Nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump (được gọi là Trump 2.0) sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2020.
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố chiến thắng hôm 6-11, các nhóm bảo vệ môi trường ở Mỹ tuyên bố sẽ "phản kháng chưa từng có" đối với các chính sách chống lại môi trường của Tổng thống tái đắc cử về nước, đất đai, khí hậu, cá và động vật hoang dã.
Ông Kierán Suckling, Giám đốc điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học (trụ sở tại bang Arizona), cảnh báo chính quyền Trump 2.0 sẽ vấp phải những chiến dịch phản đối quy mô gấp đôi trước đây từ những người bảo vệ hành tinh, động vật hoang dã và các quyền cơ bản của con người.
"Chúng tôi đã đối đầu với ông Trump từ bức tường biên giới đến Khu bảo tồn động vật hoang dã Bắc Cực. Và, trong nhiều vụ, chúng tôi đã chiến thắng. Luật môi trường nền tảng của đất nước này vẫn vững chắc. Chúng tôi đã "lên dây cót" để ngăn chặn các chính sách thảm khốc sắp tới của ông Trump" - ông Suckling nói với trang tin Daily Kos.
Trung tâm Đa dạng sinh học sẽ phản đối kế hoạch "khoan, khoan, khoan" của ông Trump và những nỗ lực của ông nhằm "thực hiện lời hứa với ngành dầu mỏ về việc đảo ngược hàng chục biện pháp liên bang bảo vệ đất công, động vật hoang dã đang bị đe dọa và sức khỏe con người".
Ông Suckling tin tưởng những nỗ lực vì môi trường và các loài động vật nguy cấp sẽ thành công.
Phản ứng trước việc ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1-2025 (nếu không có gì thay đổi), Trung tâm Đa dạng sinh học cũng sẽ kêu gọi chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden giữ được "càng nhiều biện pháp bảo vệ môi trường càng tốt" trong những tuần tới.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên Hiệp Quốc (COP29) dự kiến diễn ra tại Azerbaijan từ ngày 11 đến ngày 22-11, ông Suckling và những người cùng chí hướng thúc giục Tổng thống Biden đưa ra "các mục tiêu khí hậu mạnh mẽ".
Ngoài ra, ông Suckling cũng gây sức ép buộc chính quyền ông Biden từ chối mở rộng nhiên liệu hóa thạch trước khi ông Trump nhậm chức bằng cách dừng các dự án như cơ sở xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng CP2 khổng lồ.
Nhiều nhóm bảo vệ môi trường khác ở Mỹ cũng tuyên bố phản đối các chính sách chống lại môi trường của ông Trump.
Bà Elizabeth Bast, Giám đốc chiến dịch của Oil Change International, nhận định các chính sách của ông Trump sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề về môi trường, khí hậu. Bà mong trong những tháng cuối cùng tại nhiệm, ông Biden có hành động cứng rắn vì môi trường sạch.
Trước đó, trong quá trình tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ một lần nữa rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, một khuôn khổ để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đồng thời, sẽ ủng hộ việc tăng sản xuất điện hạt nhân.
Ông Trump cũng sẽ bãi bỏ chính sách của Tổng thống Joe Biden về xe điện và các chính sách khác nhằm giảm phát thải ô tô.
Đặc biệt, ứng viên Đảng Cộng Hòa hứa hẹn tăng sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ bằng cách nới lỏng quy trình cấp phép và sẽ khuyến khích xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới.