​Nguyên phó Công an TP Tuy Hòa lãnh án treo

DUY THANH |

TAND tỉnh Phú Yên tuyên bị cáo Lê Đức Hoàn - nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau năm ngày xét xử, chiều 15-4 HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Phú Yên tuyên án đối với các bị cáo là sĩ quan công an trong vụ án “dùng nhục hình”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa.

Theo đó, tòa tuyên bị cáo Lê Đức Hoàn - nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP, trưởng ban chuyên án 312T - phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Lê Đức Hoàn (giữa) - nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa - được tòa tuyên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo - Ảnh: Duy Thanh

Nhận định bị cáo Hoàn có nhiều cống hiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm, gia đình cách mạng, bản thân có nhiều bằng khen, giấy khen và được cấp trên đánh giá tốt, nên tòa tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (Viện KSND tỉnh Phú Yên đề xuất 9-12 tháng tù cho hưởng án treo).

Không có “án bỏ túi”

Trong nhóm bị cáo bị truy tố tội “dùng nhục hình”, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa) bị mức án nặng nhất với 8 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm tù).

Các bị cáo Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, nguyên đội phó trinh sát Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Yên) 2 năm 6 tháng tù, Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy, nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa) 2 năm 3 tháng tù (VKS đề nghị cùng mức án 2 năm 6 tháng - 3 năm tù mỗi bị cáo); Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá, nguyên đội phó đội điều tra tội phạm về trật tự Công an TP Tuy Hòa) 2 năm tù (VKS đề nghị 2 năm - 2 năm 6 tháng tù); bị cáo Đỗ Như Huy (trung úy, nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa) 1 năm tù cho hưởng án treo.

Tòa tuyên bác yêu cầu của gia đình bị hại là áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước để bồi thường gần 1,5 tỉ đồng, vì cho rằng có cơ sở để xác định Kiều là tội phạm trộm cắp.

Tòa tuyên áp dụng Bộ luật dân sự, chấp nhận mức bồi thường tối đa 60 tháng lương tối thiểu (69 triệu đồng), 30 triệu đồng mai táng phí cho gia đình bị hại; do các bị cáo đã bồi thường cho gia đình Kiều tổng cộng 186 triệu đồng nên tòa ghi nhận.

Tòa cũng buộc Công an TP Tuy Hòa có trách nhiệm cấp dưỡng cho hai con nhỏ của Kiều mỗi tháng 575.000 đồng/cháu, cho đến khi phát sinh một trong các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Tại cuộc họp báo sau phiên tòa, trả lời câu hỏi của báo chí vì sao ông Lê Đức Hoàn chỉ bị phạt án treo, phạt như vậy có quá nhẹ so với hành vi phạm tội của ông này hay không, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Phi Đô đáp:

“Theo luật, khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể áp dụng điều 47 của bộ luật này để tuyên án ở khung nhẹ hơn liền kề.

Theo quy định của luật, không thể nói án treo là nhẹ hay nặng, mà xét bị cáo có nhân thân tốt, không có khả năng gây tội phạm mới, không nhất thiết phải cách ly ra khỏi xã hội thì cho hưởng án treo”.

Được hỏi liệu có “án bỏ túi” trong xét xử vụ án này không, ông Đô nói: “Mỗi việc khi làm bao giờ cũng có dự kiến, chuẩn bị trước tất cả phương án, nên có thể soạn trước một bản án, rồi trong quá trình xét xử tại tòa chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Cái này được phép làm, chứ không gọi là “án bỏ túi”.

Các ngành có họp bàn nhưng không phải liên quan đến mức án mà để thống nhất những vấn đề khác, ví dụ luật sư nêu ý kiến thế này thì hồ sơ đủ chưa, cần bổ sung gì không, chứ tòa xét xử thì độc lập, tuyên án, không ai tác động”.

Quang cảnh buổi tuyên án vụ dùng nhục hình làm chết nghi phạm tại TAND tỉnh Phú Yên chiều 15-4 - Ảnh: Duy Thanh

“Xét thấy không có căn cứ”

Cũng tại cuộc họp báo do TAND tỉnh Phú Yên tổ chức ngay sau phiên xét xử, khi phóng viên hỏi đã có các dấu hiệu rõ ràng của tội “bắt giữ người trái pháp luật”, vì sao HĐXX không trả hồ sơ để điều tra làm rõ dấu hiệu tội phạm này, ông Nguyễn Phi Đô trả lời: “Trong bản án tôi nhận định kỹ rồi nên không giải thích thêm”.

Vấn đề này, trong bản án nêu: “Tại tòa, các luật sư cho rằng có bỏ lọt tội phạm và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội “bắt giữ người trái pháp luật”, “giết người”, “cố ý gây thương tích”, “làm sai lệch hồ sơ vụ án”, “khai báo gian dối”, “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.

Xét thấy, đối với các ông Nguyễn Văn Lai (công an huyện Tây Hòa), Đỗ Công Phi (công an TP Tuy Hòa) cùng một số cán bộ công an có hành vi còng tay Ngô Thanh Kiều tại nhà riêng, dẫn giải về trụ sở công an trong khi không có lệnh bắt giữ là có dấu hiệu của tội “bắt giữ người trái pháp luật”.

Tuy nhiên, tại thời điểm này đã có căn cứ xác định Kiều là đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản cùng Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn; Kiều là người có tiền án tiền sự; có biểu hiện bỏ trốn sau khi vụ án được phát hiện, truy đuổi; việc còng tay nhằm chống xảy ra trường hợp đối tượng manh động, bỏ trốn, nên cơ quan điều tra Viện KSND tối cao kết luận việc bắt giữ là có căn cứ và cần thiết, chỉ vi phạm về hình thức, thủ tục tố tụng và đã kiến nghị giám đốc Công an tỉnh Phú Yên xử lý kỷ luật là có căn cứ nên tòa không xét.

Đối với các tội danh khác, đại diện Viện KSND tại tòa đã có tranh luận và không chấp nhận, tòa xét thấy không có căn cứ nên không xét”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại