng UAV của Iran trong chiến dịch quân sự tại Ukraine hay không, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, họ không có bất kỳ thông tin nào về việc sử dụng chúng.
“Thiết bị của Nga với tên gọi bằng tiếng Nga đã được sử dụng. Tất cả các câu hỏi tiếp theo nên được chuyển tới Bộ Quốc phòng”, ông Dmitry Peskov nói.
UAV Shahed-136 do Iran chế tạo. Đồ họa: AFP.
Giới phân tích cho rằng, sự xuất hiện của tên lửa và UAV của Iran trong kho vũ khí của Moscow khi chiến sự giữa Nga với Ukraine leo thang sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, UAV của Iran đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào thủ đô Kiev vào ngày 17/10. Người phát ngôn Nhà Trắng Karinne Jean-Pierre cũng cáo buộc Tehran đang che giấu sự thật khi nói rằng UAV của Iran không được Nga sử dụng ở Ukraine.
Một quan chức ngoại giao châu Âu đánh giá, Nga đang gặp khó khăn trong việc sản xuất vũ khí cho do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành công nghiệp quốc phòng của nước này và do vậy phải nhập khẩu thiết bị từ các đối tác như Iran hoặc Triều Tiên. “UAV và tên lửa có thể là bước đi hợp lý tiếp theo”, quan chức này nhấn mạnh.
Khi được hỏi Mỹ đánh giá thế nào về việc Iran bán tên lửa đất đối đất cho Nga, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết: “Tôi không có bất cứ điều gì để thông báo vào thời điểm này”.
Ván cược đối với Iran
Do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, giới lãnh đạo Iran muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Nga chống lại một khối liên kết Arab-Israel mới nổi do Mỹ hậu thuẫn tại vùng Vịnh, có thể khiến cán cân quyền lực tại Trung Đông thay đổi. Chưa kể, nước này cũng đang phải đối phó với các cuộc biểu tình lan rộng trên khắp đất nước sau cái chết của một phụ nữ trẻ bị lực lượng cảnh sát Iran bắt giữ vào đầu tháng 9 tại Tehran với cáo buộc không tuân theo quy định về trang phục của nước này đối với phụ nữ.
Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Hossein Salami hồi tháng 9 vừa qua cho biết, một số cường quốc trên thế giới sẵn sàng mua thiết bị quân sự và quốc phòng từ Iran.
"Họ (Nga) muốn mua hàng trăm tên lửa của chúng tôi, thậm chí cả những tên lửa tầm trung, nhưng chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi chỉ có thể chuyển giao sớm khoảng vài trăm tên lửa đất đối đất tầm ngắn Zolfaghar và Fateh 110 theo yêu cầu của họ", một quan chức an ninh Iran cho biết.
Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hồi đầu tuần này đã kêu gọi gia tăng trừng phạt Iran liên quan đến nghi vấn Tehran cung cấp UAV cho Nga. Trước đó, EU đã nhất trí về một loạt biện pháp trừng phạt riêng rẽ đối với Iran với cáo buộc Tehran mạnh tay đàn áp các cuộc biểu tình. Còn giới chức Iran mô tả làn sóng biểu tình này là âm mưu của các quốc gia thù địch, bao gồm Mỹ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, những diễn biến mới nhất này có thể khiến cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, sẽ trở nên khó khăn hơn. Các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc và bất cứ tranh cãi nào giữa Iran với các cường quốc phương Tây liên quan đến việc Tehran bán vũ khí cho Nga hoặc chiến dịch dập tắt các cuộc biểu tình có thể làm suy yếu nỗ lực đạt được thỏa thuận, mà theo đó, phương Tây sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Iran cắt giảm hoạt động hạt nhân của nước này./.