Theo Topwar, thứ 7 tuần trước, Không quân Pakistan đã có lễ kỷ niệm 2 năm chiến thắng của lực lượng này trong cuộc đối đầu với Không quân Ấn Độ gần khu vực tranh chấp Kashmir vào cuối tháng 2/2019.
Đây được xem là câu trả lời của Islamabad trước các cuộc không kích liên tiếp của Không quân Ấn Độ nhằm vào các trại huấn luyện của lực lượng thánh chiến Kashmir ở Balakot nằm bên trong lãnh thổ Pakistan.
Theo cây bút Ilya Polonsky của Topwar, ngày 27/2/2019, chiến đấu cơ Pakistan đã bất ngờ tấn công một căn cứ hậu cần của Ấn Độ ở Narian cách đường kiểm soát thực tế (LOC) chỉ hơn 10km, đồng thời họ cũng tuyên bố bắn hạ một chiếc MiG-21 của Không quân Ấn Độ khi nó tìm cách đánh chặn phi đội tiêm kích của Islamabad.
Binh sĩ Pakistan bên cạnh xác chiếc MiG-21 của Ấn Độ bị bắn hạ trong trận không chiến 27/2. Phi công MiG-21, Abhinandan Varthaman bị bắt sống. Ảnh: Fighter Jets World.
Về phần Ấn Độ, họ tuyên bố bắn hạ một tiêm kích F-16 của Pakistan. Tuy nhiên, Islamabad ngay sau đó đã phủ nhận thông tin này đồng thời cho biết tiêm kích F-16 của nước này không tham gia chiến dịch phản ứng nhanh ở Narian.
Thái độ trên của Pakistan rõ ràng là nhằm tránh làm xấu đi mối quan hệ với Mỹ bởi có một thực tế là Washington không tán đồng việc Islamabad sử dụng F-16 chống lại Ấn Độ.
Để đánh giá sự kiện trên, cựu phi công chiến đấu Samir Joshi, với nhiều năm phục vụ trong Không quân Ấn Độ (lái tiêm kích Mirage 2000) và từng tham gia xung đột ở Kargil vào năm 1999 đã đưa ra những phân tích của riêng mình về Chiến dịch Phản ứng nhanh của Pakistan gần LOC.
Bản thân Samir Joshi từ lâu đã được truyền thông Ấn Độ công nhận là một chuyên gia phân tích kỳ cựu về các hoạt động không quân, quân sự.
Dựa trên những hình ảnh có được từ hiện trường sau cuộc không chiến 27/2, Joshi kết luận rằng thông tin Không quân Ấn Độ bắn hạ tiêm kích F-16 của Pakistan là có cơ sở. Ông này cũng cho rằng trong cuộc đối đầu nghẹt thở này hai chiếc tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ đã chạm mặt phi đội gồm 8 chiếc F-16 Pakistan đang bay về hướng Jammu và Kashmir.
Tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Ảnh: NewsBytes.
Cũng theo Joshi, phi đội F-16 trên đã phóng đi tổng cộng 3 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 (AMRAAM) nhằm hạ gục Su-30MKI Ấn Độ, tuy nhiên các đợt tấn công của máy bay Pakistan đều thất bại. Đây là bằng chứng quan trọng giúp New Delhi chỉ ra sự tham gia của F-16 trong cuộc đối đầu ở Narian.
Trong khi một chiếc Su-30MKI Ấn Độ tránh các tên lửa AIM-120 thì chiếc Su-30MKI bay cùng lập tức phản công vô hiệu hóa hoàn toàn cuộc tấn công của F-16 Pakistan.
Cựu phi công Ấn Độ cũng đưa ra nhận định, trong cuộc chạm trán trên phi đội F-16 Pakistan đã bắn đi từ 10 đến 12 tên lửa không đối không, dù vậy hầu hết chúng đều không thể đến mục tiêu.
Ông Joshi cho rằng dù chiến đấu cơ Pakistan có thể "qua mặt" được hệ thống phòng không của Ấn Độ nhưng không phải là đối thủ của Su-30MKI, thực tế đã nói lên rõ điều này. Chiến thắng này cũng cho thấy rõ sức mạnh của dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Ấn Độ cũng như tương lai của chúng.
Không phải tự nhiên mà Ấn Độ quyết định đặt mua thêm Su-30MKI và số lượng lớn chiến đấu cơ khác từ Nga sau các cuộc đụng độ ở Kashmir lẫn Ladakh. Theo đó, Không quân Ấn Độ sẽ đặt mua thêm 12 chiếc Su-30MKI cũng như hiện đại hóa số máy bay hiện có giá trị lên đến 1,4 tỷ USD.
Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ trong một cuộc tập trận vào năm 2018.