"Pháo đã lên nòng", chiến dịch Idlib sắp bùng nổ?

Quốc Vinh |

Mặc dù đã có các đợt bắn phá đầu tiên ở Idlib do Nga hậu thuẫn, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vừa tăng cường hỗ trợ quân sự cho phe đối lập, nhưng một cuộc xung đột quy mô lớn giữa hai bên sẽ chưa xảy ra.

Trong những ngày tiếp theo sau hội nghị thượng đỉnh tại Tehran giữa Nga , Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về số phận Idlib, hoạt động bắn phá ở các khu vực đối lập đã được tăng cường đáng kể.

Sự leo thang này đã thúc đẩy những suy đoán cho rằng cuộc tấn công quy mô lớn chống lại phiến quân ở Idlib sắp được thực hiện bởi lực lượng Chính phủ Syria và được ủng hộ bởi các đồng minh Nga và Iran.

Nhưng mặc dù cả hai bên Damascus và phiến quân đã đẩy mạnh hành động chuẩn bị quân sự của riêng mình, vẫn còn rất lâu mới có tấn công toàn diện nổ ra, theo nhận định của một chỉ huy phe nổi dậy hiện tại.

"Tôi không nghĩ rằng sẽ có một cuộc tấn công vào Idlib dù là bằng cách nào", Tariq Sulaq, một trong những chỉ huy của nhóm al-Jabha al-Wataniya lil-Tahrir (NLF), một trong hai liên minh đối lập vũ trang chính ở Idlib, cho biết.

"Tôi nghĩ chúng ta đang trong thời điểm tìm kiếm giải pháp cho Syria", nhân vật này nói với Al Jazeera.

Idlib là rào cản cuối cùng còn lại ngăn cách giữa Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi loạn, kể từ khi cuộc chiến bùng nổ vào năm 2011.

Theo Sulaq, việc bắn phá liên tục các khu vực phiến quân ở miền nam Idlib và tỉnh Hama không báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc tấn công mặt đất.

"Nga và chính quyền Syria đang gây áp lực quân sự và truyền thông nhằm mục đích lấy lòng dân thường và triệt tiêu tinh thần của các phe vũ trang bằng cách cố gắng thuyết phục họ rằng người Thổ không thể bảo vệ họ", Sulaq nói.

Đối với Sulaq, hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Thủ đô Iran không có tác động lớn đến tình hình trên mặt đất. Nhân vật này sau đó đã tham dự một cuộc họp với các sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ một giờ sau khi đàm phán kết thúc.

"Họ nói với chúng tôi rằng... nếu Nga và Iran đưa ra quyết định tấn công để giải phóng khu vực, họ sẽ can thiệp và sẽ đứng trên tiền tuyến với những chiến binh đối lập Syria", Sulaq nói. "Họ rất nghiêm túc về quyết định này và động thái của họ trên mặt đất cho thấy điều đó".

Trong tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ một số nhóm nổi dậy ở Idlib bằng việc đưa quân tiếp viện tới 12 đồn quan sát trong các khu vực đối lập, vốn được thành lập theo thỏa thuận "ngừng leo thang" với Nga và Iran năm ngoái.

Pháo đã lên nòng, chiến dịch Idlib sắp bùng nổ? - Ảnh 1.

Cảnh đổ nát ở Idlib.

Sulaq cho biết, vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng, đã tiến vào Idlib, nói thêm rằng có cả một kế hoạch dự phòng cho việc triển khai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt đất trong trường hợp một cuộc tấn công vào Idlib.

Khalid Rahal, cựu chỉ huy của nhóm vũ trang đối lập al-Hijra ila-Allah (Hijra to Allah), hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng ý rằng một cuộc tấn công có thể không bắt đầu sớm, trong lúc các cuộc đàm phán chính trị vẫn đang tiếp diễn.

"Người Nga và Damascus đang chuẩn bị. Họ đang triển khai những đoàn tàu vận tải và tích lũy quân gần tiền tuyến, nhưng tôi nghĩ một giải pháp chính trị vẫn đang trong quá trình đàm phán", ông nói với Al Jazeera.

"Thổ Nhĩ Kỳ nhận được một sự chấp thuận nhỏ trong hội nghị thượng đỉnh rằng họ sẽ có quyền kiểm soát Idlib. Người Nga yêu cầu họ không nhắm vào căn cứ không quân Hmeimim và các khu vực có lực lượng của chính quyền Syria".

Quân đội Nga trước đó đã cáo buộc phiến quân ở Idlib tấn công căn cứ Hmeimim của nước này ở Latakia bằng máy bay không người lái trang bị vũ khí.

Theo Rahal, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được Nga gia hạn thêm thời gian để giải quyết vấn đề hiện diện của Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) tại Idlib. Moscow coi HTS, liên minh vũ trang lớn khác ở Idlib là một tổ chức khủng bố và coi nhóm này là mục tiêu tiêu diệt cốt lõi.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng đề nghị HTS tự giải tán, mặc dù vậy nhóm này đã từ chối. Rahal cho biết liên lạc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với HTS đang tiếp tục. Nếu trong trường hợp đàm phán vẫn không thành công, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dùng đến giải pháp vũ lực.

Tuy nhiên, Giáo sư Ilter Turan từ đại học Istanbul Bilgi, nghi ngờ về một viễn cảnh như vậy.

"Tôi không nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng biện pháp quân sự để loại bỏ nhóm nào trong Idlib, vì những nhóm này vẫn hành động làm vừa lòng Ankara từ trước đến nay", ông nói với Al Jazeera. "Ankara không cho thấy họ sẽ thay đổi quan điểm của mình trong vấn đề này".

Giáo sư Turan cũng cho biết các động thái chuẩn bị quân sự mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ "đã không làm hài lòng" Chính phủ Syria và đồng minh Nga, Iran.

"Đây là một bước đi có thể gây ra nhiều vấn đề lớn trong hợp tác ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran".

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận về các kế hoạch và động thái quân sự của mình tại Idlib.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại