Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos ngày 18-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sắp chọn được người thay thế Giám đốc FBI James Comey. Theo tiết lộ của ông Trump thì trong số ứng viên hàng đầu có cựu thượng nghị sĩ, cựu ứng viên phó tổng thống Dân chủ Joe Lieberman.
Theo The Atlantic, nếu ông Lieberman được chọn làm giám đốc thứ 7 của FBI thì đây là một lựa chọn bất thường. 6 giám đốc FBI trước là các thẩm phán, công tố liên bang, hoặc là đặc vụ FBI, chứ không ai là nghị sĩ.
Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định ông Trump nhiều khả năng sẽ quyết định giám đốc FBI mới trước khi bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên, nhằm bình ổn chính trị trong nước và tạo hình ảnh tốt hơn với các nước.
Cựu thượng nghị sĩ, cựu ứng viên phó tổng thống Dân chủ Joe Lieberman là một trong những ứng viên tiềm năng cho vị trí giám đốc FBI. Ảnh: POLITICO
Tại cuộc họp báo ông Trump cũng thẳng thừng phủ nhận thông tin ông đã yêu cầu ông Comey thôi điều tra mối liên hệ giữa cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn với Nga.
“Không! Không! Câu hỏi kế tiếp đi” - ông Trump nói khi được hỏi ông có đề nghị ông Comey thôi điều tra ông Flynn hay không.
Ông Flynn bị ông Trump sa thải ngày 13-2 vì không trung thực với Phó Tổng thống Mike Pence về cuộc gặp giữa mình và đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak trước khi ông Trump nhậm chức. Theo Reuters ngày 18-5, trong 7 tháng của cuộc đua tổng thống, ông Lynn và một số cố vấn tranh cử của ông Trump đã liên lạc với phía Nga ít nhất 18 lần qua điện thoại và thư điện tử.
Ông Comey vừa bị ông Trump sa thải ngày 9-5 với lý do không làm tốt công việc, không được nhân viên FBI ủng hộ. Tuy nhiên đang có tranh cãi rằng ông Comey bị sa thải vì thúc nhanh cuộc điều tra của FBI về khả năng có sự thông đồng giữa đội tranh cử ông Trump và Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tại cuộc họp báo ngày 18-5. Ảnh: REUTERS
Ông Trump cũng bác bỏ chuyện đội tranh cử của mình thông đồng với Nga trong chiến dịch bầu cử 2016: “Không có sự thông đồng nào giữa tôi và đội tranh cử của tôi với người Nga. Hoàn toàn không”.
Trong phiên họp Hạ viện ngày 17-5, nghị sĩ Dân chủ Al Green đã yêu cầu Quốc hội luận tội ông Trump vì cản trở tư pháp khi sa thải ông Comey giữa lúc ông đang dẫn đầu cuộc điều tra của FBI khả năng Nga thông đồng với đội tranh cử ông Trump. Tại cuộc họp báo, ông Trump cho rằng đề nghị luận tội này là “buồn cười”, khẳng định mình không làm gì sai để phải bị truy tố hình sự.
Trong ngày 17-5, Bộ Tư pháp đã chỉ định ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra độc lập về khả năng Nga liên quan chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, bên cạnh các cuộc điều tra của FBI và Quốc hội.
Ông Robert Mueller (phải) được chỉ định điều tra độc lập liên hệ đội tranh cử Trump và Nga sau khi Giám đốc FBI James Comey (trái) bị ông Trump sa thải. Ảnh: AFP
Trên Twitter, ông Trump chỉ trích quyết định này của Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người do chính ông Trump bổ nhiệm.
“Lúc đội tranh cử bà Clinton và chính phủ Obama có nhiều hành động trái luật thì chẳng có một công tố viên đặc biệt nào được chỉ định để điều tra” - ông Trump nói, tuy nhiên không đề cập cụ thể hành vi trái luật nào của hai nhân vật này.
Đang có lo ngại ông Trump sẽ có hành vi cản trở tư pháp với công việc của ông Mueller. Khi được hỏi về khả năng này, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói còn quá sớm để đưa ra nhận định nào về chuyện này.