Theo bản cáo trạng, khoảng 3 giờ 30 ngày 17- 10-2009, sau khi uống rượu say, Nguyễn Thắng Lợi (19 tuổi) rủ Nguyễn Hoàng Sơn (21 tuổi, cùng ngụ tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đi trộm dép của những người thuê trọ tại nhà trọ Mỹ Dung. Khi đang thực hiện hành vi trộm cắp, chúng bị anh Nguyễn Văn Mạnh phát hiện và tri hô, liền ném hai chiếc dép vừa trộm được vào phòng anh Mạnh rồi dùng tay đập cửa nhằm răn đe anh Mạnh. Anh Mạnh cùng anh Nguyễn Văn Chung và anh Lê Thanh Tuyến - đều ở khu nhà trọ này đi bắt trộm. Thấy vậy, Sơn và Lợi lên xe đạp chạy trốn.
Hai bị cáo Nguyễn Hoàng Sơn và Nguyễn Thắng Lợi tại phiên Tòa sơ thẩm.
Chạy đến nhà thờ Bắc Hà thì Sơn và Lợi nhặt một khúc gỗ đứng chờ để đánh trả người đuổi bắt mình. Mỗi người chia một hướng tìm Sơn và Lợi ở khu vực sân vận động. Biết anh Chung trượt chân té, Lợi và Sơn lao đến gần, Sơn cầm cây gỗ đánh nhiều cái trúng vào đầu, thái dương và toàn cơ thể anh Chung khiến anh Chung gục chết tại chỗ.
Thấy anh Chung bị đánh, anh Mạnh và anh Tuyến định giải vây nhưng bị Lợi và Sơn đe dọa và cầm gậy xua đuổi. Khi biết anh Chung đã chết, hai hung thủ bỏ trốn.
Chỉ vì không dạy con
Khi gây án, Sơn đang bị HIV giai đoạn cuối. Đây không phải là lần phạm tội đầu tiên của hắn bởi trước kia hắn từng gây án với cha dượng của hắn. Khi con đánh chết người, mẹ của Sơn có đến gặp gia đình anh Chung và nói với chị Nguyễn Thị Ngọc-vợ của anh Chung rằng không còn coi Sơn là con nữa và chốt bằng một câu lạnh tanh: "Nói chung là ai làm người đó chịu".
Sáng hôm tòa xử sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Thùy Trang (mẹ của Lợi) thuê xe ôm từ trên Củ Chi xuống. Giọt nước mắt giận mình vì không dạy được con rơi xuống muộn màng tại phiên tòa.
Gia đình lợi cũng không mấy khá giả, mẹ Lợi ở nhà may đồ gia công, một tháng thu nhập hơn 1 triệu đồng. Bây giờ "con dại cái mang", bà đành chấp nhận, khoản tiền bồi thường đối với bà lúc này là quá lớn. Cố gắng chạy vạy để bồi thường cho gia đình nạn nhân mong chuộc lại phần nào tội lỗi mà con mình gây ra.
Bà Trang nói: "Ở nhà thằng Lợi ngoan hiền lắm. Nó mới quen bạn xấu nên học đòi.Vợ chồng tôi ly dị sớm, nên con cũng thiếu thốn sự dạy dỗ, thế nên mới ra nông nỗi".
Mức án 14 năm cho bị cáo Nguyễn Thắng Lợi và tử hình cho Nguyễn Hoàng Sơn là kết quả của phiên tòa sơ thẩm, dành cho tội ác mà chúng gây ra.
Mất mát nhưng vẫn bao dung với kẻ thủ ác
Chị Nguyễn Thị Ngọc mới 28 tuổi đã thành góa phụ. Cháu Sang (con anh Chung) mới hơn 4 tuổi phải chịu cảnh không cha. Người mẹ già cần được phụng dưỡng của người con trai, nay đã mất con vĩnh viễn.
Một câu chuyện thật khá đau lòng trước tòa: bé sang muốn gọi bác mình là bố. Bà nội chỉ sợ cháu gọi linh tinh khiến thiên hạ cười nên lúc nào cũng kè kè bên cháu.
Anh Chung và chị Ngọc đều làm công nhân trong xưởng may, anh làm thợ ủi đồ, chị làm thợ may. Mức lương của hai người cộng lại khoảng 6 triệu/ tháng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để nuôi mẹ già và con thơ ở quê và chắt bóp cho cuộc sống vừa đủ.
Sau cái chết oan uổng của chồng, chị Ngọc thêm nặng gánh. Trên đôi vai phụ nữ oằn lên một lúc nhiều trọng trách: vừa làm mẹ lại vừa phải làm cha, vừa phải thay chồng báo hiếu cho người mẹ chồng đang bệnh huyết áp cao.
Ở người vợ trẻ, không chỉ là lo cho con cuộc sống vật chất, mà còn một nỗi lo ngại khác, về tương lai của đứa con nhỏ khi thiếu vắng người cha: "Tôi chỉ còn biết sống và làm việc hy vọng nuôi con nên người. Con nhỏ mà không có bố chỉ sợ nó thiếu thốn tình cảm, dễ sinh hư hỏng. Làm mẹ mà không nuôi dạy được con, tôi sẽ là người có lỗi với chồng".
Nhìn chính bài học từ những kẻ giết chồng mình, những kẻ hư hỏng sớm do thiếu giáo dục, chị không khỏi giật mình. Cái giật mình còn lại sau phiên tòa.
Đi lập nghiệp có chồng có vợ, giờ chị khăn gói về quê với bao mất mát. Phố phường với bao ám ảnh tệ nạn, cũng là lúc chị nghĩ một chốn an toàn cho con.
Một tháng sau khi sự việc xảy ra mẹ của Lợi đến chỗ ở của gia đình nạn nhân bồi thường 4 triệu phụ giúp chị Ngọc tiền nuôi con. Nỗi căm phẫn của người phụ nữ bất hạnh vẫn không nguôi ngoai. Nhưng cảm cảnh trước sự tội nghiệp của gia đình Lợi, lòng chị chùng xuống và hoàn toàn thông cảm. Trước tòa, chị cũng xin được giảm nhẹ tội cho Lợi.
Dù đối mặt với nỗi đau mất con, nhưng mẹ già của người quá cố vẫn xin giảm án cho những kẻ đã giết con mình, nhất là kẻ đối mặt với án tử hình, để kẻ đó được sống để làm lại cuộc đời.
Với bà "Chúng nó còn trẻ, nên cho chúng cơ hội làm lại cuộc đời. Có thêm một sự chết chóc nào trên đời cũng chẳng ai muốn. Sơn mắc căn bệnh thế kỷ chẳng sống được bao lâu, Lợi đang còn trẻ, con đường trở thành người lương thiện vẫn rộng mở ở phía trước". Thế nên bà vẫn muốn Sơn có cơ hội sống và Lợi có thêm thời gian cho tuổi trẻ không lãng phí.
Phiên tòa khép lại. Hình ảnh người mẹ già với những giọt nước mắt thật sự ám ảnh. Nỗi đau mất con, nỗi đau cháu không có cha dạy dỗ. Và một nỗi lo khác, khi con dâu đi bước nữa cũng là một câu hỏi lớn ở tương lai đối với bà. Bà không thể giữ chân con dâu, vì người phụ nữ trẻ phải đi tìm hạnh phúc cho mình. Nhưng, tuổi già đang cận kề với một nỗi hoang mang đang đeo bám suy nghĩ bà.
Phía sau một tội ác với bao nỗi đau là như vậy đấy. Tiếng chuông gióng lên cho những bậc làm cha làm mẹ về trách nhiệm dạy dỗ con cái. Một điều đã rất cũ nhưng nhiều gia đình hiện nay vẫn chưa ý thức được: việc dạy con nên người không chỉ là trách nhiệm với con, với mình mà còn là trách nhiệm cả với xã hội.
Theo Người đưa tin