Một buổi chiều trên đường đi làm về qua đại lộ Võ Văn Kiệt (TP HCM), chị Thanh (quận Bình Thạnh) thấy hai phụ nữ trạc tuổi 40 chỉ tay vào xe máy của chị, ra hiệu như đang có sự cố. Không để ý đến việc này, chị đi tiếp. Chạy thêm chừng 500 m, thêm người đàn ông chạy vượt qua, lại chỉ tay vào xe của chị.
Chột dạ, chị Thanh dừng lại, quan sát kỹ lốp xe, vành xe, máy… nhưng không phát hiện bất thường nào. Tuy đã nổ máy chạy tiếp nhưng người phụ nữ này không khỏi băn khoăn.
Vòng cao su mà người đàn ông đã thay cho chị Thanh, hét giá 280.000 đồng. Ảnh:Tá Lâm.
Đi thêm một đoạn, có người đàn ông chở theo phụ nữ phóng tới, giọng hốt hoảng nói với chị Thanh: “Hình như xe con bị cái gì kìa, thấy người ta chỉ chỉ quá chừng”. Hoảng sợ, chị dừng xe lại cùng với người đàn ông xem xét chiếc Jupiter.
Người đàn ông xoay xoay vặn vặn các con ốc một lúc thì lấy ra một miếng cao su tròn tròn bị bể. Ông ta nói với chị Thanh, vật này hỏng nên làm xăng chảy ra gây xẹt lửa, nếu không kịp thời sửa chữa thì sẽ phát nổ ngay. “Trong lòng đầy hoài nghi, nhưng vì nghĩ người ta giúp mình, sau khi cám ơn rối rít, tôi hỏi cái miếng cao su đó bao nhiêu tiền, ông ta hét giá 280.000 đồng”, chị Thanh kể.
Nghi ngờ bị sập bẫy băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chị Thanh thấy sợ nhưng cũng kiên quyết không để mất tiền oan. Chị hỏi xin cái namecard để có dịp "đền ơn" thì được người đàn bà cho biết là quên đem theo. Bị hai người này hối thúc đưa tiền, chị vẫn bình tĩnh nói trong túi chỉ còn 80.000 đồng.
Họ tỏ ra rất giận dữ và khăng khăng bắt phải trả đủ 280.000 đồng. Nhưng khi chị Thanh nói sẽ gọi điện cho anh trai đưa tiền ra trả và móc túi lấy điện thoại, hai người này chấp nhận cầm 80.000 đồng.
Không chỉ có ở đại lộ Võ Văn Kiệt, trên các con đường của TP HCM như xa lộ Hà Nội (đoạn Suối Tiên đến Nghĩa trang thành phố), cầu Sài Gòn… chiêu lừa “xe xẹt lửa” cũng thường xuyên diễn ra.
Khác với chiêu lừa xe cháy, ở TP CHM cũng xuất hiện nhiều người đóng giả thợ điện đi bán máy khoan để lừa đảo.Cách đây mấy hôm, chị Ngói (sinh viên ĐH KHXH và Nhân văn TP HCM) bị một thanh niên lừa lấy mất máy tính xách tay, 200.000 đồng và giấy tờ tùy thân.
Chị kể, vừa bước ra cổng trường, có người khoảng 27 tuổi, mặc đồ công nhân thợ điện đến hỏi chuyện. "Anh làm thợ điện, có mấy cái máy khoan muốn bán nhưng không dám lộ mặt, muốn nhờ em bán giúp anh sẽ cho em một triệu đồng", anh ta nói.
Chiếc máy khoan mà người đóng giả làm thợ điện nhờ bán để lừa đảo.Ảnh minh họa: Tá Lâm.
Thấy chỉ cần bán giúp anh ta mà được chia tiền, Ngói đồng ý. Người thanh niên này dẫn Ngói đến gần một cửa hàng, đưa cho 3 chiếc máy khoan và một tờ hóa đơn thanh toán, bảo cô sinh viên vào bán cho chủ cửa hàng với giá 9 triệu đồng.
Anh ta yêu cầu Ngói để lại túi xách làm tin với lý do sợ Ngói "chạy mất". Anh ta còn đưa chìa khóa xe Novo đang chạy cho cô sinh viên giữ làm tin. Không mảy may nghi ngờ, Ngói để lại chiếc túi xách.
Chỉ đợi Ngói vào cửa hàng, người thanh niên lấy chìa khóa khác mở xe, phóng bỏ đi cùng chiếc túi xách có chứa laptop, giấy tờ tùy thân và 200.000 đồng của Ngói. Ba máy khoan người thanh niên giao cho Ngói là hàng giá rẻ, chỉ khoảng 300.000 đồng một chiếc.
Chiêu thức giả cảnh nghèo khổ để tìm sự thương hại của người dân cũng khiến nhiều người đi đường mắc bẫy. Công an phường 22 (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã lật tẩy màn kịch của bà Đặng Thị Ký (57 tuổi) - dàn cảnh để người đi đường va quẹt làm đổ gánh tàu hủ, khóc lóc kêu gọi lòng thương.
Tại cơ quan điều tra, người đàn bà này khai hàng sáng gánh tàu hủ trên hành lang bộ hành cầu Sài Gòn. Đợi đến lúc đông người, bà giả vờ va quyệt phải người đi đường làm gánh tàu hủ rơi tung tóe. Ngay lập tức, bà ta kêu khóc thảm thiết cầu xin lòng thương hại của mọi người.
Hàng trăm người đi đường tin vào hoàn cảnh thương tâm của bà đã cho 10.000 đồng, 20.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng. Một lần "đóng kịch" khoảng một đến hai giờ, bà Ký thu được gần một triệu đồng.
Theo VNE