Ngày làm việc thứ ba (30/8) của phiên phúc thẩm, TAND Tối cao dành phần lớn thời gian để công tố viên đối đáp với luật sư bảo vệ cho 8 bị cáo có đơn chống án. Theo đại diện VKS, trong hai ngày thẩm vấn, nội dung các bị cáo khai nhận là phù hợp với tài liệu điều tra.
Về thẩm định thiệt hại trong các dự án, cơ quan công tố khẳng định các nội dung đã được những người có chuyên môn uy tín thực hiện. Do vậy kết quả là phù hợp. “Các luật sư nếu thấy có sai phạm về thẩm định có quyền khiếu nại, tố cáo”, công tố viên nói.
VKS cho rằng, thời điểm tập đoàn Vinashin được thành lập, đất nước còn quá nghèo, Chính phủ phải huy động nhiều nguồn để phát triển kinh tế. Với số vốn khó khăn mới huy động được, Nhà nước yêu cầu người nắm giữ tài sản, vốn đầu tư phải có hiệu quả, chứ không phải là thất thoát, tham nhũng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hậu và Phạm Thanh Bình. Ảnh: Việt Dũng
Tiếp đó, công tố viên xoáy sâu vào nội dung kháng cáo
của bị cáo Trịnh Thị Hậu (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH
MTV Công nghiệp tàu thủy) khi bà này cho rằng không phạm tội Cố ý làm
trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng như cấp sơ thẩm
tuyên phạt.
VKS đưa ra dẫn chứng, trong dự án tàu Bình Định Star, qua khai nhận của các bị cáo và tài liệu trong hồ sơ điều tra đã cho thấy bà Hậu ký hợp đồng cho vay hơn 29 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ. Vào thời điểm giải ngân (năm 2006), công ty chưa phê duyệt dự án mua con tàu này. Chưa có quyết định của Hội đồng quản lý vốn, song bà Hậu đã giải ngân. Trong dự án, bà Hậu còn ký hợp đồng chuyển từ thế chấp tài sản sang hợp đồng thế chấp không bằng tài sản, điều này là “vượt quyền”.
Ngoài hành vi trên, sau khi Công ty Hoàng Anh chuyển hồ sơ, bà Hậu thừa biết một số hóa đơn không hợp pháp nhưng đã cho công ty này “nợ” hóa đơn, chứng từ rồi quyết toán hồ sơ cho vay vốn. "Bị cáo Hậu luôn giải ngân trước mới trình lên Hội đồng quản lý vốn nên đã vi phạm về quản lý", công tố viên nói.
Trong dự án mua tàu Hoa Sen, cơ quan công tố nhận thấy bà Hậu có hành vi tiếp sức cho ông Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương) mua tàu không đúng với tinh thần của Chính phủ. "Việc quy kết tội danh là có căn cứ, không oan nên không thể áp dụng bất kỳ một điều khoản, điều luật nào khác cho bị cáo", VKS đối đáp.
Bị cáo Trần Văn Liêm. Ảnh: Việt Dũng
Với bị cáo Trần Quang Vũ (nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu) trong sai phạm bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, VKS cho rằng ông Vũ có ký hợp đồng vay 106 tỷ đồng và ký thế chấp bằng con tàu này.
Trong thời gian quản lý con tàu, ông đã xin phép bán đấu giá nhưng không thành công. Theo quy định pháp luật, việc tự ý phá dỡ bán tài sản thế chấp là sai phạm. Hơn nữa, sau khi bán vỏ con tàu, bị cáo không trả lại tiền đã vay. VKS nhận thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Kết thúc tranh luận, trước khi vào nghị án, ông Bình và các bị cáo khác được nói lời sau cùng. Cựu chủ tịch Vinashin khẳng định chịu tất cả trách nhiệm hành vi trong các dự án. “Trước Đảng, Nhà nước và Chính phủ và nhân dân tôi xin lỗi vì đã không thực hiện được đúng chức danh, nhiệm vụ được giao”, người nhiều năm đứng đầu tập đoàn kinh tế lớn của cả nước nói.
Ông Bình cũng xin lỗi tất cả nhân viên của tập đoàn
Vinashin vì “không đưa được con tàu Vinashin đến bến bờ phát triển”. ông
mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho đồng nghiệp cũ cùng những
người liên quan vụ án.
Riêng cá nhân mình, ông Bình cũng mong được HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân, gia đình có công với Nhà nước. Ngập ngừng một lúc, cựu chủ tịch Vinashin cho rằng tất cả những thiệt hại đều không phải do mình trực tiếp thực hiện.
Ông Liêm trong lời nói sau cùng cũng mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt tù, bồi thường. Riêng bị cáo Hậu, nghẹn ngào cho rằng bản thân có mẹ già, chồng thương binh bệnh tật nên mong được xem xét. “Dù tòa có kết luận như thế nào, cũng mong các công ty, đơn vị đã vay của tập đoàn sẽ trả nợ cho tập đoàn”, bị cáo Hậu nói.
Dự kiến 15h30, Tòa sẽ tuyên án.