Nghe nữ quản giáo trẻ nói về My "sói"

trangnguyen |

Người phụ nữ 24 tuổi này đã thấu hiểu và chia sẻ với nhiều tội phạm giết người nguy hiểm.

Nhìn gương mặt hiền lành của Vũ Thị Đức Hạnh (24 tuổi), ít người tin cô thường xuyên tiếp xúc và cảm hóa những tội phạm giết người, buôn ma túy, cướp giật...

Sau khi học xong, Hạnh được phân công vào Đội quản giáo 3 trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội, nơi có những nữ quản giáo nhiều kinh nghiệm. Hạnh cười bảo, đó là may mắn của cô trong thời gian mới tiếp nhận công việc.

Đã hai năm với nghề quản giáo, cô vẫn còn nhớ ngày đầu được phân công vào trại đầy bỡ ngỡ. Mọi thứ trên ghế nhà trường dạy khi ra thực tế khác rất nhiều, "thiên biến vạn hóa".

Hạnh chú tâm nhìn xung quanh các chị, các cô trong Đội 3 làm để tích lũy kinh nghiệm. “Lúc đầu, em cũng gặp khó khăn khi các can phạm thấy em trẻ quá, họ không nghe và có những biểu hiện chống đối”, Hạnh cho biết.

Dần dần, Hạnh chững chạc và biết cách xử lý khi tiếp xúc với can phạm, phạm nhân khó bảo. Cô đã quen với những tiếng la ó, tục tĩu ở buồng tạm giam, hay những chiêu chống đối nhịn ăn, tự tử của họ vì nghĩ quẩn. Vẻ hiền lành của cô khiến những can phạm, phạm nhân ở trại thấy gần gũi.

Nghe nữ quản giáo trẻ nói về My "sói" 1

Quản giáo Vũ Thị Đức Hạnh. Ảnh:Việt Dũng.

Đội của Hạnh chuyên quản lý các can phạm là nữ nên cô có những đồng cảm, hiểu tâm tư nguyện vọng. Những người lầm đường lạc lối, không phải ai cũng xấu. Có người phạm tội do hoàn cảnh khách quan, do sự bồng bột, thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ.

Hạnh vẫn còn nhớ can phạm Trần Thu Trang (16 tuổi, ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), bị truy tố tội Giết người, án 6 năm tù. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của nữ sinh giỏi Văn xuất phát từ mâu thuẫn với người bạn gái cùng trường.

Do cô bạn này cho rằng Trang “cướp” người yêu của mình nên nhiều lần xích mích. Trong một lần đến nhà tìm đánh “tình địch”, cô bạn này đã bị Trang chống trả, đâm chết. Những ngày đầu bị tạm giam, Trang khủng hoảng tinh thần, khóc suốt ngày và xen lẫn sự sợ hãi.

“Đang học hành giỏi giang, bỗng chốc thành kẻ giết người, Trang sốc lắm. Nhiều ngày liền, cô bé khóc, nhịn ăn uống và đòi về nhà”, quản giáo Hạnh nhớ đến can phạm nhỏ tuổi.

Ban đầu, nữ quản giáo đã gặng hỏi về chuyện học hành, bạn bè, trường lớp của Trang để tiếp cận. Sau đó, Trang đã tin tưởng nữ quản giáo trẻ, chia sẻ và dần cân bằng tâm lý. Hôm Trang nhận án và đi cải tạo ở trại giam khác, cô bé đã hứa sẽ cải tạo thật tốt để sớm trở về với xã hội, làm lại từ đầu.

Thượng sĩ Hạnh cũng nhớ My “Sói” - can phạm tuổi teen có vẻ ngoài mạnh mẽ nhưng ẩn đằng sau là sự yếu đuối. Cũng giống Trang, My “Sói” có những ngày đầu vào trại lầm lì và luôn tỏ ra cứng cỏi. “Lần My nhảy xuống bể nước tự tử cho thấy cô bé rất tình cảm và yếu đuối khác hẳn với những định kiến trước đó về can phạm này là phạm tội lạnh lùng, ra tay tàn ác”, quản giáo Hạnh nói.

Hôm My “Sói” tự tử đúng vào ca trực của Hạnh. Nghe can phạm khác báo có người nhảy xuống bể tự tử, cô vội chạy tới hiện trường. My “Sói” thoát chết nhưng người run cầm cập vì trời lạnh cóng.

Cùng một số cán bộ quản giáo khác, sau khi giúp My “Sói” làm ấm người, Hạnh hỏi rõ nguồn cơn của suy nghĩ nông cạn đó. “Cô bé buồn vì đến ngày bố vào tiếp tế nhưng không thấy đâu”, quản giáo Hạnh nhớ lại. Sau lần đó, đến ca trực, Hạnh lại gần gũi và chỉ ra việc làm sai trái của My “Sói” để cô bé tiếp thu và dần “lành tính” hơn.

Hạnh tâm niệm, các phạm nhân đều có gia đình, có tình cảm, do đó cần khơi gợi niềm tin vào cuộc sống, sự khoan hồng của pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại