Nhóm khảo cổ đa quốc gia dẫn đầu bởi nhà khoa học Richard Owen, đến từ Đại học Baptist Hồng Kông, vừa giải mã được bí mật thú vị liên quan đến cội nguồn con người hiện đại.
Một phần thung lũng Great Rift Valley - ảnh: TRAVEL DISCOVER KENYA
Những giai đoạn hạn hán khủng khiếp kéo dài hàng trăm ngàn năm ở "cái nôi của loài người " – thung lũng Great Rift Valley ở Đông Phi – gây nên sự tuyệt chủng hàng loạt của nhiều sinh vật có vú nhưng lại thúc đẩy các hominin (tổ tiên loài người) tiến hóa vượt bậc vì bản năng sinh tồn.
Các nhà khảo cổ đang phân tích những bằng chứng thu thập được - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nhờ có sự tiến hóa đó, vào khoảng 315.000-320.000 năm trước, một loài mới được sản sinh ra là homo sapiens (người tinh khôn hay người hiện đại), dần dần làm bá chủ thế giới và trở thành giống nòi duy nhất còn tồn tại của loài Người, do khả năng thích nghi với các điều kiện sống, kỹ năng lao động vượt trội.
Great Rift Valley là thung lũng tách giãn lớn nhất thế giới, trải dài khoảng 5.000 km và ước tính được hình thành cách đây 35 triệu năm, là một rãnh nứt lớn trên bề mặt trái đất. Thung lũng được bao bọc bởi nhiều núi lửa hiểm trở, sở hữu những thảm xanh xen lẫn với đất cằn và những hồ sâu không đáy.
Bí mật này lần đầu hé lộ qua trầm tích mà các nhà khảo cổ thu thập được ở lòng hồ Magadi nằm trong Great Rift Valley. Giai đoạn khô cằn bắt đầu từ 575.000 năm trước, xảy ra làm nhiều đợt, xen lẫn các khoảng thời gian dễ sống hơn. Tuy nhiên có đợt kéo dài hơn trăm nghìn năm, như đợt xảy ra từ 525.000 năm đến 400.000 năm trước.
Một đợt khác xảy ra sau mốc 350.000 và là kích thích tố trực tiếp cho trung kỳ thời đại đồ đá cũ – khi người tinh khôn xuất hiện. Các hiện vật thời kỳ này được xác định có niên đại 320.000 năm. Trước đó, xương của người tinh khôn lâu đời nhất được tìm thấy tại Morocco vào năm 2017, có niên đại 315.000 năm.
"Theo giả thuyết về sự biến đổi chọn lọc, môi trường thay đổi nhanh chóng tạo ra áp lực chọn lọc tự nhiên, làm cho các loài phải thay đổi nhanh chóng. Theo kịch bản đó, bộ não tiến hóa lớn hơn sẽ cho phép tổ tiên chúng ta thích nghi với một thế giới ngày càng ít dự đoán được" – ông Owen phân tích.
Hồ Magadi - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Không may mắn như loài người, nhiều sinh vật cổ đại khác đã tuyệt chủng trong giai đoạn khó khăn này.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science.
(Theo Daily Mail)