Anh Nguyễn Văn Đạt.
Biết mình có tên trong danh sách xét đặc xá từ cách đây nửa tháng, Nguyễn Văn Đạt (38 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) không cầm được nước mắt.
Trước khi cởi bỏ bộ quần áo phạm nhân để quay lại xã hội, tại phân trại K1, Trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc, Đạt đã nói về những tháng ngày "nhúng chàm" của mình...
Quà kỷ niệm của anh em "xã hội"
Trong mỗi cuộc đời, ngoài mối duyên đôi lứa, còn có rất nhiều mối duyên khác mà ta có thể gọi tên hoặc không. Những mối duyên ấy sẽ nhanh chóng qua đi hoặc cũng sẽ ở lại bên ta mãi mãi; Có thể đủ sức đẩy ta tiến lên phía trước hoặc kéo ta đi lùi lại phía sau. Cái duyên kết giao với một người anh "xã hội" đã khiến Đạt đi chậm lại 10 năm cuộc đời. Với tội danh trộm cắp tài sản và bản án 10 năm tù, Đạt đã để mất đi nhiều thứ quý giá. Chấp hành án được 5 năm 3 tháng, ngày 30-8, Đạt chính thức nhận được Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước do cải tạo tốt. Anh không cầm được nước mắt trong ngày trở về...
Đạt vốn là chủ thầu xây dựng, trong tay anh lúc nào cũng có vài tốp thợ đang xây các công trình lớn, nhỏ. Kiếm tiền khá dễ dàng, Đạt lao vào chơi lô đề, cờ bạc. Năm 2005, Đạt kết thân với một người anh "xã hội". Người này nổi tiếng là thợ khóa giỏi nhất, nhì Hà Nội. Nhiều cao thủ "hai ngón" thành danh trong "sự nghiệp" đều phải dựa vào tài lẻ của anh ta. Thân thiết, quý mến Đạt, người này đã tặng cho anh 4 bộ chìa khóa "vạn năng" làm quà kỷ niệm mà không quên dặn dò nó phù hợp đối với mọi loại xe, cả xe máy lẫn ô tô.
Lúc đầu, Đạt giữ món quà như để thể hiện một thú chơi sành điệu. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, Đạt lần lượt sử dụng nó để thử vận may kiếm tiền mà không cần mất công sức.
Đạt bắt đầu bỏ bê công việc, lao vào thú vui "lá bài, con bạc", thường xuyên bỏ nhà đến các xới bạc ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Khi có tiền, Đạt vung tay "nướng" một lúc hàng trăm triệu đồng. Hết tiền, đánh cò con với Đạt, cũng phải lên tới vài chục triệu.
Công việc đình trệ, không có tiền chơi bạc, Đạt nghĩ đến món quà kỷ niệm của ông anh "xã hội". Mang theo 4 bộ chìa khóa, Đạt bắt đầu lên kế hoạch, tìm địa bàn gây án trộm cắp tài sản. Anh ta không nhằm vào nhà riêng để lấy xe mà đến hẳn các cơ quan nhà nước, vờ liên hệ công việc rồi lợi dụng lúc bảo vệ sơ hở để thực hiện việc trộm cắp xe. Mỗi lần như vậy, Đạt chỉ cần "tăm" được xe xịn, đàng hoàng tiếp cận xe rồi cắm chìa khóa và qua mặt bảo vệ, chưa cần đến 5 giây. Đạt "lành nghề" đến mức anh ta chưa bao giờ bị phát hiện, đuổi bắt, trừ lần cuối cùng gây án ở huyện ủy Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Đạt bị bắt quả tang, chấm dứt quãng thời gian kiếm tiền phi pháp.
Đạt kể, để tránh sự truy xét của lực lượng chức năng, anh ta không chỉ gây án quanh khu vực huyện Thạch Thất mà còn mở rộng địa bàn sang các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương hay Phú Thọ. Đạt say cờ bạc như thế nào thì cũng say nghề trộm cắp y như vậy. Cứ nắn túi thấy còn khoảng vài triệu bạc là Đạt lại tìm cách gây án.
Có những lần đi cả chục cây số để đến địa bàn định trộm cắp tài sản mà không thấy có xe xịn, Đạt cũng chấp nhận quay về, tìm "cửa" khác chứ nhất định không lấy xe giá trị thấp. Trong thời gian ngắn, Đạt đã trộm cắp được 20 xe máy gồm các loại: Spacy, Dylan, Nouvo... Tổng số tiền Đạt kiếm được từ việc bán xe của các "khổ chủ" lên tới hơn 300 triệu đồng.
Tỉnh cơn mê
Vợ Đạt vốn là cô giáo dạy mầm non, biết chồng ham chơi, chị nhiều lần khuyên nhủ, nhưng vẫn tin tưởng chồng mình có một công việc ổn định, là chỗ dựa của bao nhiêu anh em thợ thuyền, không thể nào lại sa chân vào con đường phạm tội. Đến khi nghe tin chồng bị bắt vì tội trộm cắp tài sản, cô giáo mầm non như thấy đất sụt dưới chân mình. Chị trở thành chỗ dựa duy nhất của mẹ chồng 83 tuổi và hai con nhỏ dại, một đứa lên 6 còn một đứa 12 tháng tuổi.
Tại phiên tòa, nhìn thấy Đạt trong bộ quần áo tù, người gầy đen, vợ anh nước mắt ngắn dài, vừa thương vừa giận chồng. Đúng 15 ngày sau khi Đạt nhập trại, vợ anh đưa các con lên thăm bố. Lần này, nhìn thấy vợ với gương mặt tiều tụy và đôi mắt trũng sâu vì những đêm suy nghĩ đến mất ngủ, chính Đạt lại bật khóc như một đứa trẻ.
Sau cơn mê dài, Đạt tỉnh giấc với bản án 10 năm tù, sản nghiệp bao năm gây dựng phút chốc tiêu tan, đám thợ làm công cho Đạt tan tác mỗi người một nơi, các chủ công trình, chủ kinh doanh vật liệu xây dựng kéo đến nhà lần lượt đòi nợ. Vợ anh một mình đối mặt với mọi khó khăn, tủi nhục.
Câu chuyện của Đạt khiến tôi bất giác nghĩ đến sức sống từ gốc rễ của cây, cỏ. Cây, cỏ hay con người đều cần phải có một cội rễ, nền tảng để sống. Nếu cội rễ của cây bị bứng đi, cây sẽ chết và con người khi mất đi nền tảng, cũng sẽ lụi tàn, héo úa như cỏ cây. Tiếc là trong dòng xoáy cuộc đời, gốc rễ, nền tảng của con người nhiều khi bị lung lay, họ dễ dàng bị cuốn vào con đường lầm lạc mặc dù trước đó đang có một đời sống hạnh phúc, đủ đầy. Đạt cũng ở trong trường hợp như vậy. Anh trượt dốc cuộc đời bởi đã sống không mục đích, không nền tảng.
Nhưng thật may, trong tận cùng day dứt, ân hận, Đạt đã nhận ra giá trị thực sự của đời sống. Anh đã mắc nợ tất cả những người thân yêu quanh mình và chỉ có thể trả món nợ đó bằng cách cải tạo thật tốt để có tên trong danh sách đặc xá, sớm trở về bên gia đình làm lại cuộc đời.
Nền tảng, cội rễ vốn ở trong lòng mỗi người với sức sống mãnh liệt. Nếu bị bỏ quên, nó có thể lụi tàn, khô héo nhưng nếu được chăm chút, gieo trồng, nó sẽ lại cho những cây đời xanh tốt.TAGS:pham nhan, tu nhan, toa an, an xa, 2-9, nha giam
Chuyện về trùm giang hồ Lâm "chín ngón"
Trùm giang hồ trốn tù đi tìm người “chỉ điểm”
Theo Hồng Anh (Bee.net.vn)