OPEC và liên minh đang chìm trong cuộc khủng hoảng đối đầu nghiêm trọng

Nhật Đăng |

Hai nước thành viên rất có tiếng nói trong liên minh OPEC hiện đang đưa ra quan điểm đối chọi nhau về hướng điều chỉnh sản lượng dầu và chưa có dấu hiệu nhượng bộ.

Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đẩy cao căng thẳng trong cuộc họp nội bộ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây, theo Bloomberg đưa tin.

Sự bất đồng về ngoại giao hiếm hoi giữa các đồng minh lâu năm không khỏi khiến cho kinh tế toàn cầu đương đầu với nhiều rủi ro, nhiều người dự báo về khả năng giá dầu sẽ diễn biến ra sao từ tháng sau.

Theo Bloomberg, cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và UAE đã khiến cho nhóm OPEC và các nước đồng minh phải dừng đối thoại 2 lần trong cuối tuần qua. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày thứ Hai nếu các bên chấp thuận đồng ý ngồi vào bàn đàm phán.

Thị trường năng lượng băn khoăn khi mà giá dầu vẫn tiếp tục quá trình tăng lên vượt mức 75USD/thùng. Khi mà nhóm này đang bàn đến chính sách sản lượng dầu không chỉ với khoảng thời gian còn lại của năm mà còn cả năm 2022, giải pháp cho tình thế hiện tại sẽ mang tính định hình thị trường năng lượng và ngành vào năm sau.

Cho đến ngày Chủ Nhật, thông tin về bất đồng giữa hai nước đã chính thức được công chúng biết tới. Trước đó, hai nước đã rất cố gắng để giữ kín thông tin này.

“Chúng ta cần phải kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng. Việc kéo dài thỏa thuận giúp cho nhiều người được ở trong vùng an toàn”, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television vào đêm ngày Chủ Nhật.

Ngoài ra, một dấu hiệu khác cho thấy tranh cãi ngoại giao bên trong OPEC+ hiện vô cùng căng thẳng chính là việc Hoàng tử Abdulaziz phát đi thông điệp rằng Abu Dhabi (chính quyền UAE) bị cô lập bên trong liên minh OPEC+, ông nói: “Cả nhóm đã không thể thống nhất quan điểm với một nước, điều đó buồn đối với tôi nhưng đó là sự thật”.

Trong khi đó, khi nói trên truyền thông, Bộ trưởng Năng lượng UAE – ông Suhail al-Mazrouei trong khi đó lại một lần nữa bác bỏ khả năng kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng, ông chỉ ủng hộ việc nâng sản lượng trong ngắn hạn, đồng thời yêu cầu điều khoản tốt hơn cho UAE vào năm 2022.

“UAE muốn nâng sản lượng vô điều kiện, cái mà thị trường đang cần”, ông Al-Mazrouei nói với truyền thông. Rõ ràng quyết định kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022 thực sự hoàn toàn không cần thiết, ông khẳng định.

Như vậy Abu Dhabi rõ ràng đang đẩy các nước đồng minh vào tình thế khó: chấp nhận đề nghị của nước này, hoặc mạo hiểm gây tổn hại đến liên minh OPEC+. Việc không thể có được thỏa thuận sẽ gây tổn hại đến thị trường vốn đã khan hiếm về nguồn cung, nó tiềm ẩn khả năng sẽ đẩy giá dầu thô lên cao hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng có thể có một kịch bản có thể xảy ra: sự đoàn kết của OPEC+ có thể tan vỡ, như vậy giá có thể sẽ giảm sâu, cuộc khủng hoảng của năm ngoái lặp lại. Ở thời điểm đó, sự đối đầu giữa Saudi Arabia và Nga sẽ có thể khiến cho cuộc chiến giá cả tăng cao.

Nhiều tháng sau khi cuộc chiến giá dầu đó kết thúc, UAE từng khiến thị trường bất ngờ bởi nói đến quan điểm có thể sẽ rời khỏi OPEC. Trong lần xung đột này, UAE chưa hề nhắc lại lời đe dọa đó, tuy nhiên khi được hỏi liệu UAE có rời khỏi OPEC không, hoàng tử Saudi Arabia chỉ nói: “Tôi hy vọng không”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại