Lệnh cấm người Hồi giáo
Tháng 9 năm ngoái, ông Trump tuyên bố bất chấp những nguy cơ về an ninh, ông sẵn sàng cho phép một số người tỵ nạn Syria nhập cảnh vào Mỹ vì đây là "vấn đề nhân đạo quá lớn".
Đến tháng 12, sau khi xảy ra vụ tấn công mang động cơ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở San Bernardino, California, ông Trump đã gây gốc cho ngay cả nhiều đảng viên đảng Cộng hòa bằng tuyên bố cấm tất cả người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ.
Một ngày sau ứng viên đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng này nói thêm rằng các nhân viên hải quan sẽ phải hỏi người nhập cảnh xem họ có theo đạo Hồi không, và từ chối nhập cảnh đối với những người trả lời là "theo đạo Hồi".
Tháng 5 vừa qua, khi đã gần như giành được sự đề cử làm ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Trump đã xuống nước đôi chút, nói rằng ông chỉ nêu ý tưởng cấm tạm thời, chứ đây không phải là đề xuất.
Ngày 13/6 vừa qua, ông Trump lại đưa ra một đề xuất mới: Lệnh cấm sẽ căn cứ vào địa lý, chứ không phải tôn giáo, áp dụng với "những khu vực trên thế giới có lịch sử tiến hành những hành động khủng bố đối với Mỹ, châu Âu, hoặc 'các đồng minh của chúng ta'".
Sau đó, tại Scotland cuối tuần qua, ông Trump tuyên bố ông sẽ cho phép người Hồi giáo đến từ những nước đồng minh như Anh nhập cảnh Mỹ.
Vấn đề nạo phá thai
Kể từ năm 2011, ông Trump đã tích cực ủng hộ quyền được nạo phá thai, song không đưa ra được những luận chứng thuyết phục để phản bác phe phản đối nạo phá thai.
Song hồi tháng 3, khi bị phóng viên Chris Matthews dồn hỏi về vấn đề này, ông Trump trả lời rằng nên cấm việc nạo phá thai, rồi sau đó lại nói rằng phụ nữ vi phạm lệnh cấm này phải chịu hình thức "trừng phạt nào đó".
Vài giờ sau, ông lại đổi ý, nói rằng những bác sĩ hành nghề nạo phá thai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật còn phụ nữ chỉ là nạn nhân.
Vấn đề lương tối thiểu
Tại cuộc tranh cãi của đảng Cộng hòa hồi tuần trước, ông Trump tuyên bố rằng "lương đang quá cao" và người lao động Mỹ cần phải làm việc "thật chăm chỉ" nếu như họ muốn thu nhập tăng.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, chính ông trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN lại nói rằng ông "để ngỏ" khả năng tăng lương tối thiểu mặc dù ông vẫn quan ngại về khả năng các công ty Mỹ có thể cạnh tranh với các quốc gia khác.
Ông cũng thừa nhận rằng mức lương tối thiểu 7,25 USD/giờ của liên bang là quá thấp.
Vấn đề quyền của người đồng tính
Ông Trump lâu nay vẫn được cho là người rất có thiện cảm với người đồng tính, và thậm chí ông còn công khai hoan nghênh hội người đồng tính do ngôi sao âm nhạc Elton John đứng đầu. Song kể từ khi tranh cử tổng thống, quan điểm của ông đã thay đổi một cách thất thường.
Ông liên tục phản đối hôn nhân đồng tính, và năm ngoái đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Tòa án Tối cao hợp pháp hóa việc này, và cam kết sẽ tìm cách đảo ngược phán quyết đó.
Sau vụ thảm sát hôm 12/6 tại một hộp đêm của người đồng tính ở Orlando, bang Florida, ông Trump lại dùng khẩu hiệu của phong trào ủng hộ hôn nhân đồng giới để chỉ trích kẻ sát nhân, là ngăn cản những con người "yêu người họ muốn yêu và thể hiện bản sắc của mình".
Vấn đề tra tấn
Ông Trump thu hút sự chú ý đặc biệt khi chỉ trích cách nước Mỹ đối phó với chủ nghĩa khủng bố là "yếu đuối". Trong một cuộc tranh cãi hồi tháng 2, ông ta bày tỏ quan điểm tán thành việc sử dụng hình thức tra tấn để đối phó với sự man dợ của IS.
Ông ta tuyên bố là sẽ sử dụng lại các hình thức tra tấn còn mạnh tay hơn cả hình thức dìm nước để tra khảo những phần tử khủng bố, và thậm chí còn đòi giết thân nhân của những phần tử khủng bố mặc dù điều này vi phạm luật quốc tế.
Hồi tháng 3, ông ta lại tuyên bố thừa nhận rằng luật pháp và những hiệp ước quốc tế đang đặt ra những hạn chế đối với việc tra tấn phần tử khủng bố và ông sẽ không "chỉ đạo quân đội hay các quan chức khác vi phạm những điều luật này".
Song một ngày sau, ông nói trước đám đông rằng ông sẽ tìm cách sửa đổi những điều luật cấm hình thức tra tấn.