Bị “ma” quấy rối
“Tôi ở một nơi rất xa, lạnh lẽo toàn máu là máu. Tôi bị đâm nên chưa được siêu thoát. Tôi đang ở ngay cạnh bạn và tôi rất mến bạn. Mình có thể đắp chung chăn không... ?” Đây là một trong số những tin nhắn “ma” mà Nga nhận được trong thời gian gần đây.
Nga kể lại: “Lần đầu tiên, em nhận được tin nhắn “rùng rợn” như thế khi đang ngồi học một mình trong phòng, lúc đó đã gần 12h đêm. Em sợ đến dựng cả tóc gáy và không thể tiếp tục học được nữa. Sau khi nhận được liên tiếp hai tin nhắn với nội dung tương tự, em phải tắt máy rồi để nguyên đèn, chui vào chăn nhưng vẫn không tài nào ngủ được nên đành sang phòng chị gái em ngủ nhờ”.
Nga cho biết, không chỉ mình mà vài người bạn khác trong lớp cũng nhận được những tin nhắn kiểu như vậy, trong cả tuần liền. Những bạn yếu bóng vía, sợ ma thì chỉ biết xóa tin nhắn, tắt điện thoại rồi... run. Bạn nào bạo dạn hơn thì nhắn hay gọi lại, nhưng thường thấy số điện thoại lạ kia tắt máy hoặc tiếp tục nhắn các tin khác, kể tiếp về những “câu chuyện bị chết oan” rùng rợn.
Không chỉ nhận được những tin nhắn theo kiểu giả ma, hù dọa như trên, có những bạn trẻ còn nhận được các tin theo kiểu ép buộc lan truyền mang tính mê tín dạng: “Nếu gửi cho 10 người thì người yêu của bạn sẽ luôn bên bạn, 20 người thì 15 phút sau điều bạn muốn sẽ đến. Còn không gửi hạnh phúc của bạn sẽ mãi mãi là con số không”…
Không chỉ nhắn tin với mục đích hù dọa người khác mà một số đối tượng còn gửi tin nhắn với nội dung khủng bố tinh thần chủ máy, hăm dọa, chia rẽ tình yêu, tình cảm vợ chồng... Chị Phương Linh, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình bức xúc: “Hè vừa rồi, trong khi vợ chồng tôi đi nghỉ mát ở Nha Trang thì máy điện thoại di động của tôi thường xuyên nhận được tin nhắn có nội dung: “Sao hôm qua em hẹn với anh nhưng lại không đến. Anh V…”. Chồng vô tình đọc được tin nhắn trên nên tra hỏi và nghi ngờ lòng chung thuỷ của tôi. Kết cục là chúng tôi đã cãi cọ và phải chấm dứt kỳ nghỉ trong tâm trạng bực bội, nghi kỵ…” .
Khó xử lý…
Điều đáng nói là hầu hết những tin nhắn dọa ma, quấy rối đều xuất phát từ những số điện thoại khuyến mãi, mà chủ nhân của nó đa số là những người có quen biết với người nhận tin nhắn. Việc thường xuyên nhận được tin nhắn quấy rối có thể sẽ khiến người nhận cảm thấy hoang mang, lo sợ, không tập trung được vào công việc, học tập, thậm chí sẽ bị hoảng loạn, ảnh hưởng đến thần kinh. Trong thực tế đã có trường hợp một nữ sinh viên bị hoảng loạn tinh thần, suy giảm sức khỏe dẫn đến ngất xỉu và phải đi cấp cứu khi nhận được những tin nhắn ma liên tiếp với nội dung lặp đi lặp lại và mang tính hù dọa vào nửa đêm.
Theo các bác sỹ tại bệnh viện Tâm thần quốc gia - bệnh viện Bạch Mai, các nạn nhân của tin nhắn quấy rối hầu hết đều rơi vào tâm trạng mệt mỏi, bực dọc và ức chế. Cần khẳng định rằng những tin nhắn gieo rắc sợ hãi, mê tín không có cơ sở gì về mặt khoa học, nên khi nhận được tin nhắn kiểu này, không nên sợ hãi, hoang mang mà hãy coi như chưa đọc được để người nhắn tin khi không đạt được mục đích sẽ tự động bỏ cuộc. Trong trường hợp họ tiếp tục gửi, người nhận tin nên báo cho nhà cung cấp dịch vụ điện thoại để có biện pháp giải quyết.
Về vấn đề này, một đại diện của Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho rằng, tình trạng quấy rối điện thoại xảy ra với cả số điện thoại cá nhân và cơ quan. Mặc dù đã có chế tài xử lý hành vi này song vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Phần lớn những chủ nhân của các số điện thoại quấy rối đều là thuê bao trả trước nên rất khó cho việc truy tìm thủ phạm. Do đó điều quan trọng nhất là các chủ thuê bao khi nhận được tin nhắn hãy bình tĩnh, không nên nhắn hoặc gọi lại, vừa mất thời gian, vừa chuốc bực vào người.
Theo Phapluattp.vn