Góc khuất của án tử hình nữ giới

havan |

Góc khuất của án tử hình đối với nữ giới được phơi bày ra ánh sáng, nó đã tác động mạnh đến các tổ chức hoạt động nhân quyền và chính phủ nhiều nước.

Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến quyết định bãi bỏ hoặc hạn chế tối đa hình thức tử hình hiện nay.

Nỗi đau tinh thần

Louise Harris, một người Mỹ gốc Phi tại Alabama (Mỹ), bị kết tội sát phu. Do bị chồng bạo hành trong suốt thời gian dài, Louise đã cùng với người tình lên kế hoạch giết chết chồng trên đường anh ta đi làm về.

Atefeh Rajabi lúc sắp bị thi hành án bằng cách treo cổ

Trong hồ sơ của vụ án, phần hoàn cảnh của Louise đã cho thấy một quá khứ hết sức tồi tệ: 11 tuổi bị cưỡng bức, 14 tuổi tận mắt chứng kiến cha mình bị giết, em trai bị chết đuối, có ba đời chồng và bị cả ba đánh đập dã man đến mức vào ra bệnh viện liên tục.

Theo kết luận của các bác sĩ, hành vi thông đồng giết người của Louise bị ảnh hưởng rất nhiều từ các tổn thương tinh thần trong suốt thời gian dài. Theo một khảo sát của Tổ chức ACLU (American Civil Liberties Union) vào năm 2004 trên 66 người nữ chịu án tử hình tại Mỹ, thì 30% cho biết thường xuyên bị chồng/bạn tình đánh đập, 11% bị bạo hành trong gia đình khi còn nhỏ, và đặc biệt có đến 55% thừa nhận mình thường xuyên là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục.

Vấn đề bị lạm dụng tình dục có tác động rất lớn đến tinh thần và hành vi phạm tội của các nữ phạm nhân, thay cho các loại động cơ phạm tội nghiêm trọng thường thấy như: chiếm đoạt tài sản, làm giàu phi pháp...

Và án của cô bé Atefeh Rajabi đã được thi hành

Những vụ án bị “bỏ rơi”

Bên cạnh việc bị tác động tinh thần từ bạo hành, xâm hại tình dục, nữ giới khi chịu án tử hình còn phải đối mặt với những định kiến xã hội và sự bỏ rơi khi xét xử, định tội, dẫn đến rất nhiều vụ án mà họ đã bị xử tử hình một cách vội vã và có thể không chính xác.

Giáo sư Victor Streib của Trường Ohio Northern University, người đang nghiên cứu về vấn đề nữ giới chịu án tử hình, đã đưa ra thống kê 58% các vụ án nữ giới chịu án tử hình tại Mỹ có sai sót trong việc định tội. Ở Mỹ, hầu hết nữ phạm nhân chịu án tử hình đều có xuất thân gia đình nghèo, thất học, nên luật sư của họ khi ra tòa sẽ là luật sư chỉ định. Tuy nhiên, các luật sư này thường không thật sự đầu tư cho công việc, nhất là với các án tử hình (khả năng thành công rất thấp) và điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.

Judy Haney ở Alabama (Mỹ) bị buộc tội thuê người giết chồng sau khi anh ta lạm dụng tình dục cô và cả con gái trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho cô lại không hề nhắc đến cũng như tìm kiếm các bằng chứng cần thiết để làm rõ vấn đề bị bạo hành đó.

Thậm chí anh này còn say xỉn đến mức tòa phải hoãn một ngày để chờ anh ta... tỉnh táo lại. Kết quả, Judy bị kết án tử hình. Phải mất đến tám năm chờ đợi và nỗ lực tranh đấu, Judy Haney mới được xóa án tử hình, thay vào đó là án chung thân không ân xá.

Còn tại một số quốc gia Hồi giáo, đặc biệt các địa phương còn hủ tục trọng nam khinh nữ thì tình trạng bị “bỏ rơi” trong việc xét xử nữ giới vào tội tử hình còn phổ biến và đau lòng hơn.

Theo Đoàn Bảo Châu

Tuổi Trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại