"Thách thức lớn nhất của Không quân Mỹ ở thời điểm hiện tại chính là sự gia tăng tiềm lực quân sự từ phía các đối thủ của chúng ta"- tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ - tướng David L. Goldfein phát biểu trước Quốc hội.
Các báo cáo được công bố cho biết quân đội Mỹ đang theo dõi chặt chẽ để xem Nga và Trung Quốc phát triển các máy bay tiêm kích và cường kích thuộc thế hệ mới nhất như thế nào.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 T-50 của Nga.
Mỹ không loại trừ khả năng những vũ khí này có thể mang lại mối đe dọa đối với "ưu thế trên không của phương Tây." Máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 5 T-50 của Nga sẽ được đưa vào biên chế vào đầu năm 2018, các máy bay cường kích Su-34 và mẫu Su-35 đã được triển khai tại Syria.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc.
Trang mạng FighterSweep.com trích dẫn ý kiến của ông Nate Jaros, cựu phi công Không quân Mỹ và hiện là phi công thử nghiệm của Tập đoàn Lockheed Martin đánh giá về mẫu máy bay thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc.
Theo ông Jaros, nếu như trước đây Trung Quốc thường sao chép các thiết kế của Nga hay Mỹ thì nay họ có thể kết hợp công nghệ tàng hình vào chương trình phát triển các khí t quân sự hiện đại.
"J-20 là vũ khí đáng gờm nhất của Không quân Trung Quốc" - ông Harold, phi công máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Không quân Mỹ nhận định.
Máy bay chiến đấu F-15 của Không quân Mỹ.
Theo WSJ, ở thời điểm hiện tại, hơn 75% số máy bay của Không quân Mỹ được thiết kế từ những năm 1970: F-15 hoạt động từ năm 1975, F-16 từ năm 1979 và Hải quân Mỹ vẫn đang sử dụng các tiêm kích hạm F/A-18 cất cánh lần đầu vào năm 1978.
Trong bối cảnh Nga, Trung Quốc đang tăng cường tiềm lực không quân, Mỹ và các quốc gia châu Âu sẽ phải tích cực vận động chính phủ của họ đầu tư cho các dự án phát triển mới.
Đặc biệt, Không quân Mỹ đang có nhu cầu cấp thiết về một loại tên lửa không đối không mới có tầm bắn xa, cho phép đánh trúng mục tiêu của đối phương nằm ngoài tầm bắn của tên lửa hiện nay
Trong tháng 5, Hải quân Mỹ đã bắt đầu chương trình đánh giá khả năng thay thế các tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet.
Quân đội các nước châu Âu cũng đang có ý định đẩy nhanh quá trình nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng không quân.
Bộ Quốc phòng Anh vừa công bố kế hoạch liên kết phát triển với Mỹ và Pháp, cũng như tự phát triển công nghệ của mình trong lĩnh vực này. Việc này được thực hiện song song với kế hoạch mua tiêm kích F-35 mới cho Không quân Hoàng gia Anh.
Bộ Quốc phòng Đức thì công bố kế hoạch thay thế các máy bay chiến đấu Tornado lỗi thời hoạt động từ năm 1980, do nước này hợp tác với Italia và Anh phát triển.